Kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít nhắc nhở thế giới gìn giữ hòa bình

06:05, 08/05/2020

(LĐ online) - Phát xít Đức - Ý - Nhật tuy đã bị tiêu diệt cách đây 75 năm, nhưng tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc cùng với các sản phẩm của nó là chủ nghĩa phát xít chưa phải đã bị diệt vong hoàn toàn...

(LĐ online) - Phát xít Đức - Ý - Nhật tuy đã bị tiêu diệt cách đây 75 năm, nhưng tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc cùng với các sản phẩm của nó là chủ nghĩa phát xít chưa phải đã bị diệt vong hoàn toàn. Bởi vậy, kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít 9/5 vẫn luôn có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. 
 
Hơn 1 triệu người dân Anh đã ăn mừng vào sau đêm Chiến thắng Phát xít năm 1945.
Hơn 1 triệu người dân Anh đã ăn mừng vào sau đêm Chiến thắng Phát xít năm 1945.
 
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 có qui mô rất rộng lớn, liên quan đến 72 nước với 1,7 tỷ người tham gia và 110 triệu quân tham chiến. Diễn biến của cuộc Chiến trải qua bốn giai đoạn, diễn ra trên nhiều mặt trận: mặt trận Tây Âu; mặt trận Xô - Đức; mặt trận Bắc Phi; mặt trận châu Á - Thái Bình Dương và mặt trận trong lòng địch của nhân dân các nước bị phát xít chiếm đóng, trong đó mặt trận chủ yếu, quyết định toàn bộ cuộc Chiến là mặt trận Xô - Đức. Ngày 01/9/1939, phát xít Đức tiến công Ba Lan mở đầu chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đến tháng 6/1941, sau khi chiếm đóng 16 nước châu Âu, phát xít Đức tiến công xâm lược Liên Xô nhằm tiêu diệt quốc gia XHCN đầu tiên trên thế giới; nhân dân và Hồng quân Liên Xô đã tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, trở thành lực lượng nòng cốt đánh bại chủ nghĩa phát xít cứu loài người khỏi thảm họa diệt vong. Tháng 01-1942, Đồng minh chống phát xít chính thức được thành lập, nòng cốt là Liên Xô, Mỹ và Anh. Từ năm 1943, Liên Xô chuyển sang phản công và đến giữa năm 1944 mở một loạt chiến dịch tiến công quy mô lớn giải phóng toàn bộ lãnh thổ khỏi ách thống trị của phát xít Đức, đánh chiếm Béclin, sào huyệt cuối cùng của Hítle. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức phải ký đầu hàng, lò lửa chiến tranh ở châu Âu bị dập tắt. Đến ngày 9/8/1945, quân đội Liên Xô tiến công đập tan đạo quân Quan Đông của Nhật. Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng công bố đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh, chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc.
 
Chiến thắng phát xít trong thế chiến thứ 2 là biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết của các dân tộc trên thế giới không cùng ý thức hệ tư tưởng và hệ thống chính trị nhưng đã hợp tác cùng nhau đứng lên đập tan hiểm họa diệt vong nhân loại của chủ nghĩa phát xít; trong đó nhân dân Liên Xô đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề nhất và mặt trận Xô - Đức là mặt trận mang tính quyết định cục diện chiến tranh. Ngay cà Tổng thống Mỹ Ru-dơ-ven khi đó cũng đã nhận định, sự thật không thể phủ nhận là quân đội Liên Xô đã tiêu diệt một số lượng quân phát xít lớn hơn số lượng của 25 nước đồng minh gộp lại. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới trước chủ nghĩa phát xít trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 là một trong những thiên anh hùng ca chói lọi nhất trong lịch sử nhân loại thế kỷ XX. Sự vinh quang, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của tất cả những ai đã trải qua chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít xâm lược mãi mãi bất diệt.
 
Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc - chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới trước chủ nghĩa phát xít đã mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức và tạo điều kiện cho hàng loạt nước XHCN ra đời. Từ đó dẫn đến hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị lung lay, từng bước sụp đổ. Ở Việt Nam, chớp thời cơ khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, phát xít Nhật bị đánh bại, tháng 8/1945 dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền từ tay quân phiệt Nhật và tay sai, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, đi lên CNXH. 
 
Sự thật lịch sử là như thế, nhưng lâu nay phương Tây và các thế lực thù địch vẫn cố tình xuyên tạc, hạ thấp vai trò,thậm chí còn ra sức đổ lỗi cho Liên Xô về sự bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ 2, hòng tìm mọi cách che giấu và làm sai lệch nhận thức của nhân dân về Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay. Nhưng họ vẫn không thể phủ nhận được sự thật là trong lúc Liên xô đang tìm mọi cách ngăn chặn để không xẩy ra cuộc chiến tranh thì chính phương Tây mà trước hết là Anh, Pháp và Ba Lan lại khuyến khích Hitler gây chiến chống Liên Xô nhằm tiêu diệt chế độ Cộng sản. Không ngờ chính họ đã tự biến mình thành nạn nhân của quân xâm lược phát xít. Như vậy, lịch sử đang có nguy cơ bị viết lại nhằm làm sai lệch hoặc làm lu mờ vai trò và sự đóng góp, hy sinh của Liên Xô để phục vụ cho các mục đích chính trị của phương Tây. Chừng nào những tư tưởng đó còn tồn tại thì mầm mống của một cuộc chiến tranh mới sẽ vẫn còn âm ỉ diễn ra, chờ cơ hội là bùng phát. Chính vì lẽ đó mà những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với thế giới hiện nay và nhắc nhở mọi quốc gia, dân tộc phải luôn ghi nhớ. 
 
Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô vẫy cờ thể hiện chiến thắng tại Berlin, Đức ngày 30/4/1945, đây cũng là ngày Adolf Hitler tự tử.
Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô vẫy cờ thể hiện chiến thắng tại Berlin, Đức ngày 30/4/1945, đây cũng là ngày Adolf Hitler tự tử.
 
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 để lại nhiều bài học có giá trị, trong đó cần nhấn mạnh một số bài học lớn, đó là: Muốn tránh chiến tranh trước hết các quốc gia, dân tộc phải có tư tưởng hoà bình, biết nhân nhượng, tôn trọng lợi ích của nhau, không xúi dục gây chiến với bất kỳ ai, tránh để xẩy ra tình trạng “gậy ông lại đập lưng ông”, hoặc kẻ “gieo gió thì gặt bão”. Thứ hai, lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng các thế lực xâm lược bao giờ cũng đưa ra những điều tốt đẹp, cao quí, hô hào khẩu hiệu bảo vệ quyền tự do, dân chủ, nhân quyền…để biện minh, che đậy cho mưu đồ xấu xa, hành động đen tối của chúng. Vì vậy, lực lượng dân chủ, hòa bình trên thế giới cần tỉnh táo, bình tĩnh, sáng suốt, cảnh giác trước các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc để không mắc mưu kẻ thù. Thứ ba, các nước, các dân tộc cần có sự nhân nhượng, tôn trọng lợi ích của nhau để bảo vệ hòa bình, ổn định, đảm bảo sự phát triển toàn diện và yên ổn cho chính mình và các các quốc gia, dân tộc khác. Thứ tư, đoàn kết các lực lượng tiến bộ của loài người trong mặt trận đấu tranh chống các thế lực hiếu chiến, ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình trên thế giới luôn mang tính giá trị thời đại. 
 
Bối cảnh hiện nay tuy đã khác xa so với nửa đầu thế kỷ 20, thế giới bước vào toàn cầu hóa, lợi ích quốc gia và quốc tế được xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ đa phương, đa dạng với mong muốn cùng tồn tại hoà bình và phát triển. Đó là những nhân tố thuận lợi để ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới. Tuy nhiên, hòa bình không phải điều dễ dàng có được nếu các nguy cơ tiềm ẩn của các cuộc chiến vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Vì vậy, những tổn thất, thương vong lớn do chiến tranh gây ra luôn là bài học nhắc nhở nhân dân thế giới ngày nay cần phải hết sức trân trọng và giữ gìn nền hòa bình để không được phép tái diễn một thảm họa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào.
 
Kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng phát-xít không chỉ để ôn lại lịch sử, ghi nhận, tưởng nhớ những người đã hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt chống chủ nghĩa phát xít xâm lược, mà còn là dịp củng cố, tăng cường khối liên minh đoàn kết giữa các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống các nguy cơ toàn cầu, mà trước hết là chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cường quyền, bá quyền của các thế lực tham vọng, hiếu chiến. Việt Nam là một đất nước đã phải trải qua biết bao đau thương, mất mát do các cuộc chiến tranh xâm lược gây ra, trong đó có cả chiến chiến tranh phát xít. Vì vậy, hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam rất ghét chiến tranh và yêu chuộng hòa bình; luôn giữ gìn và trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do và theo đuổi mục đích đó đến cùng. Do đó, Việt Nam là đối tác tin cậy, cùng với các quốc gia trên thế giới phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
 
 VĂN NHÂN