Người làng biển

08:07, 19/07/2018

Nếu người miền núi có đại ngàn xanh ngát, thì người xứ biển có đại dương bao la; người trên núi có tiếng cồng tiếng chiêng thì người dưới biển có tiếng sóng tiếng gió. Thiếu rừng đồng bào miền cao cô đơn;  vắng biển, vắng những làng biển truyền thống ngư dân lạc lõng...

Nếu người miền núi có đại ngàn xanh ngát, thì người xứ biển có đại dương bao la; người trên núi có tiếng cồng tiếng chiêng thì người dưới biển có tiếng sóng tiếng gió. Thiếu rừng đồng bào miền cao cô đơn;  vắng biển, vắng những làng biển truyền thống ngư dân lạc lõng...
 
Cảng cá miền Trung
Cảng cá miền Trung

Sinh ở núi, sống làm việc trên núi, nên vừa xuống biển tôi bắt nhịp cuộc sống mới bằng một chuyến ăn theo với biển cùng những ngư dân thuần chất của làng chài lâu đời bậc nhất ở đây: làng Nam Thọ, phường Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng. Biển ngày cuối năm nhẹ nhàng yên ả, buông xong mẻ lưới khởi động các lão ngư tranh thủ trước giờ cơm thả “đoản” câu kiếm thêm ít thu nhập ngoài luồng. Cần câu chỉ dài chừng 80 phân nhỏ bằng chiếc đũa, nhưng rất dẻo và chắc dùng để câu mực, vị trí không quan trọng, chỉ cần thả được câu. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, một người có kinh nghiệm nói: “Câu mực không dễ, phải kiên trì. Hồi trước vùng quanh vịnh Đà Nẵng này mực khá dồi dào chỉ vài tiếng là có hàng đi chợ”. Ngoài lục tuần, ông Nghĩa vẫn hoạt bát như tuổi đôi mươi, bạn thuyền của ông cũng là bạn đồng niên, phần vì gạo tiền cơm áo, phần còn lại ông dành cho biển, vì nhớ biển, với ông biển có từ hồi còn nằm nôi, hồi còn tuổi trẻ giữa muôn trùng khơi xa, việc kiếm sống trên biển bao giờ cũng nhọc nhằn vất vả, họ lấy giờ câu mực làm niềm vui, phút thư giãn sau mẻ lưới mệt nhoài. Nếu chăm chỉ kèm chút may mắn thì sáng mai lên bờ, phần riêng cho mỗi người là chừng 2 kg mực tươi, bán giá trung bình cũng được 200 nghìn/kg cộng với khoản “lương cứng”, nói chung là đầy đủ cho bữa cơm hàng ngày, ông Nghĩa chia sẻ...
 
Từ cái lần đầu được đi biển ấy, rồi những chuyến đi dài xuyên qua nhiều làng biển, đến lúc dần quen vị ngai ngái nồng nồng của biển, mùi sóng mùi gió, tôi mới hiểu thêm chút nào về cuộc sống, về những sắc màu văn hóa, hiểu về niềm khát vọng, can trường, đặc biệt là sức sáng tạo của người xứ biển trước đại dương đầy trắc ẩn.Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những con người mưu sinh cùng biển cả ấy luôn tìm ra cho mình một phương thức sống thích nghi với môi trường. Mọi khó khăn thử thách càng làm cho họ kiên cường, mạnh mẽ và quyết tâm hơn, để chế ngự, chinh phục, làm chủ không gian sinh tồn mà tổ tiên để lại. 
 
Quy Hòa thuộc thành phố Quy Nhơn (Bình Định), làng được bao quanh bởi dãy núi tạo hình cánh cung ôm trọn. Ở đây có ruộng, có rừng dừa, có vẻ trầm tư, cổ kính của loạt công trình kiến trúc xây từ thời thuộc địa và những chủ nhân với nghề truyền thống gần trăm năm trước, nghề đi biển. Thế hệ con cháu đang viết tiếp câu chuyện về nghề, một trong số đó là ông Lê Văn Chín, con của đôi vợ chồng bệnh phong bén duyên tại đây hơn nửa thế kỷ trước. Ông luôn trăn trở về một loại thuyền đánh cá mini kết cấu gọn gàng phù hợp địa thế vùng. Sau thời gian nghiên cứu tìm tòi ông quyết định đóng thử con thuyền bằng vật liệu nhựa. Từ thùng phi màu xanh cao tầm 1m, ông cắt ra từng mảnh đủ kích cỡ, tiếp đến gắn lại bằng hàng vít sắt dày sát nhau, lớp keo mỏng ở giữa giúp chống ngấm nước thuyền gần như tuyệt đối. Đầu tư ít, hiệu quả cao, việc dùng thùng nhựa tiết kiệm thời gian đáng kể, thay vì phải mất một tuần đan, cắt, tỉa, uốn, sơn để hoàn thành phần nang thuyền thì với “phát minh” mới này ông chỉ mất 3 ngày. Giá cả khá bình dân, dao động khoảng 5 - 7 triệu đồng, vừa phải so với cái ví của ngư dân trong vùng, ông Chín cho biết hạn sử dụng, độ an toàn không thua kém loại thuyền nan truyền thống. Điểm ưu việt lớn nhất là một người sức khỏe bình thường có thể tự mình di chuyển phương tiện lên bờ một cách dễ dàng. Tính đến nay, “nhà sản xuất” Lê Văn Chín đã cung cấp cho thị trường khoảng 50 chiếc thuyền, chủ yếu là ngư dân địa phương... 
 
Mỹ Thủy, làng bãi ngang cách huyện lỵ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị chừng 18 km, đón tôi bằng màu xanh ngát của tràm. Hai bên đường hàng cây đều tăm tắp chạy dài hun hút như không có điểm dừng, cành lá phủ kín đến nỗi mặt trời chỉ tranh thủ chen qua ở vài thời điểm. Cuối rừng tràm, vùng biển đẹp xuất hiện. Cảnh chiều rộn ràng nhộn nhịp đồng loạt ghe thuyền cập bờ mang về nào là cá, mực, tôm tươi rói lấp lánh dưới ráng hoàng hôn. Những con thuyền ở đây có dáng rất lạ, sở hữu thứ ngôn ngữ tạo hình khá ấn tượng. Độc đáo nhất là độ cong lớn, nhìn gần như vòng tròn bị cắt đôi, với đầu cao vút chĩa thẳng lên bầu trời, đuôi có cần bánh lái hình chiếc rìu tạo ra một sự cân đối trong kết cấu. Hai mạn thuyền gắn hai khối xốp bọc bên ngoài lớp tre mỏng ôm sát có tác dụng chống lật úp, va đập trong tình trạng thời tiết xấu, nếu có bị gặp trở ngại con thuyền vẫn nổi trên mặt nước. Lại một điểm cộng cho sự sáng tạo. Mỗi năm các xưởng trong làng sản xuất trên 300 chiếc thuyền, cung cấp nhu cầu cho các bãi ngang từ dọc các tỉnh bắc miền Trung. Giải thích về độ cong quá cỡ của con thuyền, cụ Nguyễn Trường Liêm, một cao niên trong làng cho rằng, nó sinh ra là để “đạp sóng lướt gió”, mới nghe cũng đủ thấy sự dũng mãnh như những chiến thuyền đầy bản lĩnh, mang khát vọng làm chủ thiên nhiên, làm chủ biển của cư dân vùng bãi ngang này. 
 
Lão ngư miền Trung
Lão ngư miền Trung

Sau hai lần bị từ chối, chúng tôi cũng được làm thủy thủ “bất đắc dĩ” cưỡi thuyền vượt qua những con sóng tiến thẳng ra biển. Buổi sáng trong lành mát dịu, thuyền lướt đi nhẹ nhàng trên mặt nước phẳng lặng. Dần về chiều, sóng bắt đầu động đậy, tăng tốc từng đợt lũ lượt kéo nhau ập vào bờ. Vị thuyền trưởng trẻ măng, trên dưới 20 tuổi điều khiển con thuyền một cách thuần thục và điêu luyện. Gió về, sóng đập roàn roạt vào mũi, con thuyền sụt xuống hõm sóng, thoáng chốc vụt lên cao đạp lên đầu ngọn sóng rồi lướt băng qua chúng một cách đầy kiêu hãnh. Cha kéo lưới, anh điều khiển, em lái máy, hoạt động nhịp nhàng như đã được lập trình sẵn, vừa giữ thăng bằng vừa làm việc thoăn thoắt. Mặc cho thuyền và sóng xô qua đẩy lại, nhô lên, tụt xuống, nghiêng bên này lắc bên kia, tâm thế của họ vẫn vững chãi, đôi bàn chân nâng lên, hạ xuống lựa theo nhịp sóng tựa như đôi bàn chân cảm nhận từng cơn mạnh yếu bằng thứ giác quan được tôi luyện từ thuở nhỏ, qua thời gian biến thành phản xạ tự nhiên.   
 
Xứ biển, con người tâm hướng biển. Hồn khoáng đạt thấm từ sóng gió mặn mòi di truyền qua trung gian biển, kết nối cư dân hình thành nên xóm làng, bờ bãi. Biển không chỉ là không gian sống mà nó còn là không gian văn hóa, không gian thực hành tín ngưỡng của cha ông để lại. Những ngày này đi dọc dải miền Trung, không ít câu chuyện làm người nghe buồn lòng: chuyện về người dân làng biển mà không có lối xuống biển, chuyện dời di tích đã gắn bó máu thịt từ nhiều thế hệ...
 
Tôi trở lại Nam Ô, một ngôi làng cũ kỹ nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Không khí ghe thuyền vào ra, bán mua buổi bình minh không ồn ã như trước, thay vào đó là sự lo lắng về tương lai khi dự án biệt thự nghỉ dưỡng hình thành, choán lấy mặt tiền. Chưa biết người dân được hưởng lợi điều gì từ dự án nhưng chắc chắn rằng phần ký ức đẹp đẽ nhất của người Nam Ô sẽ đi vào dĩ vãng. Con đường bê tông bị hàng rào thép phủ tôn kín kéo dài từ đầu đến cuối làng, đồng nghĩa là ngăn lối đi, che hướng nhìn, bịt con gió… thứ giản dị mà hằng ngày họ vẫn được hưởng như lẽ tự nhiên vốn có. Lễ hội Cầu Ngư ở Nam Ô diễn ra vào 15/2 âm lịch hàng năm, năm nay phần hội gồm các hoạt động thể thao truyền thống như: đua thuyền, đan lưới, kéo co, đánh bóng bị lược bỏ. Không khí hàng trăm con cháu già trẻ gái trai lớn nhỏ quần tụ chung vui cùng lễ hội chỉ còn là nỗi nhớ, tính tới lui cũng chỉ vài chục người, đi chủ yếu là mang tính đại diện. 
 
Mới đây lại được nghe thêm câu chuyện về làng Quy Hòa, hỏi ra mới hay có tập đoàn lớn đang dòm ngó tiềm năng của khoảnh đất yên bình hiếm có này. Quy Hòa - thung lũng giữa đồng bằng, nơi tụ cư bắt đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Linh mục Paul Maheu chọn rẻo cong làm chốn nương náu cho những con người mắc phải căn bệnh bị xã hội thời đó miệt thị, bệnh phong. Trải qua hàng chục năm quằn quại cả thể xác lẫn tinh thần, Quy Hòa ngày nay đang mang trong mình dáng dấp một công viên hơn là một ngôi làng ven biển. Cây cối xanh tươi, không khí mát lành, chim bốn mùa hót, thiên nhiên như đang bù lại chút mất mát của cha ông thuở lập làng. Khách xa đến đây, lắng nghe thanh âm cất lên từ đáy sóng, ngửi vị bọt biển li ti bám theo từng đợt sóng già xông lên theo gió, tiếng chuông nhà thờ dội về từ ghềnh đá, bỗng thấy nhẹ lòng muốn lưu lại thêm ít nhiều... Tôi mới vỡ lẽ rằng cái ánh mắt dò xét, thận trọng của người dân Quy Hòa giờ đây không phải đến từ căn bệnh mình mắc phải mà nó đến từ một nỗi lo, dù chưa có hình hài thật cụ thể.
 
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Nói đến văn hóa là nói đến dân tộc, một dân tộc đánh mất truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc thì dân tộc ấy sẽ mất tất cả. Văn hóa suy thoái sẽ trực tiếp cản ngại cho tiến trình xây dựng kinh tế và không thể xây dựng kinh tế thành công”. 
 
Khách quan mà nói: Trong tiến trình đổi mới chung của đất nước, nhiều làng biển diện mạo đã khang trang hơn, đời sống ngư dân phát triển hơn là điều dễ nhận thấy. Nhưng những năm gần đây, người dân làng biển không chỉ cảm thấy bất an khi đi trên biển mà họ đang cảm thấy bất an, bức xúc ngay trên đất liền bởi những câu chuyện di dời, tái định cư, chuyển đổi nghề... Và trong chiều sâu của cuộc sống hôm nay, mấy ai đã thấu hiểu, sẻ chia một điều: Khi một sáng mai bình yên ngủ dậy, làng xã bỗng thành phường, thành quận - còn ngư dân, trong hành trang của họ đã kịp chuẩn bị được những gì sẵn sàng để trở thành thị dân?! Với tôi, cứ đau đáu câu hỏi: Liệu người ngư dân có cảm thấy mình bị lạc lõng giữa bủa vây ào ạt của làn sóng “đô thị hóa”?   
 
Ký sự: LÊ TIẾN SỸ