Ðà Lạt có thể học Băng Cốc làm du lịch xanh

09:07, 19/07/2018

Cùng với mở đường bay trực tiếp từ Sân bay Liên Khương (Ðà Lạt) tới Sân bay Suvarnabhumi, Băng Cốc, lượng khách du lịch giữa hai bên tăng rõ rệt. Cùng là hai thành phố du lịch nhưng về quy mô, Ðà Lạt còn học rất nhiều từ Băng Cốc để thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. 

Cùng với mở đường bay trực tiếp từ Sân bay Liên Khương (Ðà Lạt) tới Sân bay Suvarnabhumi, Băng Cốc, lượng khách du lịch giữa hai bên tăng rõ rệt. Cùng là hai thành phố du lịch nhưng về quy mô, Ðà Lạt còn học rất nhiều từ Băng Cốc để thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. 
 
Giao thông cuối tuần ở Băng Cốc. Ảnh: D.Q
Giao thông cuối tuần ở Băng Cốc. Ảnh: D.Q

Bà Napasorn Kakai, Giám đốc Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam, người rất yêu thích Đà Lạt nhận xét: “Du lịch Đà Lạt khác nhiều so với du lịch Băng Cốc, từ khí hậu, ẩm thực cho tới con người. Một trong những điểm tôi thấy Đà Lạt còn yếu so với Băng Cốc mà các bạn có thể cải tiến được là vấn đề môi trường, nhất là rác thải”. Bà Kakai cho biết, trước đây Băng Cốc cũng bị ô nhiễm bởi rác thải, nhất là rác thải từ bao nilon. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan đã xác định xây dựng cả chiến dịch giữ gìn môi trường bằng việc đưa giáo dục bảo vệ môi trường vào trường học, bắt buộc dân cư phải phân loại rác trước khi thu gom. Bà cho biết: “Việc phân loại rác không tốn nhiều chi phí nhưng mang lại hiệu quả không ngờ cho môi trường. Phân loại rác đã giúp Băng Cốc sạch hơn rất nhiều, nhất là rác khó phân hủy và rác thải sinh hoạt vốn là nguồn gây ô nhiễm mùi rất lớn”. Bà cũng thừa nhận, tuy không tốn nhiều chi phí nhưng cần sự giáo dục, tuyên truyền rất thường xuyên trong cộng đồng, đặc biệt hướng tới môi trường học sinh, những chủ nhân trong tương lai. Bà kể lại kinh nghiệm của Băng Cốc là thường xuyên tổ chức cuộc thi sạch, đẹp giữa các khu du lịch. Điều này khiến các khu du lịch ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn cảnh quan, trồng cây xanh, hoa cảnh và thu gom rác thải. 
 
Điều thứ hai là điều Đà Lạt đang có và cần giữ gìn, đó là diện tích cây xanh, mảng xanh trong thành phố. Băng Cốc hiện có hàng trăm cao ốc với số tầng rất lớn nhưng mảng xanh của thành phố vẫn chiếm một lượng lớn. Khi xây dựng mọi công trình, diện tích cho cây xanh đều coi là yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, thành phố đông đúc với gần chục triệu dân cư nhưng mảng xanh trong thành phố rất nhiều. Đà Lạt, với danh xưng “thành phố trong rừng” cần giữ gìn mảng xanh, nét đặc trưng của một thành phố bán ôn đới, tránh bê tông hóa thành phố. Đây cũng là yếu tố tạo nên nét riêng của Đà Lạt, nét thu hút khách Thái Lan nói riêng và du khách nói chung.
 
Điểm yếu của du lịch Đà Lạt so với du lịch Thái Lan còn là ngoại ngữ. Ở Băng Cốc, dù chỉ là người bán hàng rong, bán hàng trong chợ nhưng học đều biết tiếng Anh ở mức cơ bản, thuận tiện trong trao đổi, mua bán, chỉ đường. Còn với những thị trường du khách lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, người Thái đào tạo được đội ngũ hướng dẫn viên thạo tiếng, hiểu văn hóa để phục vụ tốt nhất, mang lại sự hài lòng nhất cho du khách trong chuyến du lịch. Ngay tại các điểm du lịch, các bảng chỉ dẫn, các brochude giới thiệu, tờ rơi đều được in bằng nhiều thứ tiếng Anh, Hàn, Trung, Pháp, Tây Ban Nha..., đáp ứng đủ nhu cầu cho du khách sử dụng các loại ngôn ngữ phổ thông. Đây là điều du lịch Đà Lạt còn chưa chú ý. 
 
Nếu so sánh tương quan, một thành phố du lịch nổi tiếng thế giới như Băng Cốc, một năm đón 40 triệu lượt khách du lịch quốc tế thì Đà Lạt còn đang ở mức sơ khởi. Tuy nhiên, có những nét hay từ du lịch Băng Cốc mà du lịch Đà Lạt có thể học được, áp dụng từ hôm nay để tăng thu hút khách du lịch là điều hoàn toàn khả thi.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Ðồng: “Chúng tôi sẽ học theo Băng Cốc làm đẹp các khu du lịch”
 
Quả thật môi trường của thành phố Băng Cốc rất sạch, khiến du khách rất yêu thích. Với Đà Lạt, việc giữ sạch môi trường không chỉ là việc của ngành du lịch mà là việc của toàn cộng đồng, trong đó có chính quyền thành phố. Nhưng trong phạm vi của ngành, chúng tôi sẽ nghiên cứu và tổ chức cho các khu du lịch tham gia các cuộc thi xanh - sạch - đẹp. Chúng tôi sẽ học theo nước bạn giữ thật sạch, thật đẹp các khu du lịch như một cách thu hút du khách đến với Đà Lạt. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta phải xác định giữ gìn môi trường sạch, đẹp là nhiệm vụ chung và bắt buộc phải làm để giữ một môi trường bền vững, trong đó có mục tiêu giữ môi trường để phát triển du lịch.
 
DIỆP QUỲNH