Khai thác lợi thế du lịch Lâm Ðồng - Khánh Hòa giai đoạn mới

09:06, 07/06/2018

Lâm Ðồng và Khánh Hòa có lợi thế tự nhiên khác biệt, là điều kiện rất tốt trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong liên kết, thu hút khách du lịch nói riêng. 

Lâm Ðồng và Khánh Hòa có lợi thế tự nhiên khác biệt, là điều kiện rất tốt trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong liên kết, thu hút khách du lịch nói riêng. Hai địa phương đã duy trì liên kết trong hợp tác phát triển du lịch từ năm 2011, và luôn vận động để mối quan hệ hợp tác phù hợp với điều kiện thực tế và khai thác được lợi thế riêng có để tour du lịch “một hành trình - hai điểm đến” ngày càng hấp dẫn.
 
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - điểm đến mới rất ý nghĩa tại Nha Trang. Ảnh: L.H
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - điểm đến mới rất ý nghĩa tại Nha Trang. Ảnh: L.H

Ngày càng tích lũy những thành công trong xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt và Nha Trang, gần 10 năm qua, với những thuận lợi về vị trí địa lý, mối quan hệ hợp tác hai bên được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình giữa các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch trong xúc tiến, quảng bá, kết nối tour tuyến, hợp tác lưu trú và ăn uống và đặc biệt tạo dấu ấn cho tour du lịch “một hành trình - hai điểm đến”...
 
Bước sang giai đoạn mới trong chương trình hợp tác (2016-2020), với nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách, thị trường, thị phần... ngành du lịch giữa hai địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực, như trao đổi kinh nghiệm về tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư du lịch; về gia hạn dự án, kinh doanh bất động sản du lịch (biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, thu hút và quản lý khách du lịch Trung Quốc).
 
Ngành du lịch Lâm Đồng và Khánh Hòa phối hợp đón các đoàn Famtrip từ các thị trường Mỹ, Úc, Đức, Phần Lan đến khảo sát sản phẩm du lịch của hai địa phương; cũng như phối hợp trong công tác quảng bá hình ảnh, thông báo các sự kiện du lịch của hai tỉnh; đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai tỉnh ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh và tổ chức khai thác du lịch đặc trưng, như Lâm Đồng khai thác các chương trình du lịch biển tại Nha Trang, còn Khánh Hòa khai thác các tour du lịch thể thao mạo hiểm tại Đà Lạt...
 
Năm 2017, các doanh nghiệp lữ hành Khánh Hòa đã đưa khoảng 230 ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Lạt. Nhưng, theo ghi nhận của nhiều đơn vị, lượng khách quốc tế từ Nha Trang lên Đà Lạt chỉ khoảng 30% có nhu cầu lưu trú. Ông Bùi Quốc Đại - Công ty Anex chuyên tổ chức các tour du lịch cho khách Nga sang Việt Nam, nhận xét: Do điều kiện tự nhiên tại Đà Lạt có nét tương đồng với Nga, Lâm Đồng chưa có sản phẩm du lịch chuyên biệt thu hút khách Nga và Quốc lộ 27 nhiều đoạn xấu... nên khách chỉ đến để đi xem 1 lần và chưa có gì để thu hút du khách quay trở lại. Từ tháng 12/2016, đường bay Vũ Hán - Đà Lạt và ngược lại của Hãng hàng không Vietjet với tần suất 3 chuyến/tuần đã gia tăng lượng khách Trung Quốc đến hai địa phương, nhưng tỷ lệ lưu trú tại Đà Lạt vẫn thấp hơn.
 
Tại điểm du lịch “Nhà Yến Nha Trang”, du khách được tham quan mô hình làm tổ của chim yến, quy trình trồng - thu hái - sơ chế tổ yến. Ảnh: L.H
Tại điểm du lịch “Nhà Yến Nha Trang”, du khách được tham quan mô hình làm tổ của chim yến,
quy trình trồng - thu hái - sơ chế tổ yến. Ảnh: L.H

Trong Hội nghị đánh giá kết quả hợp tác phát triển du lịch giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa vừa được tổ chức, bàn về việc thu hút và giữ chân du khách, các doanh nghiệp đều khẳng định, chỉ có thể bằng chất lượng dịch vụ, kết hợp nhiều loại hình du lịch. Chẳng hạn, tham quan kết hợp với nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp với trải nghiệm, như tắm bùn, đánh cá, nuôi tôm tại Nha Trang; hay tham quan và mua sắm dược phẩm, trải nghiệm trồng rau hoa, tham gia tour du lịch thể thao mạo hiểm, đi bộ leo núi và ngủ đêm trên đỉnh núi Lang Biang tại Đà Lạt... 
 
Chính sách giá và tăng cường liên kết qua từng thời điểm, hay tìm kiếm nguồn khách mới cũng là những vấn đề thiết thực được hai bên đề cập đến để có những dịch vụ bổ trợ hợp lý giữ chân du khách qua việc thỏa mãn nhu cầu của họ. Tuy nhiên, mặc dù khẳng định doanh nghiệp du lịch cần chủ động tổ chức kinh doanh và khai thác tour tuyến, nhưng doanh nghiệp không thể một mình đi xa được. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa: Vai trò chủ đạo là của nhà nước. Vì hai bên chung sản phẩm du lịch liên kết qua việc kết nối từng sản phẩm của mỗi bên, nên phải có sự hợp tác điều phối của cơ quan nhà nước để tạo thành chuỗi và phát triển thị trường ra nước ngoài thì mới mang lại lợi ích thiết thực và tính cạnh tranh về giá cũng như chất lượng.

Ông Trần Minh Ðức - Công ty Du lịch Long Phú:
 
Nguồn khách phía Bắc vào đang chiếm khoảng 40%, nguồn khách inbound (khách du lịch vào Việt Nam) đang ngày càng nhiều. Sắp tới, Khánh Hòa mở đường bay đến Siêm Rệp (Campuchia), lượng khách inbound sẽ tăng nhiều hơn. Lượng khách lẻ (không mua tour của các hãng du lịch rất nhiều), khoảng 40%, vì vậy, họ cần thông tin về nơi ăn, nơi ngủ, nơi vui chơi… cũng là cách để chúng ta thu hút khách. Năm trước, Công ty Long Phú đã đưa ra sản phẩm tour nối 2 địa phương khá hiệu quả là “thưởng trầm thử yến” (Nha Trang) và “say rau, ngắm hoa” (Đà Lạt).
 
Ông Trương Văn Thọ - Công ty Cổ phần Charter Du lịch Việt Nam, Chi nhánh Khánh Hòa:
 
Mặc dù Hải quan và an ninh ở Đà Lạt rất tốt, nhưng Công ty không cho xe chở khách đến Đà Lạt về sau 3h30’ chiều vì đường nhiều sương mù sẽ tiềm ẩn nguy hiểm; thậm chí, ngày mưa xe phải đi đường đèo Sông Pha. Công ty đưa khách tuyến Sài Gòn - Mũi Né - Đà Lạt - Nha Trang, nhưng chỉ sử dụng một nhà hàng, vì chưa có sự kết giao chặt chẽ giữa hai bên, nên thực sự chưa tiếp cận với các nhà hàng khác tại Đà Lạt. Vấn đề khách sạn cũng đang khó vì lượng khách đông, khách sạn nhỏ - ít phòng, phải ở rải nhiều nơi rất bất tiện.
 
Ông Huỳnh Lam Sinh - Trạm dừng chân Suối Ðá - Hòn Giao:
 
Khi mới xây dựng trạm dừng chân cách đây hơn 10 năm, mỗi ngày chỉ có vài lượt khách, nay cả ngàn lượt khách. Nên tìm một cái tên phù hợp cho đường đèo nối Đà Lạt với Nha Trang, vì cái tên đèo Khánh Lê không gợi nhớ gì cho Đà Lạt và Nha Trang cả. Khách du lịch nước ngoài gọi là con đèo Omega vì nó có những khúc cong rất đẹp và rất nguy hiểm. Đèo có độ dài 29 km trong giấy tờ, nhưng thực tế dài hơn vì phần dốc nguy hiểm, đã xảy ra tai nạn, không nằm trong độ dài quy định của đèo, khiến lái xe - nhất là lái xe ở tỉnh xa đến chủ quan. Mỗi đầu đèo đều nên có bảng cảnh báo nguy hiểm, độ dài và độ dốc, cũng như đường dây nóng để hỗ trợ thông tin cho khách.
 
LÊ HOA