90 phút hai miền đất quyến rũ

09:05, 31/05/2018

Chỉ khoảng 90 phút bay, giờ đây người Ðà Lạt và các địa phương lân cận có thể tới Băng Cốc, thủ đô của đất nước Thái Lan một cách rất dễ dàng. Cùng bay với Vietjet Air, du khách từ hai điểm đến này sẽ có những trải nghiệm thích thú của hai thành phố với những đặc trưng hoàn toàn khác biệt.

Chỉ khoảng 90 phút bay, giờ đây người Ðà Lạt và các địa phương lân cận có thể tới Băng Cốc, thủ đô của đất nước Thái Lan một cách rất dễ dàng. Cùng bay với Vietjet Air, du khách từ hai điểm đến này sẽ có những trải nghiệm thích thú của hai thành phố với những đặc trưng hoàn toàn khác biệt.
 
Du khách Thái Lan được chào đón tại Sân bay Liên Khương, Đà Lạt. Ảnh: D.Q
Du khách Thái Lan được chào đón tại Sân bay Liên Khương, Đà Lạt. Ảnh: D.Q

Băng Cốc - Ðà Lạt: Hấp dẫn bởi sự tương phản 
 
Cất cánh từ Cảng Hàng không quốc tế Liên Khương, Đà Lạt, sau một giờ rưỡi bay cùng Hãng hàng không Vietjet, nhóm du khách chúng tôi đã tới với Sân bay Suvarnabhumi, Cảng hàng không quốc tế lớn của Băng Cốc. Cùng một múi giờ nên Băng Cốc có nét gần gũi với thành phố Hồ Chí Minh. Cũng cái nắng chói chang giữa trưa và cơn mưa bất chợt đến, đi vào những buổi chiều. Băng Cốc khác hẳn Đà Lạt, thành phố cận ôn đới với không khí ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Nhận xét ban đầu là khách du lịch tới Thái Lan rất đông, nhất là du khách Hàn Quốc và Trung Quốc. Thủ tục nhập cảnh nhanh gọn, nhân viên tại sân bay hỗ trợ nhiệt tình, Thái Lan đón du khách với một thái độ làm việc chuyên nghiệp và sự tận tâm điển hình của đất nước nhiệt đới này.
 
Băng Cốc đón du khách bằng những tòa cao ốc hiện đại hàng trăm tầng xen lẫn những khu phố cũ kỹ phơi mình dưới mưa nắng. Cây xanh chạy dọc phố và ven những kênh rạch bởi theo lời hướng dẫn viên Thái chia sẻ, thủ đô Băng Cốc vốn được xây dựng trên hàng trăm hòn đảo nhỏ. Trên phố gần như không thấy bóng xe đạp, xe máy, chỉ có xe ô tô và những chiếc tuk tuk được trang trí rực rỡ, màu mè. Phương tiện giao thông công cộng rất phát triển với tàu điện trên cao (skytrain), tàu điện ngầm (MRT), xe bus cũng như tàu hỏa. Du khách có thể dùng skytrain để đi tới hầu hết các điểm du lịch quanh Băng Cốc. Thành phố nhiệt đới này dồi dào trái cây đặc sản, những khu chợ truyền thống như Pratunam, Chakuchak bên cạnh những siêu thị và trung tâm mua sắm hiện đại khiến du khách có thể mua bất cứ thứ gì theo nhu cầu. 
 
Băng Cốc cũng là nơi thu hút du khách tới tham quan với những điểm du lịch nổi tiếng như Chùa Phật ngọc Lục Bảo và Hoàng Cung, Safari, hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ với nét kiến trúc mang sắc thái rất Thái. Và từ Băng Cốc, du khách có thể dễ dàng tới những điểm tham quan xung quanh như cố đô Ayutthaya, chợ nổi Ampawa… bằng hệ thống cao tốc nhanh chóng và thuận tiện.
 
Nối Ðà Lạt và Băng Cốc 
 
Với mục tiêu nối liền hai địa danh du lịch của Việt Nam và Thái Lan, Vietjet Air đã mở đường bay thẳng Liên Khương - Suvarnabhumi từ tháng 12/2017. Và tới thời điểm hiện tại, đường bay đang phục vụ 5 chuyến khứ hồi/tuần với các loại giá vé khác nhau. Với thời điểm bay khá thuận lợi và giờ bay ngắn, đường bay thẳng Đà Lạt - Băng Cốc đã khiến lượng du khách giữa hai bên tăng khá nhanh, trong đó chủ yếu là khách du lịch. 
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cung cấp, dù thời gian đường bay mở còn khá ngắn nhưng tới thời điểm hiện tại, khách du lịch Thái Lan đang đứng thứ 5 trong số khách du lịch nước ngoài tới với Lâm Đồng. Nếu trước kia, khách du lịch Thái thường bay tới thành phố Hồ Chí Minh sau đó đi đường bộ lên thì hiện nay, lượng khách bay thẳng Băng Cốc - Đà Lạt đã chiếm một lượng lớn. Đặc biệt, lượng khách Thái Lan đến Đà Lạt cao hơn lượng khách đi chiều ngược lại. Điều này chứng tỏ, du khách Thái Lan đã có ấn tượng tốt với Đà Lạt và tỷ lệ du khách Thái tới thành phố cao nguyên Đà Lạt đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, để duy trì đường bay hiệu quả, cả Vietjet Air cũng như chính quyền Lâm Đồng, Cảng Hàng không Liên Khương đang tìm mọi cách để thu hút du khách cả hai bên biết đến nhau và thúc đẩy người Đà Lạt và phụ cận tới Thái Lan du lịch. 
 
Đỉnh cao nhất trong khuôn viên chùa Ayutthaya. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Đỉnh cao nhất trong khuôn viên chùa Ayutthaya. Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Chị Tangmo Chodsampao, một cư dân Băng Cốc cho biết, chị đã nghe tới Đà Lạt và đã có ý định du lịch Đà Lạt trong kỳ nghỉ tới. Tuy nhiên, chị cũng nhận xét còn ít thông tin về Đà Lạt bằng tiếng Thái và điều này khiến khách du lịch Thái Lan còn ngần ngại vì thiếu thông tin. Chị cho rằng theo ý kiến của cá nhân chị, nếu muốn người Thái tới Đà Lạt đông hơn, Đà Lạt cần quảng bá nhiều hơn tại Băng Cốc, bằng cả tiếng Anh và tiếng Thái Lan. Cần nhấn mạnh vào những điểm người Thái yêu thích như các ngôi chùa đẹp, linh thiêng, điểm đến yêu thích của người Thái Lan vốn mộ đạo Phật. 
 
Anh Trần Duy Thắng, Chủ tịch HĐQT Thiên Nhân Travel, một công ty du lịch có chi nhánh tại Đà Lạt cung cấp tour đi Thái Lan chia sẻ, các hãng lữ hành cần nhiều ưu đãi linh hoạt hơn để có thể hạ giá tour mà vẫn đảm bảo chất lượng cho du khách Việt tới Thái Lan. Anh cũng mong muốn Đà Lạt tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn ở đầu cầu Băng Cốc, thu hút du khách Thái Lan và quốc tế đến với Đà Lạt. Thực tế cho thấy, khá nhiều cư dân Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung chưa biết có đường bay thẳng Đà Lạt - Băng Cốc và đây chính là điểm yếu, cần được tuyên truyền rộng rãi hơn để du khách nội địa nắm được thông tin cụ thể, rõ ràng.

Bà Napasorn Kakai - Giám đốc Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam: “Ðà Lạt không cần thay đổi mà hãy nâng cao chất lượng dịch vụ”
 
Đà Lạt là một trong những điểm đến ở Việt Nam mà du khách Thái Lan thích, nhất là người Băng Cốc. Theo tôi, Đà Lạt của các bạn rất hay, rất lạ và không cần thay đổi. Điều quan trọng là các bạn cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của du khách, trong đó có du khách Thái Lan. Đà Lạt có mảng xanh tuyệt vời và cần gìn giữ điều đó, đừng làm thay đổi vẻ riêng của Đà Lạt.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng - Giám đốc Cảng Hàng không Liên Khương: “Không chỉ thu hút du khách, đường bay cần tăng cường cả giao thương kinh tế”
 
Để tận dụng đường bay thẳng Đà Lạt - Băng Cốc, chúng ta cần nghĩ tới việc không chỉ thu hút du khách mà còn phải tăng cường các mối giao thương kinh tế đa dạng khác. Chúng tôi đã làm việc với địa phương, vận động các doanh nghiệp Lâm Đồng sử dụng đường bay để xuất khẩu hàng hóa, tăng cường các mối quan hệ giao thương kinh tế. Đa dạng hóa việc sử dụng đường bay, tăng tỷ suất ghế ngồi mới tận dụng được hiệu quả từ đường bay thường xuyên này.
 
Ông Lương Trường An - Phó Tổng Giám đốc Thái Vietjet: “Rất cần quảng bá rộng rãi đường bay Ðà Lạt - Băng Cốc” 
 
Đi vào hoạt động từ tháng 12/2017 nhưng cho tới hiện tại, lượng khách bay vẫn chưa đạt được kỳ vọng của hãng khai thác. Thái Vietjet mong mỏi Lâm Đồng tăng cường công tác quảng bá thông tin, thu hút du khách trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thái Lan, đồng thời tổ chức những dịch vụ du lịch hấp dẫn, những khuyến mãi với du khách Thái. Việc tăng cường giao thương kinh tế, xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản đặc trưng Đà Lạt sang Thái Lan cũng là hướng Thái Vietjet mong muốn Lâm Đồng xúc tiến để tăng tỷ suất sử dụng máy bay.
 
DIỆP QUỲNH thực hiện