Quảng bá, truyền thông chưa tác động đủ mạnh

09:05, 24/05/2018

Đường bay quốc tế Bangkok - Đà Lạt và ngược lại được triển khai từ tháng 12/2017 với tần suất 4 chuyến/tuần, đến cuối tháng 3/2018 tăng lên 5 chuyến/tuần. Nhưng, lượng khách đi trên chuyến bay chỉ đạt công suất khoảng 50-60% - chưa đúng với nhu cầu và tiềm năng của chặng bay này...

Đường bay quốc tế Bangkok - Đà Lạt và ngược lại được triển khai từ tháng 12/2017 với tần suất 4 chuyến/tuần, đến cuối tháng 3/2018 tăng lên 5 chuyến/tuần. Nhưng, lượng khách đi trên chuyến bay chỉ đạt công suất khoảng 50-60% - chưa đúng với nhu cầu và tiềm năng của chặng bay này. Một lý do được nhận định là công tác quảng bá, truyền thông chưa đủ mạnh và chưa lan tỏa đến mọi tầng lớp dân cư tại tỉnh Lâm Đồng cũng như các tỉnh lân cận.
 
Du khách vãn cảnh chùa cổ ở Ayutthaya - Thái Lan. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Du khách vãn cảnh chùa cổ ở Ayutthaya - Thái Lan.
Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Bác Nguyễn Văn Châu và hơn chục nông dân khác ở huyện Đạ Huoai vừa có chuyến du lịch Thái Lan trong tháng 4/2018, kể: “Tốn hơn chục triệu mà chẳng tới đâu. Nó cứ cho đi dòng dòng mỏi chân, ăn cơm bụi, ở nhà trọ”. Mục đích các bác nông dân Đạ Huoai đi du lịch là để học hỏi kinh nghiệm và tham quan mô hình trồng và chế biến sầu riêng ở Thái Lan. Khi lên Đà Lạt làm hộ chiếu, họ rất vui mừng vì đây là lần xuất ngoại đầu tiên của họ. “Có thằng kia lo hết rồi!” - tưởng là một công ty du lịch lữ hành nào đấy, nhưng thực ra, là một người đứng ra nhận thầu, mua vé đi từ TP Hồ Chí Minh, sang đến Thái Lan tự thuê nhà, tự đi tìm chỗ ăn, rồi chia nhau đóng tiền...
 
Khi được hỏi tại sao không mua tour của các công ty du lịch, rồi bay từ Đà Lạt, với giá vé chỉ khoảng 6 triệu đồng thì các bác nông dân đều trả lời “Có biết đâu!”. Không chỉ với các bác nông dân ở Đạ Huoai, mà người dân ở các huyện thành - kể cả Đà Lạt đều không chú ý đến thông tin này. Không phải họ không thích đi du lịch, mà mặc nhiên, đi nước ngoài là phải đi từ TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Chính vì vậy, nhiều công ty du lịch, lữ hành quốc tế khai thác đường bay Đà Lạt - Bangkok như Thử Thách Việt, Thiên Nhân, Vietravel, Long Phú… đều rất vất vả khi tiếp thị tour du lịch này. Các công ty phải tự thân vận động, mời từng khách hàng, triển khai tiếp thị qua các kênh truyền thông nội bộ…
 
Trong đó, Công ty Lữ hành quốc tế Thử Thách Việt là một trong số ít doanh nghiệp do chính người Lâm Đồng quản lý - đã có nhiều thành công trong hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm, muốn thử sức ở sân chơi mới, bằng cách gia nhập thị trường lữ hành quốc tế. Ông Phạm Văn Chung - Phó Giám đốc Công ty cho biết, Thử Thách Việt khai thác tour Đà Lạt - Thái Lan ngay từ khi đường bay này hoạt động. Công ty đang khai thác tour ở mức hòa vốn, thậm chí là lỗ, nhưng sẵn sàng chấp nhận để xây dựng thương hiệu lữ hành quốc tế ở địa bàn Lâm Đồng. 
 
Không chỉ Thử Thách Việt, mà Thiên Nhân - cũng là một công ty du lịch của Lâm Đồng, hay Long Phú chi nhánh tại Đà Lạt có nhiều kinh nghiệm khai thác lữ hành quốc tế ở Nha Trang - Khánh Hòa, ngay cả Vietravel (chi nhánh Đà Lạt) là công ty du lịch có tên tuổi cũng đang thực hiện tour du lịch Thái Lan với mức lãi rất thấp, không đưa ra tiêu chí lợi nhuận, không đưa khách đi các tour shopping; đồng nghĩa với việc, giá linh hoạt trong khoảng từ 6-7 triệu/khách, có lịch trình đã được lựa chọn cụ thể, từ việc ăn, ngủ, đi chơi… Và, để giữ được giá vé máy bay ổn định, các công ty phải mua vé trước trong vòng 3 tháng với mức giá nhất định và số lượng ghế nhất định gọi là vé seri, bất kể là mùa cao điểm hay mùa thấp điểm của du lịch…
 
Khách du lịch Lâm Đồng tại một điểm du lịch ở Thái Lan. Ảnh: Phạm Chung
Khách du lịch Lâm Đồng tại một điểm du lịch ở Thái Lan. Ảnh: Phạm Chung
Tuy nhiên, đấy mới là khó khăn của các tour từ Việt Nam sang Thái. Các tour từ Thái sang Việt Nam lại đưa ra những vấn đề về môi trường và vệ sinh tại các điểm đến, như cảnh nhếch nhác ở chợ đêm Đà Lạt, thiếu giao thông công cộng, thiếu các hoạt động du lịch làng nghề, thiếu giải trí về đêm, chưa có chính sách ưu đãi giá lưu trú cho khách từ đường bay này… ; đặc biệt là thiếu các thông tin cổ động giới thiệu về tiềm năng du lịch Đà Lạt trên truyền thông, thiếu hướng dẫn viên du lịch tiếng Thái… khiến cảm xúc của khách du lịch Thái Lan đến Đà Lạt chưa được trọn vẹn.
 
 
ÔNG PHẠM S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
 
Để phát triển đường bay trực tiếp từ Thái Lan sang Đà Lạt - Lâm Đồng và ngược lại, trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển đường bay; bên cạnh đó, các công ty lữ hành tại Đà Lạt cũng đã tích cực xây dựng và tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn phục vụ người dân địa phương đi du lịch tại Thái Lan và thu hút khách Thái Lan đến Đà Lạt - Lâm Đồng. Tuy nhiên, số lượng hành khách từ Đà Lạt đi Bangkok còn ít, chỉ chiếm khoảng 30-60% cho mỗi chuyến bay, do công tác quảng bá, giới thiệu về đường bay chưa đạt hiệu quả, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan, các hãng lữ hành với Công ty Cổ phần Hàng không Thai Vietjet chưa thật sự chặt chẽ.
 
 
ÔNG LƯU TRƯỜNG AN - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Hàng không Thai Vietjet
 
Chương trình quảng bá trên mạng xã hội của Thai Vietjet, clip quảng bá có hình ảnh Đà Lạt thu hút trên 3 triệu lượt xem. Mặc dù ngân sách hạn chế, nhưng qua kênh xã hội đường bay đã thu hút và trở thành điểm đến hot thứ 2 tại Thái Lan; ngoài ra, còn quảng bá qua các kênh truyền thông khác là báo in, tạp chí, báo điện tử, vé máy bay và tổ chức nhiều đoàn presstrip, famtrip cùng các blogger trải nghiệm du lịch Đà Lạt. Chúng tôi truyền đi 2 thông điệp là có đường bay Đà Lạt - Bangkok và mức giá từ 68 ngàn đồng. Chính sách giá, cho khách đoàn (từ 10 người trở lên) và giá vé seri cho các công ty lữ hành liên hệ từ Việt sang Thái ở mùa thấp điểm là 1,1 triệu đồng và cao điểm (hè và tết) là 1,3 triệu đồng - là mức giá khá cạnh tranh; giá vé khách lẻ từ 68 ngàn đồng, nhưng cộng các khoản phí sẽ từ 1-1,5 triệu đồng/chiều.
 
 
ÔNG TRẦN MINH ĐỨC - Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú (Nha Trang) 
 
Công ty Long Phú triển khai tour du lịch Đà Lạt - Thái Lan từ tháng 2 đến nay được hơn chục đoàn. Tháng 2, tháng 3, tháng 4 lượng khách rất tốt, nhưng tháng 5 yếu hơn hẳn, thậm chí phải hủy tour một đoàn. Đồng thời, vé cũng đã mua cho tháng 6, tháng 7, tháng 8 khoảng hơn chục đoàn nữa. Thị trường khách outbound (đưa khách du lịch ra nước ngoài) đi Thái yếu. Thực ra là do sự hỗ trợ quảng bá chung rất yếu, người dân địa phương không biết có đường bay thẳng từ Đà Lạt đi Bangkok. Muốn cải thiện tình hình, phải quảng bá rộng, bằng mọi cách trên các trang mạng của tỉnh và các tỉnh bạn; các sở, ngành, các chương trình, sự kiện của địa phương cũng phải có thông tin về đường bay này với nhiều hình ảnh của Thái Lan, để người dân dễ dàng đọc được thông điệp “Đà Lạt có đường bay thẳng đến Bangkok”. 
 
 
ÔNG LÊ TĂNG TRỌNG NGHĨA - Vietravel chi nhánh Đà Lạt
 
Vietravel đang khai thác thị trường Thái rất tốt với mỗi tuần 1 chuyến từ 20-30 khách. 3 bên là nhà nước, lữ hành & hàng không đều có chung vấn đề, đó là, chưa ngồi cùng nhau để đưa ra một sự đột phá. Đúng là giá seri rất cao, nên giá khách lẻ tại thời thấp điểm sẽ rẻ hơn giá seri dẫn đến khách nghi ngờ hãng lữ hành ăn gian. Làm tour phải có chương trình khuyến mãi để thu hút khách, lấy dịch vụ làm trọng vì uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp. Vì vậy lãi của hãng lữ hành rất thấp. Giá quảng bá ở Sân bay Liên Khương quá cao, đến 20 triệu đồng/tháng, rất nhiều doanh nghiệp không kham nổi. 
 
LÊ HOA