"Bảo vệ được rừng mới bảo vệ được buôn làng"

08:08, 21/08/2014

Đó là lời khẳng định của K'Vâng - người K'Ho, là Tổ trưởng Tổ diễn giải môi trường của Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, thuộc VQG Bidoup - Núi Bà.

Đó là lời khẳng định của K’Vâng - người K’Ho, là Tổ trưởng Tổ diễn giải môi trường của Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, thuộc VQG Bidoup - Núi Bà.
 
“Đi rừng thường gặp ruồi vàng, vắt… Trong rừng thông không có vắt đâu, nhưng ruồi vàng thì có. Đó là con ruồi nhỏ màu vàng, chích vào người sẽ để lại vết máu, sần ngứa mất 3-4 ngày. Nên trước khi vào rừng, bôi thuốc này để ngăn ruồi chích”, K’Vâng vừa giới thiệu cung đường mà chúng tôi sắp đi, vừa dặn dò trước khi cả đoàn bước vào hành trình khám phá tuyến du lịch thác Thiên Thai.
 
K’Vâng giới thiệu cơ chế hấp thu dinh dưỡng của cây tổ điểu
K’Vâng giới thiệu cơ chế hấp thu dinh dưỡng của cây tổ điểu
 
Con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo, ban đầu là xuyên qua rừng thông, tiếp đến là rừng cây lá tạp, rừng dương xỉ... Thỉnh thoảng, K’Vâng dừng lại chờ mọi người rồi chỉ vào những cái cây: Đây là cây lá ngón, rất giống lá bép bà con hay ăn, nhưng lá ngón cực độc, còn lá bép lại rất ngon… Cây dẻ lấy quả có thể dùng nhựa tươi để chữa đau bụng… Cây kê huyết đằng là một vị thuốc… Cây cỏ roi ngựa có hoa màu tím rất đẹp là thức ăn của chim… Cây sóng rắn làm tượng trong lễ hội của đồng bào… Anh cũng pha trò rất hóm hỉnh: Đây là cây hồng sâm, có tay, nên mình đặt tên là “vấn vương Đà Lạt”… Cây này các bà, các chị lấy về làm đẹp… Loại cây dẻ lá này, các bà mẹ dùng lá bọc em bé, hoặc vấn làm thuốc hút, thân làm củi…Anh còn giải thích rất cặn kẽ về cơ chế tiếp nhận dinh dưỡng rất hợp lý từ thiên nhiên, như cây tổ điểu hay tổ đại bàng, sống cộng sinh, không hại cây, nguồn dinh dưỡng của cây là lá mục rớt trên cây xuống…
 
Chẳng mấy chốc, đoạn đường 3km chúng tôi đã đi qua. Tiếng thác reo rì rầm, rồi ầm ào rất rõ. K’Vâng dừng lại: “Mình không còn gì để nói nữa, hãy để thiên nhiên lên tiếng!”... Chưa vào tâm điểm mùa mưa, nên con thác Thiên Thai hiền hòa lắm. Trong khi du khách háo hức chụp cảnh hoang sơ, mượt mà của dòng thác, hay thích thú đùa nghịch làn nước trong vắt và mát rượi… thì K’Vâng lặng lẽ dùng chính đôi tay trần của mình thu lượm các loại rác, như: khăn giấy, vỏ bánh kẹo, lon nước ngọt…cất vào túi nilon mang sẵn trong ba lô. Rồi cũng rất lặng lẽ, khi đoàn trở về sau chuyến đi, anh lấy bịch rác từ trong ba lô bỏ vào thùng rác của Trung tâm. Anh cười khi bị chúng tôi phát hiện và giải thích: Đây cũng chính là một phần trong hoạt động diễn giải môi trường tại đây. Trên toàn tuyến du lịch không đặt một thùng rác nào, để du khách ý thức việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, mang những thứ mình không sử dụng nữa ra khỏi rừng rồi mới bỏ vào 3 thùng rác đã được phân loại là rác hữu cơ, rác thải vô cơ và rác có thể tái chế. Nếu có rác trên toàn tour tuyến thì hướng dẫn viên sẽ nhặt về để giữ gìn vệ sinh cho các đoàn khách sau… Đó cũng là cách bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sinh thái.
 
Ông Nguyễn Lương Minh - Giám đốc Trung tâm cho biết: K’Vâng là người bản địa, gắn bó với đồng bào địa phương, nhiệt tình và trách nhiệm, vui vẻ và hòa đồng, được du khách rất thích. K’Vâng học hỏi và nắm bắt nhiều kỹ năng sống cũng như phong tục, truyền thống của đồng bào; anh hiểu nhiều về đa dạng sinh học trong rừng, biết các cây truyền thống được sử dụng để làm thuốc, trang điểm, làm đẹp, cây độc… K’Vâng là người được đào tạo bài bản, sử dụng ngoại ngữ tốt, đã được tập huấn ở Nhật, nên kỹ năng hướng dẫn và diễn giải tốt, có nhiều kinh nghiệm tổ chức tour... Hiện, đội của K’Vâng có khoảng 20 em là người đồng bào địa phương được trang bị kiến thức và có thể tham gia hướng dẫn, diễn giải môi trường khi Trung tâm yêu cầu. 
 
K’Vâng là người Liên Đầm (Di Linh), nhưng lấy vợ và theo về định cư ở xã Lát (Lạc Dương) - nằm trong vùng đệm của VQG Bidoup - Núi Bà và vào làm việc ở Trung tâm từ ngày thành lập (2011). Trước đó, anh làm việc ở Khu du lịch Đankia - Suối Vàng, nên công việc cũng như cuộc sống của anh, giống như của đồng bào anh, ông cha anh từ ngàn xưa; chỉ khác là anh có thêm sứ mệnh truyền bá văn hóa và ý thức giữ gìn môi trường rừng đến cộng đồng và du khách, lại vừa giới thiệu được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình… Anh tường tận các loại hoa văn như: mắt chim, hàng rào, cây cối… trên các sản phẩm thổ cẩm của người Cil, K’Ho và sự khác biệt với hoa văn của các dân tộc khác. K’Vâng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ và khuyến khích du khách chơi thử. Anh cho rằng, cần để du khách được trải nghiệm thực sự đời sống âm nhạc của đồng bào qua các loại nhạc cụ, để giúp họ hiểu biết hơn đời sống âm nhạc của các tộc người thiểu số Nam Tây Nguyên…
 
Có nhiều điểm đến của du lịch sinh thái, nhưng phối hợp hoạt động thế nào để có đóng góp cho địa phương và tạo điều kiện để cộng đồng cùng tham gia không đơn giản. Việt Nam mới ở giai đoạn đầu tiếp cận du lịch sinh thái nên còn liên quan đến nhiều vấn đề. Nhưng, những người như K’Vâng chính là nhân tố để thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng phát triển, đem lại lợi ích cho cộng đồng, bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường tự nhiên…
 
LÊ HOA