Để đón Tết vui tươi, an toàn

LỆ THỦY 06:14, 01/02/2024

Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang cận kề. Những ngày qua, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp… đã có nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, yếu thế để mọi người đều có điều kiện đón Tết. Trong chuyến thăm và tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thanh Hóa mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định rằng, với quan điểm coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo để người dân có cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo, những người khó khăn, yếu thế, công nhân, người lao động…, nhất là khi Tết đến, xuân về, đảm an ninh, an toàn, an dân để người dân có một cái Tết trọn vẹn, sum vầy, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình, không ai không có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau.

Cùng với việc quan tâm cho lo Tết cho người nghèo, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, cần đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ, liên tục; kiểm soát giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Tết cũng là dịp nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng đột biến, vì vậy, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cần được quan tâm đặc biệt. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn Tết do không có phương tiện vận chuyển; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu xe. Triển khai các phương án tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh đối với tất cả các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là trên đường bộ, nhất là các tuyến đường cao tốc; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, quản lý lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan. Các địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng kế hoạch, chủ động chuẩn bị các điều kiện để phục vụ khách du lịch trong dịp Tết; niêm yết công khai giá dịch vụ; triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch; tăng cường quản lý, kiểm sóat chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm.

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân năm 2024 sẽ diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhất là ở các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các lễ hội truyền thống, lễ hội tín ngưỡng, lễ hội tôn giáo thu hút đông đảo chức sắc, tín đồ và Nhân dân tham dự. Trong công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương…