Xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc 

NGỌC NGÀ 06:02, 04/04/2024

Đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được tỉnh Lâm Đồng chú trọng thực hiện nhiều năm qua nhằm tạo cơ sở, nền tảng và động lực lớn cho sự phát triển của địa phương.

Nhiều năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức trang trọng, ý nghĩa tại các địa phương trong toàn tỉnh
Nhiều năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức trang trọng, ý nghĩa tại các địa phương trong toàn tỉnh

Lâm Đồng là địa phương có trên 1,3 triệu dân số, 47 dân tộc anh em cùng chung sống. Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 25,7% dân số. Có 16 tổ chức tôn giáo, với số lượng tín đồ chiếm 60% dân số toàn tỉnh. 

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước về nội dung này.

Đảng bộ tỉnh luôn xác định “dân là gốc”; “phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân” là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng tỉnh Lâm Đồng giàu, mạnh, văn minh. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều nội dung, hình thức phong phú như: Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo và các tầng lớp Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện đa dạng các phong trào thi đua nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới; phát huy vai trò của đội ngũ các vị chức sắc tôn giáo, già làng, nhân sỹ, trí thức, người có uy tín trong cộng đồng... làm nòng cốt để tuyên truyền, vận động tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân…

Thông tin từ Ban Dân vận Tỉnh ủy cho thấy, từ năm 2003 đến năm 2023, MTTQ các cấp chủ trì, phối hợp tổ chức tốt “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” hàng năm, với nội dung và hình thức phong phú, thiết thực. Kịp thời tổng kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở khu dân cư, biểu dương, khen thưởng, thăm hỏi gia đình chính sách, hỗ trợ người nghèo gắn với phát động phong trào thi đua, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Qua đó, góp phần tăng cường đoàn kết, động viên, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân nỗ lực thực hiện tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động trên địa bàn khu dân cư.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Từ năm 2003 đến năm 2023, Nhân dân trong tỉnh đã đóng góp trên 1.250 tỷ đồng, hiến 1.829.113 m2 đất, huy động 710.000 ngày công lao động tham gia xây dựng nông thôn mới… Nhờ vậy, hiện toàn tỉnh đã có 109/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà và 2 TP Đà Lạt và Bảo Lộc cũng đã hoàn thành nhiệm vụ này.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải đẩy mạnh, phát huy cao độ truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Và việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc là “kim chỉ nam” để các địa phương thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.

Và trên cơ sở Nghị quyết số 43, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã nhanh chóng, kịp thời triển khai thực hiện nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.

Theo đó, Tỉnh ủy xác định rõ mục tiêu: phát huy nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của Nhân dân. Quan tâm phát triển giai cấp công nhân; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Tạo động lực cho thanh niên học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp.

Chăm lo nuôi dưỡng, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng. Nâng cao trình độ và đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, thực hiện tốt bình đẳng giới. Phát huy vai trò cựu chiến binh trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm trong xã hội và gia đình. Thực hiện tốt chủ trương, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo.

Trên cơ sở mục tiêu lâu dài trên, tỉnh Lâm Đồng xác định những mục tiêu trước mắt và tập trung thực hiện để đến năm 2030 tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; đến năm 2045, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện Tỉnh ủy đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là trọng tâm với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện nghiêm quy định, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. 

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; sâu sát cơ sở, nêu cao ý thức phục vụ và gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn hành động vì lợi ích và hạnh phúc của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để giám sát và đánh giá cán bộ; lấy kết quả sản phẩm công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. 

Tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thường xuyên đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu tình hình mới; giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong giữ gìn và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”...