Triển khai công tác đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng lao động giai đoạn 2024-2025

N.MINH 21:38, 11/04/2024

(LĐ online) - Chiều 11/4, đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị triển khai công tác đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025.

Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan; lãnh đạo các huyện, thành phố, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu

Đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Thực hiện chủ trương này, hàng năm, tỉnh đã ban hành các kế hoạch cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Quang cảnh hội nghị

Giai đoạn 2020-2023,  tỉnh Lâm Đồng đã đưa 1.050 lao động đi làm việc ở nước ngoài tập trung vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông… Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng có từ 20 - 30 doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ các tỉnh, thành phố về phối hợp với tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Việc triển khai đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng là một kênh giải quyết việc làm hiệu quả, mỗi năm đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho địa phương, góp phần đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho một bộ phận người lao động, chủ yếu ở nông thôn và người nghèo. Đa phần lực lượng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài sau khi trở về nước đều có tay nghề, trình độ ngoại ngữ cao, tác phong làm việc công nghiệp. Hàng năm số lao động hết hạn hợp đồng trở về địa phương, với kinh nghiệm tích lũy được, họ là nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ thị trường lao động của tỉnh nhất là ngành nông nghiệp công nghệ cao.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu

Tuy nhiên, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, ở vùng nông thôn; trình độ ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật của Việt Nam, pháp luật, phong tục, tập quán của nước đến làm việc còn hạn chế, dẫn đến số lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật ở nước sở tại còn nhiều. Mặt khác, công tác chỉ đạo, quản lý có lúc chưa thường xuyên hoặc chưa kịp thời; đặc biệt là lãnh đạo các xã, phường, thị trấn thiếu quan tâm chỉ đạo đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chưa nhận thức rõ đây là nhiệm vụ quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, là giải pháp tạo việc làm và giảm nghèo có hiệu quả cao. Việc triển khai thực hiện xử phạt hành chính theo Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ đối với người lao động có hành vi tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động gặp nhiều khó khăn như việc xác định trách nhiệm, tài sản liên quan đến tiền của lao động...

Đại diện doanh nghiệp phát biểu

Các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận về những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian tới.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phát biểu

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đề nghị, các cơ quan, đơn vị có liên quan và các huyện, thành phố cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thị trường lao động, hiệu quả của xuất khẩu lao động, trong đó, cần phân tích, làm rõ về hiệu quả kinh tế do xuất khẩu lao động mang lại. Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần tiếp cận các quy định mới nhất của nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu lao động, để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh.

 
Đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát biểu

Đồng chí cũng giao các địa phương cần rà soát lại nguồn nhân lực lao động trên địa bàn từ 15 tuổi trở lên để xác định và phân bố lại lao động theo 3 nhóm, gồm: Lao động phổ thông, thực tập sinh và chuyên gia. Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế để nắm bắt và chia sẻ thông tin tốt hơn, cũng như dự báo được thị trường lao động trong các năm tới...