Đi qua những trang viết...

12:08, 19/08/2022
Cuộc đời con người sợ nhất là bị lãng quên. Chắc chắn rồi, có ai mà không sợ kia chứ! Sợ một ngày nào đó, khi thân xác rời xa cõi tạm, đến ngay cả cái tên cũng chẳng còn hiện hữu trong trí nhớ nhỏ nhoi của một ai đó. Thật may, trong ngày hạnh ngộ lần thứ 45 của Báo Lâm Đồng, những con người ấy, dẫu đã không còn nữa, nhưng tên của họ vẫn được nhắc tới bằng tất cả sự trìu mến, ắp đầy những hoài niệm đẹp đẽ.
 
Nhà báo Nguyễn Thanh Đạm trong một chuyến đi sáng tác. Ảnh: Tư liệu
Nhà báo Nguyễn Thanh Đạm trong một chuyến đi sáng tác. Ảnh: Tư liệu
 
Tháng 8, Đà Lạt mưa nhiều, những cơn mưa đuổi dài nóc phố, phủ trắng những triền thung. Trong cái ẩm ướt của thành phố, ở Báo Lâm Đồng lại là những ngày ấm áp, ngày mà tờ báo ra số đầu tiên, ngày của hội ngộ, của kỷ niệm ùa về. 
 
Miền nhớ trong tâm thức của mỗi một con người đâu phải đơn thuần như lần giở lại trang báo cũ của những ngày đã qua. Bởi kí ức đâu phải là thứ để đong đếm với giá trị của thực tại. Cái tên (hay như bút danh vẫn thường gọi) của một người viết báo là thứ bảo chứng vĩnh viễn cho cuộc đời gắn với hai chữ “Tâm và Tầm” của một phóng viên, hơn thế là của cả một tờ báo. Nhiều thế hệ của Báo Lâm Đồng vẫn vào nghề bằng một câu slogan nằm lòng: “Không có tờ báo nhỏ chỉ có nhà báo không lớn”. Với rất nhiều người ở tờ báo này, những cái tên Thanh Đạm, Khắc Dũng, Việt Hưng... là minh chứng xác thực cho điều đó mà chẳng cần một chút hồ nghi.
 
Nguyễn Thanh Đạm là một người đa tài, nói thế, bởi anh “tham lam” như muốn ôm tất cả vào mình, như một kẻ lữ hành xem mỗi miền nghệ thuật như một gác trọ dừng chân. Ở những ngày đầu, thơ chính là thứ bùa mê đầu tiên dạm ngõ vào tâm hồn anh. Thơ của Thanh Đạm không quá nặng về cái tôi trữ tình lãng mạn, có lẽ một phần anh bị ảnh hưởng bởi thi ca cách mạng trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường trước những năm đổi mới. Trong các tác phẩm thơ của mình, Thanh Đạm thường đưa cấu trúc thơ trở lại sự cân đối cổ điển, với những câu thơ giàu âm điệu, thân phận con người gắn với những tư duy sâu sắc có tính cách triết học. Với nghiệp văn, anh dường như mới chỉ bắt đầu, chủ yếu là truyện ngắn. Ý tưởng nhiều, nhưng một phần do sức khỏe nên anh không kịp hoàn thành những dự án đã định sẵn. Không dở dang nhưng đời văn của anh không thể nói trọn vẹn. Nhiều hơn một chút là kí, cũng bởi công việc làm báo đã gần như gắn trọn vẹn với cuộc đời anh. Trưởng thành từ một phóng viên, kinh qua nhiều vị trí cho đến lúc làm Tổng Biên tập, thời gian và sự từng trải trong nghề báo đã cho Thanh Đạm cái nhìn thấu đáo để anh viết tốt thể loại này.
 
Với nghề báo, nhiều người vẫn nhớ tới Thanh Đạm như một người viết kí, phóng sự nhiều. Riêng tôi lại khác, và chắc cũng ít ai biết, thế mạnh của Thanh Đạm, cái anh làm tốt nhất, tận tường nhất lại chính là những bài xã luận. Trên cương vị Tổng Biên tập hay trước đó là Thư kí Tòa soạn, Phó Tổng Biên tập, nhiều bài xã luận của Thanh Đạm đã không ngại đưa ra những vấn đề mang tính tổng quát, mang tính thời sự của địa phương, nêu ra những giải pháp cấp thiết cần thực hiện, đồng thời bút pháp của anh cũng thể hiện rõ sự khách quan, lập trường quan điểm của một tờ báo Đảng địa phương.
 
Còn với chúng tôi, sự định danh trong mỗi cái tên, sự trưởng thành về nghề, sự tử tế trong từng con chữ cho đến ngày hôm nay luôn có dấu ấn không thể phủ nhận của Thanh Đạm. Không chỉ đơn thuần là uốn nắn con chữ, là những động viên sau mỗi vấp ngã đầu đời, là những bao dung, chở che trong cuộc sống... là tất cả, Thanh Đạm giống như một trang ghi chép, để chúng tôi nhìn vào, hoàn thiện mình hơn mỗi khi đặt bút.
 
Tác giả và nhà báo Khắc Dũng trong một chuyến đi thực tế tại Tây Nam Bộ
Tác giả và nhà báo Khắc Dũng trong một chuyến đi thực tế tại Tây Nam Bộ
 
Tài hoa không kém Thanh Đạm, khía cạnh nào đó, có phần nhỉnh hơn. Nhưng nhà báo Khắc Dũng lại luôn biết tách biệt hai tính cách trong một thực thể, giữa nghệ sĩ và công nhân, giữa thăng hoa và thực tế, giữa ích kỷ cơm áo đời thường và hào sảng phong lưu trong những cuộc chơi.
 
Khắc Dũng làm báo như một gã điền phu cày ải bất chấp mưa nắng. Anh khá giả, có nhà lầu, xe gắn máy giữa những lúc đồng nghiệp còn vật vã với đồng lương ít ỏi, khốn khó, chật vật với những bữa cơm luôn thiếu protein. Khắc Dũng làm báo đa năng, anh viết tốt, viết hay nhiều thể loại, mảng đề tài, gần như không có gì làm khó được anh. Cần dấn thân điều tra, anh làm được. Cần xa xót, cảm thương trong những vấn đề xã hội, ít người hơn anh. Cần nhanh nhạy, theo kịp thời sự, anh sung sức như một gã trai trẻ.
 
Ngày anh mất, trên máy tính vẫn còn dang dở một bản thảo chưa kịp hoàn thành. Nhiều đồng nghiệp nói, làm chi nhiều, nghỉ ngơi lo cho mình đi! Nhưng có lúc nào anh dừng lại được đâu. Ngoài ngũ tuần anh ra đi với hai bàn tay trắng sau những va vấp không thể hàn gắn hạnh phúc. Hành trang khởi nghiệp ngoài vật chất hiện hữu là cái laptop, chiếc xe honda, tài sản lớn nhất của anh chính là những tác phẩm báo chí. “Nguồn vốn” báo chí ấy cho phép anh thỏa sức bơi, không chỉ cho Báo Lâm Đồng mà còn cho nhiều tờ báo khác. Anh mua đất, làm nhà, nuôi con ăn học và cả một số vốn để con trai anh có thể bớt nhọc nhằn bước vào đời khi anh không còn nữa.
 
Cày ải là vậy, nhưng những lúc cô đơn nhất phần nghệ sĩ trong anh lại thức giấc. Dường như DNA nghệ sĩ trong con người Khắc Dũng luôn mạnh mẽ bùng lên sau mỗi khổ đau. Có tới 5 đầu sách, bao gồm một tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, một tập ký Trường Sa, một tuyển tập thơ, một cuốn khảo cứu văn hóa bản địa Nam Tây Nguyên ra đời trong quãng thời gian ấy. Anh viết như sợ ngày mai không còn nữa. Mà thật! Giống như Thanh Đạm, Khắc Dũng ra đi khi còn nhiều dự định dở dang. Ngẫm cho cùng, đời viết, có trang nào hoàn hảo đâu, những điều hay nhất, luôn là những thứ chưa viết ra.
 
Việt Hưng là người của thế hệ làm báo đầu tiên nếu chia theo từng thế hệ, khung thời gian kể từ khi Báo Lâm Đồng ra số đầu tiên. Hào sảng và chính trực pha lẫn chút ngang tàng, bất cần của người con trai xứ biển Hà Tĩnh quê ông. Ông cũng là người của thế hệ đầu tiên mà tôi kết thân. Vai vế là cha chú, công việc là đồng nghiệp, là bằng hữu tâm giao trong những lúc sẻ chia, bạn vong niên đúng nghĩa. Ông quý và tôn trọng tôi cũng như nhiều đứa trẻ mới vào nghề viết khác. Những ngày đầu của thế hệ chúng tôi là những ngày Việt Hưng không còn viết nhiều, làm báo với ông thời điểm ấy chỉ như một cuộc rong chơi. Chúng tôi hay chở ông về địa chỉ cũ, nơi ông đã từng gắn bó của những ngày trai trẻ. Để ông sống lại bằng thân tình của kí ức một thời gian khó, mọi thứ đổi mới thực tại dường như không hợp với ông. Đó là những ngày nhọc nhằn ông bám từng địa bàn của Hà Lâm (Đạ Huoai), chia sẻ đắng cay với dân kinh tế mới vào đây lập nghiệp. Là những ngày đam mê ông viết “Cấp sổ đỏ trên không gian” ở Di Linh, là những ngày phải viết tay gửi bản thảo xe đò về tòa soạn.
 
Chưa có ai làm báo hồn nhiên như Việt Hưng. Mọi thứ chính trị dường như miễn nhiễm với ông. Trong chức phận phóng viên của mình, báo chí đơn thuần chỉ là những câu chuyện kể. Ở đó, rành mạch với những thân phận con người, những buôn làng xa xôi và nghèo khó, cần được báo chí lên tiếng, ghi chép để phản ảnh. Vì điều đó, người dân cơ sở xem ông như người nhà. Họ quý mến và thương ông bởi sự thật thà, bởi lẽ phải mà ông bảo vệ. Bạn bè ông cũng vì thế mà ít người quyền cao chức trọng, những người ông quen thân, có thể chỉ là bà bán hột vịt lộn ở ngã ba Mađaguôi, đôi lúc lại là ông bảo vệ ở huyện ủy nào đó, hay một ông giáo già về hưu an phận đoàn viên. Tâm hồn trẻ thơ của một phóng viên lão làng như Việt Hưng đôi khi lại là thước đo của sự tử tế với con chữ. Quá khứ, hiện tại mấy ai được bình thản với nghề như ông!
 
Có hoa và những nụ cười trong Ngày Báo Lâm Đồng phát hành số báo đầu tiên. Việt Hưng, Thanh Đạm, Khắc Dũng... và nhiều người khác nữa không còn ở đó, dẫu chỉ là cái gật đầu thay cho câu chào. 
 
Ở tờ báo này, sứ mệnh và nhiệm vụ cao cả được gầy dựng bằng công sức của nhiều thế hệ, đâu phải của riêng ai. Mỗi một số báo gấp lại là để bắt đầu cho những số tương lai, những bài viết đóng lại là mở ra cho những trang báo ý nghĩa hơn. 
 
Sinh tử vô thường bởi quy luật tự nhiên, với những người làm báo, cái tên như một sự định danh để người ta nhớ mãi. Chẳng ai quan tâm phóng viên đó có một nụ cười khác lạ, một giọng nói dị biệt hay ngoại hình khác thường, biết nói sự thật, đứng về lẽ phải, viết bằng sự tử tế mới là những thứ tồn tại khi đi qua những trang viết.
 
Thanh Đạm, Việt Hưng, Khắc Dũng... và còn rất nhiều những người khác nữa đã từng gắn bó với tờ báo này. Hãy cho chúng tôi được nói lời cảm ơn, dẫu biết rằng chỉ thế thôi là chưa đủ!
 
ĐẶNG TUẤN LINH