Một thời là ''công dân'' Báo Lâm Đồng

12:08, 19/08/2022
Thoắt đã 45 năm Báo Lâm Đồng ra đời. Những ngày xưa ấy, Báo Lâm Đồng in offset khổ to bằng Báo Nhân Dân, đen trắng nhưng rất đẹp. Được mấy số, báo chuyển sang in typo khổ nhỏ như bây giờ. Ngày ấy, một tuần báo ra một số.
 
Chuẩn bị cho số báo mới (chụp tại Toà soạn Báo Lâm Đồng ngày 2/10/1981). Ảnh: Tư liệu
Chuẩn bị cho số báo mới (chụp tại Toà soạn Báo Lâm Đồng ngày 2/10/1981). Ảnh: Tư liệu
 
Tôi về làm “công dân” của Báo Lâm Đồng từ tháng 1 năm 1981. Tính đến nay cũng ngót nghét hơn 40 năm với biết bao kỷ niệm. Trước đó, tôi là cán bộ kỹ thuật Nông trường Quốc doanh Hà Lâm, huyện Đạ Huoai và từng là cộng tác viên thường xuyên của đài, báo trong tỉnh. Ban đầu là những bài viết, những bản tin ở vùng 3 Đạ Huoai, rồi tiếp tục là những bài thơ được ra đời nơi ấy và được báo chọn in, được đài phát sóng, vui sướng biết nhường nào. 
 
Tôi nhớ mãi, một hôm trên đường đi về cơ sở, qua một buôn người Mạ, thấy một sơn nữ cầm chày giã gạo, trên lưng địu một em bé đang lắc lư theo nhịp chày của mẹ. Tôi nảy ra câu thơ “Nhịp chày ru con ngủ tự bao giờ?”. Khi về lại trụ sở nông trường, ăn tối xong, tôi ngồi vào bàn viết bài thơ cho đến 1 giờ sáng hôm sau thì xong. Tôi vội chép tay bài thơ rồi ra bưu điện gửi đi, lòng khấp khởi mừng. Bài thơ hình thành, nhưng câu thơ bất chợt ấy không thể vào bài thơ. Tôi đã viết theo một cảm xúc mới: “ Con không ngủ yên như bạn bè cùng lứa tuổi/ Bên rèm reo mùi hương lý đang bay/ Con thích ngủ với cây rừng, dáng núi/ Trong miên man say đắm nhịp chày…/ Trăng ngả xuống rạch ngang già nửa mái/ Cho lòng con say nguồn sáng lên sân/ Mẹ níu trăng nhịp chày xa vọng lại/ Đêm vào khuya tiếng nện cối thêm gần/ Gạo tròng trành chao như nước dưới trăng/ Lai láng trắng một chảo tròn miệng cối/ Mẹ cúi nắm trong lòng tay nóng hổi, Mật hương rừng giàu hơi ấm thiêng liêng/ Gùi nhấp nhô cho mùa rẫy làm nên/ Đêm yên lặng rõ tiếng chày hơi thở/ Và man mác như ra chiều con ngủ/ Nhịp chậm dần vơi tiếng gõ ngừng tay/ Ngủ đi con, hãy ngủ đi con!/ Mẹ đang bận cho mùa vàng lúa trải/ Con ngủ yên để mai con trẻ lại/ Say nhịp chày trỗi dậy kéo bình minh”. (“Bình minh từ những nhịp chày” viết tại Nông trường Quốc doanh Hà Lâm 8/3/1980).
 
Sau này, tôi chọn bài thơ này đưa vào tập thơ “Hoa Trinh nữ” của mình và được nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 1990. Bài thơ “Bình minh từ những nhịp chày” của tôi đến tay nhạc sĩ Trần Hoàn, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, như: Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Lời ru trên nương, Tình ca mùa xuân, Một mùa xuân nho nhỏ, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Cảm xúc từ làng Sen, Đêm Hồ Gươm, Tiếng hát người Hà Nội, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Thăm bến Nhà Rồng,... và ông đã viết thành ca khúc “Khúc hát người Kơ Ho”. 
 
Trong một lần về thăm Lâm Hà, nhạc sĩ Trần Hoàn đã nhờ K’Long Hagim - một giọng ca nam người dân tộc Kơ Ho hát đi, hát lại nhiều lần một bài dân ca dân tộc, để ông tìm một giai điệu cho thích hợp với việc phổ thơ. Từ đó, ca khúc “Khúc hát người Kơ Ho” đã ra đời, được nhạc sĩ tuyển chọn in trong “Tuyển tập Ca khúc Trần Hoàn”, và được sử dụng nhiều lần trên sóng phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương.
 
Tôi làm “công dân” của Báo Lâm Đồng gần hai năm thì chuyển về Đài Truyền thanh Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Nam Ban và tiếp tục trở thành cộng tác viên thường xuyên của báo.
 
Bốn năm sau, trở về Đà Lạt, tôi được mời tham gia trong Ban Biên tập Báo Tuổi trẻ Lâm Đồng với nhà báo Hoàng Hận, Phạm Sơn Dũng. Hai năm sau, đầu quân cho Phòng Biên tập Văn nghệ Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng ròng rã suốt hai mươi năm và trụ lại ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh một nhiệm kỳ cho đến ngày nghỉ hưu. Nhưng kỷ niệm những ngày ở Báo Lâm Đồng không thể nào quên. Ngày ấy, chúng tôi có Võ Quang Hải, Nguyễn Thanh Đạm, Nguyễn Văn Du, Nguyễn Hữu, Kim Chi, Đặng Văn Đức, vợ chồng anh Lương Văn Sinh, chị Huyền Quyên, Vũ Thuộc, Nguyễn Mạnh Cừ, Nguyễn Mậu Siệc... Những đêm làm báo Tết, chúng tôi thức trắng cùng với anh em công nhân nhà in của báo. Nhà in sắp chữ xong, in thành bản nháp, tôi thì soi từng chữ; chưa đạt lại khoanh tròn chuyển xuống để nhà in sửa lại. Bây giờ công nghệ in ấn hiện đại nên công việc làm báo cũng thuận lợi hơn nhiều. Một bận, tôi với Nguyễn Thanh Đạm về ở chung một phòng ở khu tập thể của báo số 14 Hùng Vương, Đà Lạt. Bên cạnh là phòng vợ chồng anh Sinh, chị Quyên. Tôi thường xuyên ở Tòa soạn, Đạm thì hay đi cơ sở. Gặp nhau là bao nhiêu chuyện vui buồn đều được Đạm tâm sự. Ngày ngày đi bộ xuống Tòa soạn (22 Hùng Vương) để ăn cơm tập thể. Chị Thi, chị Thường, chị Huân là những người chăm lo cho anh em phóng viên chúng tôi những bữa cơm ngon; những món ăn được chế biến từ rau, củ, quả mà các chị xin được. Mỗi dịp tết về hay dịp lễ lượt, Tòa soạn lại đánh xe xuống cơ sở, người thì cho tạ nếp, có nơi dành nguyên cả một con bò mang về phân phối cho nhau.
 
Tuy nay không còn là “công dân” của Báo Lâm Đồng, nhưng duyên nợ với Tòa soạn, với những đồng nghiệp của báo ngày thêm sâu nặng. Và mong sao tình cảm ấy vẫn bền lâu trong suốt chặng đường đi tới...               
 
  TRẦN NGỌC TRÁC