GS TSKH Tô Ngọc Thanh với Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng

LÊ HỒNG PHONG 18:13, 06/05/2024

(LĐ online) - Ngày 24 tháng 4 năm 2024, GS. TS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam báo tin GS. TSKH Tô Ngọc Thanh – nguyên Chủ tịch Hội đã từ trần. Vậy là đại cổ thụ, đại thủ lĩnh của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã đi xa…

SG Tô Ngọc Thanh
GS Tô Ngọc Thanh (thứ 3 từ trái qua) trong Lễ ra mắt Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng

 Kính mong Thầy thanh thản sau một đời tận hiến cho sự nghiệp văn hoá, văn nghệ dân gian, cho Hội và các chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) ở Việt Nam! Mãi tri ân GS. TSKH Tô Ngọc Thanh và lãnh đạo Hội đã đốc thúc tôi thành lập Chi hội, đã ký Quyết định công nhận và có mặt trao quyết định trong Lễ ra mắt Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng năm 2009. Sắp sửa 15 năm thành lập Chi hội (2009 – 2024) mà Thầy đã đi xa…

Nhớ khi đã giảng dạy và nghiên cứu văn học dân gian được mười năm (1986-1996) tôi muốn vào Hội chuyên ngành mà chẳng biết làm như thế nào. Chưa có chi hội, bác Lâm Tuyền Tĩnh – hội viên (HV) đầu tiên tại Lâm Đồng đã mất; nghe danh nhạc sĩ Đình Nghĩ nhưng thật lòng cũng chưa biết anh là hội viên VNDG. Mãi đến năm 1996, khi đã đăng được 7 bài về văn học dân gian trên tạp chí khoa học của các viện nghiên cứu, tự thấy mình có điều kiện kết nạp, tôi đã làm đơn, photo bài và luận án gửi ra Hà Nội (lúc đó luận văn tốt nghiệp cao học còn gọi là luận án, bằng ThS do Thứ trưởng ký). Hình như một trong hai người giới thiệu tôi vào Hội là GS Trần Quốc Vượng. Vào Hội rồi, tôi giới thiệu kết nạp thêm 3 hội viên (Phan Thị Hồng, Nguyễn Vũ Hoàng và Ngọc Lý Hiển). Chưa có chi hội nên hội viên vẫn liên hệ trực tiếp với Văn phòng Hội, những khi có việc gấp thì chính GS Tô Ngọc Thanh gọi điện cho chúng tôi.

Ngày 18/3/1997, lần đầu tôi gặp GS. TSKH Tô Ngọc Thanh tại hội thảo khoa học do Hội VNDG Việt Nam tổ chức tại Biên Hòa, Đồng Nai. Biết GS Trần Quốc Vượng, Phó Chủ tịch Hội là đồng chủ trì hội thảo, tôi gặp xin phép không báo cáo. Cụ bảo ngay: “Tôi không biết! Ông đi mà hỏi ông Thanh!”. Thế là tôi tìm gặp Chủ tịch Hội xin phép và được GS chấp nhận vì bài tôi dài quá, sau này in sách và tái bản vẫn còn 15 trang... Nhắc chi tiết này để thấy GS Trần Quốc Vượng chủ yếu vẫn là lĩnh vực học thuật, về tổ chức - hành chính sự vụ thì cơ bản vẫn do GS. TSKH Tô Ngọc Thanh. Tại hội thảo này, tôi nhớ nhất khi GS. TSKH Tô Ngọc Thanh đã nói (và viết) về “khoảng trống tâm linh” trong lĩnh vực tín ngưỡng...

GS Tô Ngọc Thanh
GS Tô Ngọc Thanh (bìa phải)  trong Lễ khai mạc trại viết Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Đà Lạt

Năm 2000, lần đầu tiên tham dự Trại viết và dự Lớp tập huấn của Hội mở tại Kiên Giang, cũng là lần đầu tôi mới biết đến miền Tây (Tây Nam Bộ). Tôi cũng được gặp GS. TS Nguyễn Xuân Kính (Phó Chủ tịch Hội) dù anh em đã thư từ qua lại từ năm 1993... GS Trần Quốc Vượng góp ý cho tôi đề cương bài viết về ma lai. Tôi đã nghe cả ba giáo sư giảng bài và cả ba vị lãnh đạo đều nhắc tôi thành lập chi hội. Nhớ là GS. TSKH Tô Ngọc Thanh đã nói trước hội viên và lãnh đạo địa phương có mặt trong buổi khai mạc Lớp tập huấn về sưu tầm – nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian năm ấy: “Trường đến rồi trường đi, viện đến rồi viện đi, hội đến rồi hội cũng đi. Địa phương được cái gì? Hội chúng tôi đến mở Trại viết và tập huấn là vì địa phương, chúng tôi mang tiền đến để làm chứ không dám làm phiền cho địa phương”...

Nhưng việc thành lập chi hội vẫn cứ lèng èng khá lâu. Sốt ruột quá, GS. TSKH Tô Ngọc Thanh phải vào Đà Lạt bàn phương án, xem chi hội nên để ở Trường Đại học Đà Lạt hay Sở Văn hóa – Thông tin của tỉnh, nhưng vẫn không thống nhất được phương án. Mấy năm sau, GS Trần Quốc Vượng trực tiếp vào Trường Đại học Đà Lạt và “chỉ tay” lệnh cho tôi làm Trưởng ban vận động thành lập chi hội... Mãi đến năm 2009, phương án Chi hội VNDG trực thuộc cả hai cấp Hội được thống nhất cao. Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng ra Quyết định thành lập Chi hội VNDG và cử Ban Chấp hành lâm thời do Lê Hồng Phong làm Chi hội trưởng. Chủ tịch Hội Trần Ngọc Trác đã ký, Phó Chủ tịch Hội – nhà thơ Phạm Quốc Ca ủng hộ và có mặt, Chánh Văn phòng Hà Hữu Nết và Văn phòng Hội lo mọi thủ tục hành chính, công tác chuẩn bị, kể cà bữa cơm thân mật cho Lễ ra mắt được chu đáo và suôn sẻ... Hội VNDG Việt Nam, cụ thể là GS. TSKH Tô Ngọc Thanh đã ký Quyết định công nhận Chi hội, Quyết định cử Lê Hồng Phong làm Chi hội trưởng. GS. TSKH Tô Ngọc Thanh vào công tác ở Tây Nguyên, từ Đắk Nông ông đã gọi điện thoại cho tôi rằng ông sẽ sang Đà Lạt trao quyết định...

Thật vinh dự khi Chủ tịch Hội có mặt trong ngày quan trọng này. Những trụ cột như GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, GS Trần Quốc Vượng và GS. TS Nguyễn Xuân Kính không chỉ là tấm gương học thuật mà còn là những thủ lĩnh có công lớn về tổ chức, điều hành và phát triển Hội trong mấy chục năm nay. Ngoài các trại viết, các lớp tập huấn mở ở các vùng miền, Hội còn tài trợ kinh phí cho hội viên có đề cương tốt và trao giải hàng năm cho tác phẩm xuất sắc. Do bận quá nên gần 30 năm nay tôi chỉ dự được trại viết Kiên Giang nói trên, anh chị em khác cũng vậy, chỉ 3 hội viên dự được trại viết khi Hội mở ngay tại Đà Lạt. Khai mạc và bế mạc Trại viết Đà Lạt, dù không phải trại viên tôi vẫn “được ăn được nói” bởi lời mời trân quý của GS. TSKH Tô Ngọc Thanh và GS. TS Nguyễn Xuân Kính.

Về Giải thưởng hàng năm, các vị lãnh đạo Hội trong vai trò chỉ đạo hoặc giám khảo nên cả ba giáo sư khả kính đều không hề có giải thưởng nào vì họ đã nêu gương không gửi tác phẩm dự giải. Riêng Chi hội VNDG Lâm Đồng đến nay đã có trên mười giải của Hội chuyên ngành… Có thể nói GS. TSKH Tô Ngọc Thanh rất sâu sát tình hình các chi hội và hội viên. Có lần ông đã trực tiếp gọi điện đề nghị tôi sửa đề cương tài trợ cho một hội viên. Ông không “ra lệnh” mà chỉ là “tôi nhờ anh…”. Sau này, khi GS đã rất lớn tuổi, HV toàn quốc gọi nhiều quá làm phiền nên Văn phòng Hội đề nghị không gọi vào máy của GS...

Năm 2020, Giáo sư TSKH Tô Ngọc Thanh đã rất yếu nhưng vẫn làm Chủ tịch Đoàn và trình báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thấy Chủ tịch Hội vẫn đi ra tận cửa bắt tay chào đón anh chị em các tỉnh về dự Đại hội với cái gậy và bước đi tập tễnh. Chào thầy nhưng hình như thầy không nhớ tôi nữa... Và nay Giáo sư đã về cõi vĩnh hằng. Những người thuộc thế hệ vàng đã góp phần làm nên lịch sử và nhẹ nhàng đi qua lịch sử, để lại những kỷ niệm, hình dáng, nụ cười, lời nói và việc làm tâm huyết vì sự nghiệp văn hóa, văn nghệ Việt Nam. GS. TSKH Tô Ngọc Thanh là một nhà khoa học khả kính và một nhà lãnh đạo Hội xuất sắc.  

THÀNH KÍNH TRI ÂN VÀ VĨNH BIỆT THẦY!