Tri thức dân gian trong nghi lễ nông nghiệp của người Mạ

TRIỀU KA 06:16, 06/05/2024

Tri thức dân gian là những kinh nghiệm sống được đúc rút qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. Nó là kho kiến thức về ứng xử và hành động giữa con người với tự nhiên, giữa con người với xã hội của người Mạ ở huyện Cát Tiên, Lâm Đồng.

Người Mạ ở xã Đồng Nai Thượng trong một nghi lễ truyền thống
Người Mạ ở xã Đồng Nai Thượng trong một nghi lễ truyền thống

Cũng là hình thái kinh tế rừng - rẫy - ruộng nhưng người Mạ ở Cát Tiên lại có hệ thống tri thức dân gian mang những đặc trưng riêng. Ta nhận ra điều đó từ việc người Mạ đã chọn kiểu kiến trúc nhà ở dạng sàn cao để tránh ẩm thấp và ngập úng. Địa hình cư trú thấp là thực tiễn khách quan, buộc người Mạ phải chọn ra những giống lúa phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây: trổ bông trước thời điểm xảy ra mưa làm ngập úng, để vụ mùa không bị thất thu. Bên cạnh đó, người Mạ cũng rất coi trọng việc tính toán thời gian cho mùa vụ, chọn ngày tốt để thực hiện những việc quan trọng, kiêng cữ những việc xấu làm ảnh hưởng đến mùa màng. Nghệ nhân Ưu tú Điểu K’Bôi nói: “Thường thì người Mạ sẽ căn cứ theo chu kỳ trăng tròn, trăng khuyết để phán đoán thời tiết, rồi chọn ra thời điểm gieo sạ thích hợp, một mặt giúp cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, mặt khác tránh các dịch bệnh gây hại”.

Những kiến thức đó, người Mạ truyền lại cho các thế hệ sau bằng nhiều hình thức: qua những câu dân ca, lời răn dạy, qua các nghi lễ nông nghiệp, những bài học kinh nghiệm thực tế... Theo chia sẻ của Nghệ nhân Ưu tú Điểu K’Bôi, đối với nghề nông, kinh nghiệm trong quan sát thời tiết là một yếu tố vô cùng quan trọng. Bởi nghề nông phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên. Gặp năm mưa thuận gió hòa thì hoa tươi hạt mẩy, mùa màng bội thu. Gặp năm hạn hán, sâu bệnh thì mất mùa, trắng tay. Do vậy, những tri thức dân gian về thời tiết đóng vai trò quyết định cho những vụ mùa. “Tri thức dân gian của người Mạ ở Cát Tiên được hình thành qua quá trình lịch sử ứng biến với tự nhiên và ứng xử giữa con người. Những kinh nghiệm ấy được người Mạ lưu truyền từ đời này qua đời khác, qua những thói quen văn hóa, qua việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái. Rất nhiều kiến thức cổ xưa ấy, vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay”, Nghệ nhân Ưu tú Điểu K’Bôi cho biết.

Tri thức dân gian của người Mạ ở Cát Tiên đang chịu nhiều tác động từ sự phát triển của xã hội. Nhiều thực hành văn hóa trước kia, nay ít có cơ hội tái hiện trong đời sống cộng đồng Mạ. Thấy rõ điều này, những năm qua, Lâm Đồng đã tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, nhằm lưu giữ, trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp cho cộng đồng. Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Cát Tiên tổ chức tái hiện nghi lễ mừng lúa mới của người Mạ ở Đồng Nai Thượng. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để giữ gìn và mở ra cơ hội cho các giá trị văn hóa truyền thống của người Mạ sống giữa cộng đồng. Qua việc tổ chức phục dựng nghi lễ mừng lúa mới đã giúp người dân Lâm Đồng và du khách hiểu thêm về những tri thức dân gian Mạ - một nguồn lực đầy tiềm năng để phát triển du lịch. Trong khi đó, người Mạ lại có cơ hội chỉ dạy cho con cháu cách ứng xử với cộng đồng, với môi trường tự nhiên. Quan trọng hơn cả, việc tái hiện nghi lễ mừng lúa mới đã tạo điều kiện cho người Mạ phô diễn vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình.