Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22: Ngân vang bản hòa âm đất nước

QUỲNH UYỂN 11:18, 24/02/2024

(LĐ online) - Chiều 23/2 (tức 14 tháng Giêng Âm lịch Giáp Thìn), tại Trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 mang chủ đề “Bản hòa âm đất nước”.

Vũ điệu mùa xuân hòa vào thi ca
Vũ điệu mùa xuân dâng Đảng

Tham dự Ngày Thơ có ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, Ban Giám hiệu các trường THPT trên địa bàn Đà Lạt, các văn nghệ sĩ, các thầy cô giáo, các em học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long, cùng công chúng yêu thơ.  

TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu cùng các văn nghệ sĩ, nhà thơ
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng

Trong mỗi người Việt dường như đã ẩn chứa một hồn thơ. Từ khi chưa có chữ viết, thơ ca dân gian đã ra đời; là ca dao, là lời ru của bà, của mẹ. Đó là những câu thơ lục bát có vần có điệu, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày, dễ nhớ, dễ thuộc, là tiếng lòng chất chứa ý, tình, được nói lên từ lòng người và dễ đi vào lòng người.

Tiếng trống khai hội

Từ khi có chữ Hán xuất hiện, cũng là lúc dân tộc ta chịu họa xâm lăng, thơ đồng hành cùng dân tộc trong suốt cuộc trường chinh giữ nước. Thơ ca có sức mạnh khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quật cường, cổ vũ toàn dân đoàn kết một lòng chống ngoại xâm. Nhiều thế hệ người Việt đã dùng thơ làm vũ khí tinh thần đánh giặc, và cũng thành thi nhân nổi tiếng: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh…

Cảm xúc sâu lắng cùng bài thơ Nam Quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh

Phát biểu khai mạc Ngày Thơ, nhà thơ Thanh Dương Hồng – Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng  nhấn mạnh: Vào ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý 1948, từ cảm xúc một đêm trăng Xuân trên sông Lô, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã thăng hoa cảm xúc cho ra đời những vần thơ “Nguyên tiêu”, hay về tứ, đẹp về tình. Để đến năm 2003, được sự đồng ý của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định lấy ngày Nguyên tiêu Rằm tháng Giêng hàng năm là Ngày Thơ Việt Nam.

Không gian thư pháp, cho chữ, gửi gắm lời hay ý đẹp trong ngày thơ

Ngày Thơ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức trang trọng tại Văn Miếu - Quốc tử giám - Hà Nội vào Xuân Quý Mùi – Nguyên tiêu 2003. Từ đây, Ngày thơ Việt Nam trở thành ngày hội lớn của các nhà thơ và công chúng yêu thơ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trải qua 22 mùa Xuân cùng sự không ngừng phát triển đi lên của quê hương, đất nước, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là ngày hội tôn vinh những thành tựu thơ ca, những đóng góp to lớn của các văn nghệ sĩ, các nhà thơ và vai trò của thơ ca trong đời sống.

Nhà thơ Vũ Thuộc (90 tuổi) cùng tác phẩm Nén hương thơm dâng phút giao thừa

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 – 2024 mang chủ đề “Bản hòa âm đất nước” - ý tưởng độc đáo đó cũng chính là hướng những người làm thơ ở các tỉnh, thành trong cả nước, từ những bản hợp âm, từ những giai điệu thơ sẽ hòa quện trong dòng chảy chung, và sẽ hợp lưu thành “Bản hòa âm đất nước”. Là bản hòa âm muôn màu, muôn vẻ ngợi ca quê hương, đất nước; ca ngợi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh sóng gió, cập bến vinh quang; khẳng định vị thế Việt Nam trong xu thế hội nhập, phát triển với khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng rồng bay.

Nhà thơ Trần Ngọc Trác cùng tác phẩm Đà Lạt của tôi

Phát biểu tại Ngày Thơ, TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã động viên khích lệ các nhà thơ tiếp tục ấp ủ tâm hồn thơ, nuôi dưỡng nguồn cảm hứng, bút lực dồi dào, tiếp tục sáng tạo dâng cho đời nhiều tứ thơ hay, nhiều vần thơ đẹp tạo khí thế thi đua sôi nổi, giới thiệu quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Đà Lạt – Lâm Đồng với bạn bè trong nước và quốc tế. Hiện nay, đã có hàng trăm bài hát, hàng ngàn bài thơ về Đà Lạt, đó là đóng góp lớn của văn nghệ sĩ Lâm Đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đọc lên những vần thơ do ông sáng tác về Đà Lạt; đồng thời mong các văn nghệ sĩ Lâm Đồng tiếp tục phát huy tài năng, tư duy sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần làm cho quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp.  

Tiết mục độc tấu sáo HMông của học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long

Sau bài thơ “Thần” Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, cùng bài thơ Nguyên tiêu hay về tứ, đẹp về tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ngâm đọc cả chữ Hán và tiếng Việt; các nhà thơ, văn nghệ sĩ, các thầy cô giáo và các em học sinh đã góp vào “Bản hòa âm đất nước” những tác phẩm thơ nhạc mới, những tứ thơ hay, những vần thơ đẹp, những giai âm, vũ điệu bay bổng. 24 tiết mục thơ, nhạc, là những vần thơ thiết tha về mùa xuân, tình yêu, ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, đất nước khi đất trời vào Xuân đã được ngâm đọc, được hát lên bằng cả xúc cảm của người sáng tạo thơ và sự rung cảm của công chúng thưởng lãm, để lại trong lòng người nghe nhiều cảm xúc lắng đọng.

Nhà thơ Thanh Toàn với tác phẩm Bến xuân

Có thể kể những vần thơ: Đà Lạt vào xuân (Hoàng Sơn Lâm), Đà Lạt của tôi (Trần Ngọc Trác), Thế là hạnh phúc (Nguyễn Vĩnh), Và mùa xuân tới (Nông Quy Quy), Nén hương thơm dâng phút giao thừa (Vũ Thuộc), Yêu thương (Nguyễn Mậu Pháp), Thơ ta xin thả lên trời (Nguyễn Tấn On), Đời chắp cánh cho thơ (Dương Gia Lễ), Bến xuân (Thanh Toàn), Ước nguyện Lâm Hà (Dương Thành Thái), Chân dung tôi (Võ Thị Hạnh), Hương xuân (Tú Minh)…

Nhà thơ Nguyễn Tấn On cùng tác phẩm Thơ ta xin thả lên trời

Bên cạnh đó là không gian triển lãm ảnh, viết thư pháp đã trao cho người yêu thơ và các em học sinh nhưng lời hay, ý đẹp được các nhà thơ gửi gắm qua từng nét bút. Từ đó làm lan tỏa tình yêu thi ca đến mọi người, mọi nhà, để thơ thực sự là món ăn tinh thần trong đời sống.

Cô giáo Võ Thị Hạnh cùng tác phẩm Chân dung tôi
Nhà thơ Nguyễn Mậu Pháp cùng tác phẩm Yêu thương

Nhân Ngày thơ, họa sĩ Sơn Lâm đã tặng Hội VHNT Lâm Đồng, các văn nghệ sĩ bức tranh sơn dầu “Đà Lạt vào Xuân” (kích thước 1m35 x 1m56).

Họa sĩ Sơn Lâm tặng tác phẩm hội họa

Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật làm cho Ngày thơ sôi động, nhiều màu sắc:

Ký họa trong Ngày thơ