Nơi gieo mầm hạnh phúc

Truyện ngắn: MAI ĐÌNH 06:31, 22/02/2024
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Tiếng bánh xe chiếc vali lọc cọc theo sau nhịp bước nặng nề của Hân. Đi được một đoạn, cô lại đứng thở hắt ra, cảm giác như hai bên đầu gối muốn sụm xuống vì mỏi. Quãng đường lội bộ chưa đầy một cây số dốc nối dốc rặt sống trâu và đá lổn nhổn khiến Hân cảm giác xa xôi khủng khiếp. Bàn chân leo và đạp dốc nóng rát dù đã được bao bọc trong đôi giày thể thao rất nhẹ và êm. Cũng may là cô xin đi nhờ xe dân bản được hơn ba phần tư chặng đường từ trung tâm xã vào đây, chứ nếu đi bộ cả gần 5 km thì không thể tưởng tượng nổi sẽ mệt thế nào. Điểm trường tiểu học Na Kin hiện ra trước mắt trong ráng chiều hoàng hôn đỏ lựng ngấp nghé sau đỉnh núi. Ôi chao, cảnh đẹp và bình yên rất đỗi, mà sao lòng dạ Hân lại thấy cô liêu, buồn thảm đến vậy.

Hân chưa vào nhà công vụ ngay mà ngồi sệt xuống đám cỏ bên mép sân trường. Gọi là nhà công vụ cho sang, chỉ là hai gian nhà ghép gỗ dựng trên nền đất nhấp nhô. Ở đây không điện, không nước, không có sóng điện thoại và còn nhiều cái “không” khác nữa. Muốn báo với mẹ đã lên tới nơi an toàn, nhưng chịu. Điểm trường chỉ có 3 phòng học lợp mái tôn xám ngoét, những vết gạch đỏ vẽ vời nham nhở trên mảng tường màu xanh đã thấm nước loang lổ và tróc lở. Bàn ghế và bảng được đặt quay theo hai hướng ngược nhau, vì có lớp chỉ bốn học sinh nên phải học ghép chung một phòng. Cả điểm trường 5 lớp chỉ có 38 học sinh, mà Hân nghe nói trên này giáo viên phải đi vận động nhiều lần thì gia đình mới cho trẻ đến trường. Cô không mấy bận tâm, chỉ cần cố gắng ở đây đủ hai năm rồi cô sẽ được Phòng Giáo dục thành phố bố trí nơi dạy mới “cơ bản” hơn. Mọi người bảo cô còn trẻ, cứ đi và trải nghiệm những nơi khó nhất, khổ nhất, rồi ai mà dám không ghi nhận, không dành cho cô sự ưu tiên xứng đáng. Nghĩ đến đấy, Hân thấy bớt buồn nản, cô lếch thếch kéo vali vào nhà.

Dường như biết cô sẽ đến, hoặc là vì bên trong chẳng có gì đáng giá nên không sợ ai xâm phạm, cánh cửa chỉ khép hờ. Hân đẩy tay, nghe tiếng lề cửa nghiến vào nhau kèn kẹt. Căn phòng rộng chừng mười lăm mét vuông có một chiếc giường đơn đã trải sẵn chiếu mới, gối và chăn gấp xếp ngay ngắn. Chiếc bàn học kết hợp kệ sách đã cũ được kê sát phía đầu giường, các góc chân lộ ra từng mảng gỗ ép nham nhở. Trên kiềng bếp có sẵn ấm nước còn ấm, tường gỗ treo lủng lẳng vài chiếc nồi và chảo. Hân đang tìm chỗ cất vali, thì nghe tiếng người ngoài sân gọi vào.

- Cô giáo Hân lên đến rồi đấy à, có mệt lắm không cô?

- Anh là… anh Thuận?

- Đúng rồi. Tôi với cô ở chung đấy.

- …

- Đùa thôi, tôi ở phòng bên cạnh. Chỉ nấu ăn chung với cô thôi. 

Hân biết khi lên đây, cô không chỉ có một mình. Thuận đã tới điểm trường trước cô một năm. Nhưng đây không phải là điểm trường vùng cao đầu tiên mà Thuận tới. Trước đó, anh đã có bốn năm ở hai điểm trường vùng sâu, vùng xa khó khăn khác trong tỉnh. Trời nhá nhem tối, Hân bắt đầu nghe tiếng muỗi vo ve. Thuận thắp đèn và sửa soạn nấu cơm. Lửa sáng khiến gian nhà trở nên ấm áp, nhắc nồi cơm xong thì Thuận quay ra rửa cà chua và nhặt rau. Anh nói ở đây chỉ có đồ khô và các loại củ mới để được lâu, cà chua là thứ để ở nhiệt độ bình thường được gần cả tháng. Đồ tươi nấu kỹ cũng chỉ để được vài, ba ngày. Nhìn cách anh cẩn thận múc từng ca nước rửa rau xong để gọn một góc, Hân đoán chỗ nước ấy lát sẽ dùng rửa bát đũa. Cô muốn giúp nhưng Thuận ngăn lại. Anh giục cô đi tắm. Rồi chẳng đợi Hân hỏi, anh bật đèn pin, dẫn cô ra khu nhà vệ sinh, tắm giặt khuất phía sau điểm trường được quây bằng vài miếng gỗ và mái tôn tạm bợ. Thuận bảo, trên này muốn lấy nước phải đi tít vào phía chân núi cách đây chừng 3 cây số, mỗi lần đi cũng chỉ đèo được vài, ba can mấy chục lít nên dặn Hân chịu khó dè sẻn. Hân nhìn vào chiếc thùng phuy màu xanh nước biển trầy trụa vết xước, cạnh đó là những chiếc can trắng đã ngả màu cháo lòng lem nhem đất cát mà ái ngại. Cô chưa thể hình dung cuộc sống những ngày sắp tới của mình sẽ thế nào. Bóng tối, sự cách trở, thiếu thốn và buồn tẻ…, tất cả khiến Hân rơi vào trạng thái lưng chừng, vô định đến khó tả.

Bữa cơm đầu tiên ở điểm trường chẳng có món ngon rừng núi như Hân nghĩ. Chỉ có rau cải trời luộc, trứng xào cà chua, một bát nước rau vắt chanh và chén nước mắm thiếu bột ngọt. Đêm, gió thổi qua mái tôn ù ù, từng đợt gió quẩn quanh như ve vuốt, như dỗi hờn. Sương xuống nhiều phả ra hơi lạnh, Hân cứ chập chờn không sao ngủ được. Bất kể tiếng động nào cũng làm tim cô như muốn nhảy ra ngoài. Những nỗi sợ hãi mơ hồ khiến cô bất an và hoài nghi sự lựa chọn của mình.

Hai tháng, Hân về nhà được sáu lần. Có tuần không về vì mưa quá. Thuận cười hiền mỗi lần thấy Hân chuẩn bị xuống núi, anh bảo hồi đầu mới lên bản ai cũng thế, buồn, nhớ nhà, ham về lắm. Nhưng lâu dần sẽ ngại. Có lẽ vì lẽ đó mà hai tháng Thuận chỉ về nhà một lần. 

Hân chạy xe từ điểm trường ra ủy ban xã rồi gửi xe ở lại, sau đó ngồi xe bus về nhà. Khi ngược lên, lại ì ạch với chiếc xe máy đã được quấn xích vào bánh, vào số 1 và ga hết cỡ mới leo được qua những lườn dốc cao để về lại điểm trường. Nếu đi vào ngày lép nhép mưa phùn hẳn sẽ là một hành trình chinh phục nhớ đời. Mưa to thì chịu, lúc đó thì những “tay lái lụa” người bản xứ cũng phải ngồi yên một chỗ. Hân đã ngã xe nhiều lần, kể cả lúc về nhà hay lên tới điểm trường mà quần áo lấm lem, hư rách, cũng đã là chuyện thường ngày. Có lần đi đến giữa dốc xe chết máy, trời lại nhập nhoạng tối, Hân bất lực và sợ hãi ngồi khóc. May mà khi ấy Thuận vô tình đứng ở chỗ sóng rơi nên mới nhận được cuộc gọi của cô. Anh tất tả rọi đèn tìm, hai người cùng chiếc xe vật lộn với bùn đất sau mưa trơn chuồi chuội. Những quả trứng vỡ gần hết, đùm cá khô văng xuống mé vực, Thuận và Hân đành phải ăn măng luộc cả tuần vì trời mưa dầm dề. Nhìn mưa giăng trắng, Hân thấy cuộc sống ở đây như thời nguyên thủy. Cái cảm giác bị “mù” thông tin bên ngoài làm cô bức bối quá. 

***

Đã hết ngày nghỉ cuối tuần, Hân vẫn chưa trở lại trường. Thứ Hai, thứ Ba cũng không thấy đâu. Học trò hỏi, Thuận chỉ trả lời khuấy khóa rằng nhà cô giáo có công chuyện nên chưa lên được. Nhưng trong lòng anh thì nghĩ ngợi, lẽ nào cô đã bỏ của chạy lấy người rồi sao. Nơi này thời tiết khắc nghiệt, mùa đông mưa và sương lạnh liên miên nên lúc nào cũng rét buốt. Trời ẩm ướt là nhiều vắt, lại phải theo dân bản đi hái rau rừng, lấy măng, kiếm củi…, rồi nghe bao chuyện truyền miệng về người đi rừng bị hổ đuổi, ma giấu…, chắc là Hân không chịu nổi rồi. Đang miên man nghĩ, Thuận nghe tiếng bước chân lịch thịch tới gần, trưởng xóm Kỳ buồn rầu báo tin:

- Cô giáo Hân trên đường lên bản bị thanh niên say rượu chạy xe va phải, gãy tay đang nằm trong viện đa khoa tỉnh đấy thầy Thuận ạ.

Biết tin cô giáo bị tai nạn, đám học sinh tụ lại rì rầm một lúc, rồi chúng nhanh chân chạy về nhà. Lát sau đứa thì mang trứng gà, đứa mang nải chuối ương chín, rồi những tấm thiệp tự cắt dán có ép hoa rừng đã khô, hay vài bức tranh cảnh vật với những nét vẽ bằng bút chì thô mộc…, chúng đưa vào tay Thuận, nhờ anh mang tặng cô giáo. Thuận chạy xe cả đoạn dài, ngoái lại vẫn thấy đám nhỏ đứng đó nhìn theo. Anh biết, chúng đang thầm hi vọng Hân trở lại, nhưng cũng lo sợ cô sẽ bỏ trường, bỏ chúng mà đi như mấy cô giáo khác từng thế. 

Nhận quà, đọc những lời chúc mừng sinh nhật ngô nghê của học trò, Hân bật cười mà mi mắt nhòe ướt. Ngay khi ra viện, cô bắt xe bus trở lại điểm trường. Trưởng xóm Kỳ có mặt ngay khi nghe tin Hân trở lên, mang theo túi quà để cô giáo “dưỡng thương” là trứng gà và một túi hạt dẻ. Giọng cười khùng khục và ánh mắt đầy cảm kích, anh cầm tay Hân thành thật:

- Đây không phải lần đầu tiên trường có cô giáo tới. Nhưng vì còn khó quá, họ lên một thời gian rồi lại về xuôi hết, chẳng ai ở lâu. Người đi không nhớ mà người ở lại cứ cồn cào ruột gan đấy cô giáo ạ!

Hân nghe mà cổ họng nghẹn lại. Trong những ngày nằm viện, cô đã cảm nhận tình yêu thương giản đơn mà ấm áp từ đám trẻ. Chúng chẳng hoạt ngôn, chẳng nhúng nhắng, bạo dạn như học sinh thành phố, nhưng sự thật thà, lành lẽ nơi chúng dễ khiến người ta tâm can dẫu đang bộn bề cũng trở nên lắng dịu. Một ý nghĩ bừng lóe trong Hân, cô đã kết nối với câu lạc bộ thanh niên thiện nguyện ở thành phố mà cô biết, gom quần áo và một số đồ dùng học tập cho tụi nhỏ. Đám trẻ ào ra đón Hân và các thành viên đại diện câu lạc bộ như đón người thân yêu của chúng. Sân trường rộn rã tiếng nói cười, nhìn những ánh mắt lóng lánh như sao trời, nụ cười bẽn lẽn khi nhận quà của các em, Hân thấy lòng bình an lạ lùng. Cái mốc thời gian hai năm hoặc dài hơn thế, chẳng còn ám ảnh hay làm cô nghĩ ngợi nữa. 

Buổi tối yên tĩnh, dưới ánh trăng trong vời vợi, Hân hào hứng kể với Thuận, cô đã bàn với chủ nhiệm câu lạc bộ thiện nguyện, sắp tới sẽ kêu gọi hỗ trợ của thư viện, nhà sách, các cơ quan báo chí để xin sách báo và các thiết bị, đồ dùng học tập. Cô muốn xây dựng một thư viện nho nhỏ cho bọn trẻ được tìm hiểu nhiều hơn về thế giới rộng lớn sau ngọn núi cánh rừng này. Hàng tháng, các thành viên câu lạc bộ sẽ thay nhau lên điểm trường, phụ đạo thêm cho tụi nhỏ một số môn năng khiếu như mỹ thuật, âm nhạc nữa. Hân sẽ tự tạo ra cuộc sống sắc màu cho chính mình, điểm trường không chỉ là nơi cô gieo chữ, mà còn gieo những hạt mầm hạnh phúc, vui vẻ mỗi ngày cho cô, và cho đám nhỏ.