55 năm đọc lại bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu 1969 của Bác Hồ

KHÁNH LINH 09:37, 15/02/2024

(LĐ online) - Đương thời, cứ mỗi lần Tết đến, xuân về, Bác Hồ đều có thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước. Từ năm 1941 trở về nước lãnh đạo cách mạng đến khi qua đời năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản quý báu gồm 22 bài thơ chúc Tết. Bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu 1969 là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người trước lúc đi xa.

Những bài thơ chúc Tết của Bác Hồ đều thể hiện trọn vẹn khát vọng độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân; tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm mạnh mẽ cùng niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Đó không chỉ là tiếng gọi của non sông, là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, mà còn là mệnh lệnh của trái tim được Bác truyền cho cả dân tộc. Đồng thời, những bài thơ chúc Tết của Bác còn chứa đựng trong đó phong tục, tập quán tốt đẹp và thiêng liêng của dân tộc, là lời thơ khai bút đầu xuân mang tính dự báo chính xác, sự linh ứng tuyệt vời của một nhà tiên tri, nhà cách mạng vĩ đại. Do đó, cứ mỗi lần đọc thơ chúc Tết của Bác, nhất là khi nghe giọng đọc ấm áp, thiết tha của Người trong lòng chúng ta lại trào lên cảm xúc bởi tình cảm ấm áp thương yêu của Người.

Xuân Kỷ Dậu1969, mùa xuân thứ 79 của Bác Hồ, mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng đến Tết, Người vẫn làm thơ chúc Tết với tinh thần hào sảng, niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, làm phấn khích, rung động trái tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Bài thơ vừa mang tính triết lý và thực tiễn; vừa là phương châm hành động cách mạng, là lời hiệu triệu, thể hiện tư tưởng, tình cảm và sự tiên đoán tài tình về ngày thống nhất đất nước đang đến gần.

Nǎm qua thắng lợi vẻ vang,
Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Bài thơ được làm theo thể lục bát (câu 6 chữ và 8 chữ), súc tích, ngắn gọn, giản dị nhưng đầy đủ ý nghĩa. Đây là một trong ba bài thơ chúc Tết được Bác viết theo thể lục bát (trước đó là bài thơ chúc Tết năm 1951 và 1954); mỗi câu, mỗi chữ chứa đựng một âm hưởng hào hùng, một khí thế thừa thắng xông lên và toát lên niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của dân tộc.

Bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu 1969, mở đầu Bác viết: “Nǎm qua thắng lợi vẻ vang,/Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to”, tổng kết lại một cách ngắn gọn thành công của năm cũ và dự đoán đầy tin tưởng cho sự thắng lợi của năm mới, năm Kỷ Dậu1969. Trước đó, Tết Mậu Thân năm 1968, hưởng ứng lời hiệu triệu của Bác trong Thơ Xuân: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”, đồng bào và chiến sĩ miền Nam đã đồng loạt Tổng tiến công và nổi dậy, giáng đòn chí mạng vào Mỹ-ngụy. Đánh giá mức độ thành công của năm 1968. Bác dùng chữ “vẻ vang” thay cho chữ “lớn lao” vừa  toát lên niềm vui, gợi nên âm điệu trữ tình, vừa ẩn ý sâu xa về sự “quang minh, chính đại” của chiến thắng. Và trên đà chiến thắng đó, Bác tiên đoán: “Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to”. Hai câu thơ mở đầu, Bác lặp lại hai lần chữ “thắng” tạo âm hưởng kéo dài, nối tiếp thời gian và cả không gian của chiến thắng. Thật ngắn gọn, súc tích nhưng toát lên niềm tin tất thắng.

Hai câu thơ tiếp theo Bác viết: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như một lời tuyên ngôn chắc nịch, hùng hồn. Trước hết, Bác nêu rõ mục đích thiêng liêng, cao cả của cuộc kháng chiến chống Mỹ - ngụy là “Vì độc lập, vì tự do” cho đất nước và hạnh phúc cho Nhân dân ta. Đây chính là hoài bão lớn lao, nguyện vọng cao cả và khát khao cháy bỏng mà Bác Hồ theo đuối suốt cả cuộc đời. Bác đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tuột bậc, đó là đất nước ta được độc lập, đồng bào ta được tự do; dân ta, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì mục đích “độc lập, tự do” thiêng liêng, cao cả mà buộc chúng ta phải “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đây là nhiệm vụ, là phương châm chiến lược đúng đắn, đầy sáng tạo của Bác Hồ và Đảng ta. Bởi trên chiến trường miền Nam còn hiện diện nửa triệu quân Mỹ và chư hầu cùng hơn 1 triệu lính ngụy, nếu chưa đánh đuổi được đội quân nhà nghề Mỹ thì ngụy quyền Sài Gòn vẫn còn sức mạnh để đối đầu với lực lượng của ta, gây tổn thất lớn cho cách mạng và mục tiêu “độc lập, tự do” sẽ khó hoàn thành. Vì vậy, phương châm “vừa đánh, vừa đàm” để Mỹ rút quân về nước trên danh dự là hết sức đúng đắn và sáng tạo mà Bác đã nêu ra. Và mỗi khi quân Mỹ đã “cút”, tất chính quyền tay sai ngụy sẽ phải bị “nhào” trước bão táp của cách mạng. Cách Bác sử dụng những động từ gây cảm giác mạnh trong một câu thơ: “đánh” (hai lần), “cút”, “nhào” vừa đắt về dùng từ, vừa hay về âm điệu, làm cho câu thơ như một lời tuyên ngôn chắc nịch, hùng hồn.

Câu kết của bài thơ chúc Tết, Bác viết: “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn!”. Động từ “tiến lên!” hàm chứa sự đoàn kết quân dân cả nước thành một khối và là lời hiệu triệu của Bác, của non sông, thôi thúc quân và dân hai miền Nam - Bắc cùng nhau xông lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước. Đây không phải lần đầu tiên Bác dùng động từ “tiến lên”, mà trước đó Bác đã dùng trong nhiều bài thơ chúc Tết khác. Kết thúc bài thơ Bác đã dự báo về ngày Nam - Bắc thống nhất đang đến gần và đối với đất nước ta, Nhân dân ta thì mùa xuân “Bắc - Nam sum họp” sẽ là mùa xuân đẹp nhất, vui nhất, chẳng có “Xuân nào vui hơn!”. Câu kết của bài thơ đã thắp sáng thêm niềm tin, niềm khát khao về ngày nước nhà hoàn toàn thống nhất, Bắc - Nam không còn chia cắt, mẹ được gặp con, vợ được gần chồng, anh em bạn bè được hội ngộ trùng phùng trong mùa xuân chiến thắng của dân tộc.

Sáu năm sau ngày Bác đi xa, thực hiện phương châm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân hai miền Nam - Bắc liên tục giành nhiều thắng lợi to lớn, năm sau thắng lợi càng to hơn năm trước. Tháng 12/1972, sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, tháng 1/1973 buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi miền Nam; rồi đến “Chiến dịch Hồ Chí Minh” đem đến mùa xuân Đại thắng năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; thực hiện trọn vẹn Di chúc và điều Bác Hồ đã tiên đoán từ mùa xuân Kỷ Dậu1969.

Bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu1969 là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác và 55 năm qua kể từ ngày đó, mỗi năm Tết đến, xuân về tuy không còn được ngóng chờ, háo hức đón nhận thơ chúc Tết của Bác Hồ, nhưng những ký ức và dư âm về những vần thơ chúc Tết của Bác vẫn còn vang vọng: “Bác ơi Tết đến. Giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/ Ríu rít đàn em vui pháo nổ/ Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân” (Tố Hữu). Và những tư tưởng, tình cảm của Bác gửi gắm trong các bài thơ chúc Tết luôn là nguồn cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước thi đua sôi nổi, hǎng hái tiến lên, hoàn thành nhiệm vụ mới.

Một mùa Xuân mới lại về, Xuân Giáp Thìn 2024, nhớ thương Bác, học tập và làm theo Bác, mỗi chúng ta cần tu dưỡng, rèn đức luyện tài, nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc như điều Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.