Nguyễn Vĩnh Nguyên và những đóng góp cho Đà Lạt qua thể loại du khảo, biên khảo

TRẦN VĂN LỘC 18:29, 04/12/2023

(LĐ online) - Nguyễn Vĩnh Nguyên được coi là một tác giả đa năng và có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học và truyền thông. Bên cạnh là một nhà báo, nhà văn, Nguyễn Vĩnh Nguyên còn là một nhà khảo cứu trong thể loại du khảo và biên khảo.

Những tác phẩm du khảo, biên khảo về Đà Lạt của Nguyễn Vĩnh Nguyên
Những tác phẩm du khảo, biên khảo về Đà Lạt của Nguyễn Vĩnh Nguyên

Anh đã tiết chế cảm xúc cá nhân và tuân thủ các nguyên tắc và phương pháp để đi đến những khám phá và sự nghiêm cẩn trong học thuật. Trong lĩnh vực du khảo và biên khảo, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã đóng góp vào việc nghiên cứu và giới thiệu văn hóa, xã hội, và các vấn đề khác liên quan đến cuộc sống hiện đại. Việc Nguyễn Vĩnh Nguyên kết hợp giữa vai trò nhà văn, nhà báo và nhà khảo cứu đã tạo ra sự đa chiều và giàu tính sáng tạo trong công việc của anh.

Trong số những người viết văn học phi hư cấu về các địa phương, Nguyễn Vĩnh Nguyên có một vị trí đặc biệt, sự đặc biệt đó không xuất phát từ số lượng tác phẩm mà đến từ sự độc đáo của những thực hành viết. Xuất phát là một nhà văn viết tự sự hư cấu, trước khi dấn thân vào đề tài lịch sử đô thị, Nguyên đã có 6 tập truyện ngắn và 4 tập tản văn, tiểu luận. Tuy vậy, Nguyễn Vĩnh Nguyên không phát triển tiểu luận của mình theo hướng trở thành người viết tản văn như Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà hay, trên một phương diện, Nguyễn Trương Quý. Tản văn chỉ như một phác thảo sơ khởi về mặt tinh thần của anh. Nó mang tính cách trữ tình nhiều hơn ghi chép phong tục và mang tính triết lí nhiều hơn tính tự sự (rất khác với Nguyễn Việt Hà) và cũng không mang hình thái của những tiểu luận về chuyển đổi xã hội (kiểu Nguyễn  Trương Quý). Đúng nghĩa là những ghi chép cô đọng, tất cả các văn bản trong tập Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách.

Và rất nhanh, Nguyễn Vĩnh Nguyên chọn biên khảo làm công cụ để thực hiện những khám phá của anh về lịch sử đô thị, đặc biệt là đô thị Đà Lạt - cái nơi đã mang lại cho tác giả nhiều kỷ niệm đẹp thời tuổi trẻ. 

Nếu như tác phẩm đầu tiên trong mạch thể loại này, Đà Lạt một thời hương xa (2016) được anh định danh thể loại là “du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975” thì đến hai tác phẩm tiếp theo, Đà Lạt bên dưới sương mù: đô thị Đà Lạt 1950 - 1975 (2019) và Đà Lạt những cuộc gặp gỡ (2021) đều được định danh là những “biên khảo”.  Tác giả chia sẻ, mình không mắc nợ nơi chốn nào và cũng không ai bắt anh phải dấn thân cho cuộc “hành xác” chữ nghĩa. Chỉ đơn giản, viết là một trong những cuộc du hành giữa cuộc đời mà anh đã lựa chọn và đến thời điểm này, Nguyên khẳng định là đang còn thú vị. Trên cuộc du hành văn hóa, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dùng một vài phương tiện, lúc là tiểu thuyết, khi truyện ngắn, thơ, tạp bút… và bây giờ là những tập biên khảo.

Công việc du khảo, biên khảo khiến Nguyễn Vĩnh Nguyên phải giữ một khoảng lùi với thực tế. Thử mình trong nhiều thể loại, anh cảm giác như mình bị lạc trong một Đà Lạt trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại. Nói về công việc biên khảo, Nguyễn Vĩnh Nguyên khẳng định, đó là trách nhiệm với sự hiểu biết của mình về một thành phố. Anh cho hay: “Tôi muốn nhìn Đà Lạt không phải thông qua hiện tại, không phải thông qua một giai đoạn cắt khúc của lịch sử, mà là thông qua thời gian, thông qua rất nhiều giai đoạn khác nhau. Tôi cũng muốn đưa cách tiếp cận như vậy đến với nhiều người, để họ hiểu nhiều hơn về thành phố này, để họ có đủ sự gắn bó với Đà Lạt”.

Qua ba cuốn biên khảo, Nguyễn Vĩnh Nguyên chọn lối viết điềm đạm, không bay bổng như tản văn, nhưng cũng không quá khe khắt và khô khan như những công trình khoa học; sử liệu và văn chương đã tìm thấy điểm gặp gỡ. Có cảm giác là nếu cần kể tiếp những câu chuyện mới về Đà Lạt xưa, anh vẫn sẽ kể thêm được, bằng tình yêu đã không còn vồ vập như trong tản văn đầu tiên, mà trở nên bền vững, như là trong hơi thở. Anh đã không còn là lữ khách, mà là một thị dân của thành phố này, sau ngần ấy năm gắn bó, kiếm tìm nhọc công. Điều đặc biệt là dù viết tùy bút hay du khảo, biên khảo, ngay cả khi đối diện với những đòi hỏi nghiêm ngặt của thể văn khảo cứu, Nguyễn Vĩnh Nguyên vẫn luôn giữ được cái mà anh tự gọi là “nhạc tính hoài cảm tinh tế”, thứ “không gian cảnh quan ngôn ngữ”, thứ văn phong đặc biệt, phần quan trọng làm nên điều mà chính anh tự nhận là mặc khải mà thành phố đã hé lộ trong anh. Nói về công việc mình làm, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ đơn giản Đà Lạt mang một vẻ đẹp treo lơ lửng trước mắt chúng ta mà không bao giờ mình định nghĩa nổi… Thành phố còn rất nhiều điều cuốn hút, làm cho mình cảm thấy còn bị hấp dẫn, hút vào và đào sâu tìm hiểu. Nhưng để sống với một thành phố, không chỉ cần tình yêu mà còn cần trách nhiệm, sự gắn bó mang tính lý tính. Biên khảo là sự gắn bó lý tính hơn là tình yêu. Công việc lần về quá khứ, suốt ngày rị mọ với chồng hồ sơ… bắt nguồn từ chính sự thắc mắc, muốn hiểu, muốn đi sâu vào đời sống, tâm thức của một thành phố, đã đưa tôi vào một hành trình đầy những câu hỏi cũng cần một phương pháp lý tính để trả lời. 

Những năm gần đây, câu chuyện về quy hoạch Đà Lạt luôn là chủ đề nóng với những ai quan tâm đến thành phố này. Người ta sợ rằng, sự quy hoạch quá đà sẽ làm mất đi những giá trị còn lại rất ít ỏi của Đà Lạt. Và thật trùng hợp, những tập biên khảo của Nguyễn Vĩnh Nguyên thường ra đời vào những thời điểm dư luận đang xôn xao về Đà Lạt đó. Tác giả chia sẻ: “Tôi mong tập biên khảo phần nào định hình cái nhìn của chúng ta về Đà Lạt trong lịch sử. Thông qua cái nhìn đó, ta có một bài học tham chiếu cho hiện tại, chọn đường phát triển sao cho hài hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai”.

Xuất phát từ tình yêu và sự gắn bó với Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên bỏ tâm sức ra tìm kiếm và thực địa chỉ để lưu giữ lại phần nào đó những giá trị của Đà Lạt, những giá trị mà anh coi là “hương xa” của thành phố này với quán cà phê xưa, những âm hưởng mơ màng trong thủa sương mù hay những cuộc gặp gỡ. Cứ thế, người đọc như chìm vào một thế giới khác. Cộng hưởng với quan điểm của tác giả, người đọc trong quá trình đồng sáng tạo tự vẽ nên một Đà Lạt cho riêng mình. Suy cho cùng, việc gìn giữ những giá trị cốt lõi của một thành phố chẳng phải là gìn giữ tâm hồn của những người sống trong thành phố này hay sao?

Có thể nói rằng, bộ ba biên khảo của Nguyễn Vĩnh Nguyên không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của Đà Lạt mà còn đem đến những thông tin giá trị cho các nhà quản lý tham khảo và suy ngẫm…

Tất cả những điều đó cho thấy rằng, chính nhờ sự công phu và nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học và thực địa, Nguyễn Vĩnh Nguyên không chỉ có những tác phẩm của riêng mình, mà từ đó còn đưa đến nhiều kiến thức cho độc giả, để cả độc giả và những người quản lý có cái nhìn sâu hơn về thành phố này, từ đó có cách ứng xử hợp lý hơn để gìn giữ và phát triển Đà Lạt với nhiều giá trị cốt lõi vốn có sau 130 năm hình thành và phát triển.