Bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số

THANH DƯƠNG HỒNG 06:15, 27/02/2023

Tác động của cuộc sống hiện đại đã làm một số phong tục, tập quán, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa mai một. Trước thực trạng này, nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS địa phương. 

 

CÔNG TÁC QUẢN LÝ VĂN HÓA

Theo thống kê, trong cộng đồng các DTTS hiện còn lưu giữ số di sản văn hóa, nhất là các lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa truyền thống. Song, một số lễ hội có tính cấu kết cộng đồng cao đã dần mai một, cần phục dựng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc bản địa.

Về văn hóa phi vật thể, hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa khá đặc sắc; đó là văn hóa cồng chiêng, trường ca, chuyện kể, sử thi, dân ca (yal yau), dân vũ… Đặc biệt, hệ thống các lễ hội còn khá phong phú, biểu thị sự đa dạng về tín ngưỡng đa thần của các tộc người DTTS gốc Tây Nguyên như: Lễ mừng lúa mới; lễ xin tuốt lúa; lễ đặt tên cho đứa trẻ mới sinh của người Mạ; lễ cúng các vị thần nông nghiệp; đặc biệt, lễ cúng bến nước là lễ hội tâm linh quan trọng nhất của các tộc người K’Ho, Chu ru…

Về văn hóa vật thể, toàn tỉnh có 37 di tích được xếp hạng; trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh; 14 di tích danh lam thắng cảnh và 2 di tích lịch sử cách mạng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh: Di tích Quốc gia đặc biệt Cát Tiên, Di tích lịch sử Quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Di tích lịch sử kháng chiến Khu VI… đã được đầu tư tôn tạo, khai thác hoạt động. UBND tỉnh đã lập dự án trình Bộ VHTTDL phê duyệt hồ sơ quy hoạch 5 di tích: Thung lũng Tình Yêu, thác Prenn, thác Đatanla, hồ Tuyền Lâm, hồ Xuân Hương - Đà Lạt; đã lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt khảo cổ Cát Tiên gắn với phát triển du lịch đến năm 2030...

NỖ LỰC CỦA CHÍNH QUYỀN VÀ NGÀNH VHTTDL

Trước nay, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng rất quan tâm công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”; Đề án“Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2022, định hướng đến năm 2030”; lập Đề án trình Bộ VHTTDL công nhận “Làng văn hóa dân tộc Chu ru” (tại xã Pró - huyện Đơn Dương), kinh phí đầu tư xây dựng hơn 7 tỷ đồng…

Thông qua các đề án được phê duyệt, Sở VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, đầu tư cho cơ sở. Trong đó, phối hợp với chính quyền và Phòng Văn hóa - Thông tin các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng việc quản lý, bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa, các danh lam phục vụ du lịch… Qua đó, kịp thời chấn chỉnh tình trạng các doanh nghiệp nhận quản lý, khai thác các danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch nhưng thiếu đầu tư, hoạt động kém hiệu quả; ngăn chặn tình trạng xâm hại, xuống cấp một số di tích… 

Thực hiện Đề án của Chính phủ về Hỗ trợ phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS, các năm gần đây, Sở VHTTDL đã đầu tư phục dựng 10 lễ hội tiêu biểu của đồng bào các DTTS bản địa đã mai một như: Lễ Pơthi (của người Chu ru và người K’Ho ở huyện Đức Trọng), lễ Nhô Wèr (của người K’Ho nhóm Srê ở huyện Di Linh), lễ Bok Chu-bur (của người Chu ru ở huyện Đơn Dương); nghi thức cúng lúa rẫy của người Mạ ở Bảo Lâm; lễ Nhô rơhe (mang lúa về kho của người K’Ho ở huyện Lâm Hà); lễ cưới của người K’Ho huyện Lạc Dương... 

Tháng 12/2022, thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, gắn với phát triển du lịch”, Sở VHTTDL đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng phục dựng và bảo tồn 2 làng truyền thống của người K’Ho tại huyện Lạc Dương và huyện Di Linh. Đây là những địa phương có nhiều DTTS bản địa sinh sống lâu đời, còn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống...
Bên cạnh đó, ngành VHTTDL còn triển khai nhiều hoạt động phong phú, nhằm giáo dục ý thức của cộng đồng các DTTS trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là thế hệ trẻ. Hằng năm, Sở VHTTDL tổ chức Lễ hội văn hóa cồng chiêng toàn tỉnh (nay là “Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS”). Tại ngày hội, UBND tỉnh đã trao danh hiệu Nghệ nhân cho những người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các DTTS; lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý. Đến nay, Lâm Đồng có 59 nghệ nhân cấp tỉnh đã được tỉnh công nhận; 15 nghệ nhân ưu tú đã được Chủ tịch nước phong tặng.

Những năm qua, Sở VHTTDL còn chú trọng tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng tại các xã, huyện có đông người K’Ho, Mạ, Chu ru sinh sống. Đến nay, đã tổ chức hơn 100 lớp dạy cồng chiêng, thu hút gần 2.000 nam, nữ thanh, thiếu niên các DTTS tham gia. Hiện, toàn tỉnh có hơn 100 đội, nhóm cồng, chiêng hoạt động; có 5 đội nhóm chiêng phục vụ du lịch tại các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai, Đơn Dương; toàn tỉnh duy trì hoạt động có hiệu quả 16 đội, nhóm cồng chiêng thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách tại các điểm tham quan của Lạc Dương, Đà Lạt, Đức Trọng, Đạ Huoai… Cũng từ nguồn kinh phí của đề án, Sở VHTTDL đã cấp 30 bộ cồng chiêng, 120 bộ trang phục truyền thống các DTTS cho các đội, nhóm cồng chiêng tại các huyện. Đặc biệt, huyện Đạ Huoai cũng đã mua, cấp các dụng cụ sinh hoạt văn hóa và 9 bộ cồng, chiêng cho 9 tổ dân phố vùng đồng bào DTTS…

Với sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS, tin rằng văn hóa các DTTS bản địa Lâm Đồng sẽ được khôi phục và phát triển mạnh trong những năm tới.