Ngăn chặn làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc

04:11, 30/11/2022
Thời gian qua, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc trong hệ thống y tế công lập diễn ra trên cả nước. Ngành Y tế Lâm Đồng cũng xảy ra tương tự và đang thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai một số giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.
 
Nhân viên y tế đưa vắc xin phòng Covid-19 vào vùng sâu Liêng Srônh (Đam Rông) để tiêm chủng cho người dân
Nhân viên y tế đưa vắc xin phòng Covid-19 vào vùng sâu Liêng Srônh (Đam Rông) để tiêm chủng cho người dân
 
CHẤP NHẬN BỒI THƯỜNG KINH PHÍ ĐÀO TẠO ĐỂ RA ĐI
 
Trong tháng 11/2022, xét hoàn cảnh của cá nhân và đề nghị của các đơn vị, căn cứ kết quả cuộc họp giữa Sở Y tế, Sở Tài chính và Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng về việc xem xét, cho ý kiến đề xuất giải quyết đơn xin nghỉ việc đối với bác sĩ, dược sĩ đào tạo theo địa chỉ sử dụng và cử tuyển, Sở Y tế tỉnh thống nhất và đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết đối với 4 trường hợp được bồi hoàn kinh phí đào tạo của ngân sách nhà nước để nghỉ việc hợp thức hoá gia đình. UBND tỉnh đã chấp thuận giải quyết cho 4 trường hợp này (1 dược sĩ và 3 bác sĩ) đã công tác tại Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi và Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương. 
 
Trước đó, Sở Y tế Lâm Đồng cũng đã hoàn thành các thủ tục giải quyết bồi thường kinh phí đào tạo đối với 1 bác sĩ hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng và trường hợp này đã nộp hơn 592 triệu đồng vào Kho bạc nhà nước để nghỉ việc.
Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cũng nhận được văn bản đề nghị của Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, đề nghị các đơn vị trong ngành không tiếp nhận, ký hợp đồng, tuyển dụng đối với trường hợp 1 bác sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành Gây mê hồi sức được đào tạo theo Dự án 585 của Bộ Y tế. Tương tự, Sở Y tế Lâm Đồng cũng gởi văn bản đến các cơ sở y tế trong cả nước đề nghị không tuyển dụng trường hợp bác sĩ, dược sĩ trong ngành nghỉ việc vì đã vi phạm hợp đồng về thời gian phục vụ tại địa phương, không bồi hoàn kinh phí đào tạo từ chương trình đào tạo sử dụng nguồn ngân sách tỉnh.
 
Thống kê từ năm 2020 đến 30/6/2022, ngành Y tế Lâm Đồng có 227 người nghỉ việc; trong đó có 49 bác sĩ, 63 điều dưỡng, 14 kỹ thuật y, 11 dược và 90 người thuộc các chuyên ngành khác. Nhân viên y tế nghỉ việc ở tuyến tỉnh 44%, tuyến huyện 36%, tuyến xã 20%; chủ yếu là điều dưỡng (chiếm 27,8%), bác sĩ (21,5%), dược (4,8%), kỹ thuật y (6,2%); chuyên môn khác 39,7%; độ tuổi nghỉ việc dưới 35 tuổi (chiếm 51%), từ 35 - 50 tuổi (36,5%); trên 50 tuổi (12,5%). Nguyên nhân viên chức, người lao động xin thôi việc là do áp lực công việc, thu nhập thấp, môi trường độc hại, nguy hiểm, hợp thức hóa gia đình, hoàn cảnh gia đình…
 
CẦN CÓ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH HỢP LÝ
 
Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Sở Y tế Lâm Đồng đã rà soát, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo hướng giảm bộ phận trung gian, gián tiếp và bộ phận hành chính không cần thiết. Theo đó, từ năm 2016 - 2020, toàn ngành Y tế Lâm Đồng đã cắt giảm 474 trường hợp. Nếu tiếp tục thực hiện việc cắt giảm cơ học số lượng người làm việc, trong khi dân số của tỉnh ngày càng tăng, nhu cầu khám, chữa bệnh tăng đòi hỏi ngày càng phải nâng cao chất lượng, phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu phải cử người đi đào tạo và bố trí đủ nhân lực để thực hiện các kỹ thuật này thì số lượng vị trí việc làm không bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ được giao. Sau khi tổng hợp nhu cầu các đơn vị trong ngành, Sở Y tế Lâm Đồng đề xuất với Sở Nội vụ tỉnh về nhu cầu đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế giai đoạn 2023- 2030, với những con số cụ thể. 
 
Những năm qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chi trả kịp thời các chế độ tiền lương, tiền công và các loại phụ cấp (nếu có) theo quy định của pháp luật cho công chức, viên chức và người lao động. Thực hiện chế độ cho nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19. 
 
Sở Y tế tỉnh cũng thường xuyên quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế vào buổi làm việc trực tiếp tại các đơn vị hoặc sinh hoạt, hội nghị công chức, viên chức và người lao động cuối năm hoặc lấy phiếu khảo sát ý kiến của nhân viên y tế theo mẫu của Bộ Y tế hướng dẫn khảo sát sự hài lòng người bệnh và nhân viên y tế. Qua đó, ghi nhận nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc do thu nhập thấp. Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng), bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, tại đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương là 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40%, mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp BHXH, BHYT). 
 
Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, không còn phê duyệt kinh phí đào tạo từ nguồn nhân lực của tỉnh, kinh phí đào tạo chủ yếu từ nguồn tự túc của cá nhân và tự chủ của đơn vị. Từ năm 2017 - 2022, có 1.345 trường hợp được Sở Y tế Lâm Đồng phê duyệt đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị… từ nguồn tự túc của cá nhân và tự chủ của các đơn vị. Một số đơn vị rất khó khăn về kinh phí trong việc cử nhân viên tham gia các khóa đào tạo, trong khi để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn thì đa số bác sĩ, dược sĩ phải được tiếp tục đào tạo để đạt trình độ chuyên khoa, chuyên sâu.
 
Toàn ngành Y tế Lâm Đồng chỉ có 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng) có chế độ hỗ trợ bằng nguồn của đơn vị. Các đơn vị còn lại không có bất kỳ chế độ hỗ trợ nào.
 
Để động viên kịp thời và khắc phục một phần khó khăn của nhân viên y tế trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt cho Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng tham mưu xây dựng Nghị quyết về chế độ hỗ trợ một lần đối với bác sĩ tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh về công tác tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã của địa phương và hỗ trợ phụ cấp tăng thêm hàng tháng cho công chức, viên chức, người lao động. 
 
AN NHIÊN