Lạc Dương gặp khó trong xử lý nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp

07:11, 17/11/2022
Huyện Lạc Dương hiện có hơn 24 ha nhà kính, nhà lưới của 103 hộ dân và 6 công ty, chủ yếu nằm trên diện tích thuê đất, thuê rừng của các công ty, doanh nghiệp (chiếm gần 19 ha), trong đó diện tích nhà kính 23,78 ha; diện tích nhà lưới 0,63 ha. Tính đến 30/10, huyện Lạc Dương mới chỉ xử lý được 65% diện tích nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp… 
 
Thời gian qua, diện tích nhà kính trên địa bàn huyện Lạc Dương phát triển nhanh, chỉ đứng sau TP Đà Lạt
Thời gian qua, diện tích nhà kính trên địa bàn huyện Lạc Dương phát triển nhanh, chỉ đứng sau TP Đà Lạt
 
Theo số liệu tổng hợp, đến thời điểm này, trong số hơn 24 ha nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp, địa phương đã xử lý, tháo dỡ được 4,67 ha. Diện tích nhà kính đã tháo dỡ chủ yếu nằm trên lâm phần thuộc các đơn vị chủ rừng của nhà nước và một phần nhỏ trên diện tích do các doanh nghiệp quản lý. Số còn lại hơn 10 ha, tạm thời địa phương chưa xử lý vì doanh nghiệp đang có đơn trình cấp thẩm quyền xin được tồn tại, trong đó 5,41 ha của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp WinEco; 1,72 ha của Công ty TNHH Thành Phong (đang thực hiện theo Kết luận của Thanh tra tỉnh do phải thực hiện theo bản án của Tòa án); 3,19 ha có hiện trạng là đất nông nghiệp theo bản đồ kiểm kê hiện trạng thời điểm bàn giao các doanh nghiệp, công ty quản lý. Riêng diện tích còn lại cần xử lý là 9,42 ha thuộc đất người dân sản xuất nông nghiệp ổn định từ lâu trên đất quy hoạch lâm nghiệp.  
 
Lãnh đạo huyện Lạc Dương cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo, giao UBND các xã, thị trấn Lạc Dương chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát các diện tích nhà kính, nhà lưới trên diện tích đất lâm nghiệp nằm trên địa giới hành chính quản lý để tổ chức xử lý, tháo dỡ. Trước mắt, vận động chủ sử dụng tự tháo dỡ trong thời hạn không quá 60 ngày. Trường hợp, nếu người dân không tự giác sẽ tổ chức cưỡng chế buộc khắc phục trả lại nguyên trạng ban đầu. 
 
Cùng với đó, UBND huyện Lạc Dương còn ban hành quyết định thành lập Tổ Công tác do đồng chí Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện làm tổ trưởng triển khai công tác xử lý diện tích nhà kính, nhà lưới, công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp tại địa bàn. Trong đó, chú trọng vào khu vực dọc theo trục đường ĐT.723 (QL 27C) để sử dụng đất đúng mục đích cho mục tiêu phát triển rừng. Quan điểm của UBND huyện Lạc Dương, diện tích đất lâm nghiệp sau khi tháo dỡ nhà kính, nhà lưới, công trình xây dựng chỉ được sử dụng để lại trồng rừng, trồng cây nông nghiệp, trồng hoa ngoài trời kết hợp trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích theo Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. 
 
Tuy nhiên, theo cán bộ của Tổ Công tác xử lý nhà kính của huyện, hiện nay địa phương đang gặp một số vướng mắc với số diện tích nhà kính, nhà lưới đã tồn tại từ lâu, các hộ dân đã sản xuất ổn định, người dân chưa quen với hoạt động sản xuất ngoài trời dẫn tới việc vận động các hộ tự nguyện tháo dỡ gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình vận động, một số hộ dân không hợp tác, né tránh, Đoàn Kiểm tra liên hệ nhiều lần, nhưng các hộ dân không có mặt tại vườn. Chưa kể việc đầu tư nhà kính khá tốn kém dẫn tới việc cưỡng chế, tháo dỡ cũng cần thực hiện theo đúng trình tự pháp luật nên mất rất nhiều thời gian. 
 
Đối với việc xử lý phần diện tích nhà kính, nhà lưới trên lâm phần các công ty, doanh nghiệp được UBND tỉnh giao đất, giao rừng để đầu tư dự án còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi vi phạm xảy ra trong thời gian dài nhưng các công ty, doanh nghiệp không lập hồ sơ vi phạm dẫn tới khó khăn trong quá trình xử lý. Trong đó, phần diện tích nhà kinh của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp WinEco, doanh nghiệp này đang có văn bản gửi UBND tỉnh xin được tồn tại; còn phần diện tích nhà kính trên lâm phần của Công ty TNHH Thành Phong thì đang được thực hiện theo kết luận của Thanh tra tỉnh nên lực lượng chức năng của huyện phải tạm ngưng để xin ý kiến của Thanh tra tỉnh do phải thực hiện bản án của Toà án. Đối với một số diện tích nhà kính, nhà lưới còn lại của người dân đã sản xuất ổn định từ lâu, thời điểm kiểm kê để giao đất cho các doanh nghiệp quản lý đã có hiện trạng là đất sản xuất nông nghiệp nên việc xử lý cũng đang gặp khó khăn rất nhiều.
 
Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm diện tích nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp, UBND huyện Lạc Dương đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động và củng cố hồ sơ đến từng vị trí cụ thể. Phân công cán bộ trực tiếp kiểm tra, tuyên truyền, vận động, đôn đốc các hộ tự nguyện tháo dỡ diện tích nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp. Đối với các hộ dân đã có cam kết tháo dỡ sau khi thu hoạch nông sản, các địa phương phải theo dõi, đôn đốc các hộ dân thực hiện. Riêng UBND xã Đạ Sar và thị trấn Lạc Dương khẩn trương có văn bản gửi cho người dân ở xa đề nghị tự tháo dỡ phần diện tích nhà kính, nhà lưới, công trình trên đất lâm nghiệp.
 
THỤY TRANG