Tập trung khôi phục diện tích rừng sau giải tỏa

06:10, 27/10/2022
UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án trồng rừng sau giải tỏa với số tiền trên 19 tỷ đồng để đầu tư trồng mới, khôi phục hơn 236 ha đất rừng trong năm 2022. 
 
Trồng lại rừng trên diện tích rừng bị lấn chiếm tại TK 122, xã Đạ Chais, Lạc Dương
Trồng lại rừng trên diện tích rừng bị lấn chiếm tại TK 122, xã Đạ Chais, Lạc Dương
 
Dự án trên thuộc Đề án tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án Khôi phục, phát triển rừng Lâm Đồng). Với mục tiêu, trồng lại rừng trên diện tích đất sau giải tỏa để đảm bảo độ che phủ, phát huy chức năng, hiệu quả phòng hộ của rừng. Tránh tái lấn chiếm đất lâm nghiệp; tạo việc làm, thu nhập cho người dân trong khu vực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại đơn vị chủ đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. 
 
Về quy mô và vốn đầu tư của dự án, các chủ đầu tư sẽ tổ chức trồng lại rừng sau giải tỏa ngay trong năm 2022 trên diện tích 236,46 ha và tiến hành chăm sóc rừng trồng các năm bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh với số tiền gần 19,2 tỷ đồng (từ nguồn vốn đầu tư công thuộc Đề án Khôi phục, phát triển rừng Lâm Đồng). Trong đó, trồng thông 3 lá (cây giống thông 3 lá - Pinus kesiya, 1 năm tuổi), mật độ 2.200 cây/ha, trên diện tích hơn 220 ha; dầu rái (cây giống Dipterocapus alatus Roxb, 2 năm tuổi), 833 cây/ha trên diện tích 4,54 ha. Diện tích còn lại được trồng sao đen, dầu rái, keo lai 11,53 ha. Các chủ đầu tư dự án là 13 ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp trên địa bàn. Trong đó, đơn vị có diện tích trồng lại rừng sau giải tỏa nhiều nhất là Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương), với diện tích 56,26 ha rừng thông 3 lá tại các Tiểu khu 116, 118, 143, 144A, 95, 97, 122, 227A, 110 nằm trên địa bàn 3 xã dọc tuyến Quốc lộ 27C gồm Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais và xã Lát. Kế đến là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung (đơn vị quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn TP Đà Lạt và một phần của huyện Lạc Dương), sẽ thực hiện trồng, khôi phục 38,83 ha rừng sau giải tỏa tại các Tiểu khu 160A (xã Tà Nung), tiểu khu 148B, 159B (Phường 5), tiểu khu 148A, 149 (Phường 7, TP Đà Lạt) và Tiểu khu 225, 226, 227B, 228 (xã Lát, Lạc Dương)… 
 
Theo Đề án Khôi phục, phát triển rừng Lâm Đồng, những năm qua, mặc dù thường xuyên được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phát triển rừng, nhưng công tác QLBVR, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn chưa được triển khai đồng bộ; chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Tính hiệu quả trong vận dụng các chính sách về quản lý đất lâm nghiệp chưa cao; có nơi còn thiếu trách nhiệm, thậm chí buông lỏng và còn nhiều sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và đất rừng.
 
Trong thời gian tới, Lâm Đồng sẽ đề ra hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác QLBVR phải mang tính đồng bộ, chặt chẽ, thiết thực và khả thi; khi triển khai thực hiện phải đảm bảo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định liên quan, vừa phù hợp với điều kiện và năng lực thực tế tại địa phương, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, khai thác và vận dụng các chính sách có hiệu quả để ổn định sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng chung của tỉnh gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái của cả vùng Tây Nguyên. 
 
Đề án Khôi phục, phát triển rừng Lâm Đồng cũng đặt ra mục tiêu triển khai thực hiện các bước phải đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn, theo lộ trình và có hiệu quả trong công tác QLBVR, được Nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ và tham gia. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp; đồng thời khôi phục và phát triển rừng bền vững trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, diện tích đất lâm nghiệp chưa thành rừng theo hướng vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa cải thiện môi trường và tăng tỷ lệ che phủ rừng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, giảm thiểu tác động ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
 

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác trồng rừng sau giải tỏa theo nội dung dự án đã được tỉnh phê duyệt. Đồng thời, yêu cầu 13 đơn vị chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện kế hoạch trồng, chăm sóc rừng trồng sau giải tỏa có hiệu quả.

 
THỤY TRANG