Đà Lạt: Thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

06:10, 26/10/2022
Phường 2, TP Đà Lạt đã được Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên - Môi trường chọn thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Chương trình thí điểm bắt đầu từ tháng 7/2022 và sẽ kết thúc trong cuối năm 2022.
 
Bà Phan Thị Lan với thùng rác 3 màu được cấp để phân loại rác thải sinh hoạt
Bà Phan Thị Lan với thùng rác 3 màu được cấp để phân loại rác thải sinh hoạt
 
•  SẠCH AI CŨNG THÍCH
 
Chỉ vào chỗ đặt thùng rác 3 ngăn với 3 màu xanh, vàng, đỏ cam nổi bật trong góc bếp, bà Phan Thị Lan, số nhà 28A, đường Nguyễn Lương Bằng, Phường 2 tươi cười: “Đây là thùng rác được phường cấp, trong khu phố nhà ai cũng được cấp hết”. Bà cho biết, trước đây, gia đình bà có thùng riêng để thu gom tất cả các loại rác thải, khi thùng đầy đến tối gia đình mang ra thùng rác công cộng gần đó để bỏ vào, có lúc đựng rác bằng bao ni lông, khi đầy cột miệng lại mang ra thùng. Gần đây, gia đình bà cùng với người dân trong tổ dân phố đã được phường mời đi tập huấn về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Theo bà Lan, thùng rác 3 màu này rất dễ phân biệt khi bỏ rác vào. Màu xanh dành cho rác thực phẩm, rác hữu cơ; màu vàng cho các loại rác khác; màu đỏ cam cho chai nhựa, giấy tái chế. “Có dán chữ trên thùng nhưng màu sắc cũng dễ nhận biết, làm vài lần là quen, các cháu nhỏ trong nhà nay cũng biết bỏ rác từng loại đúng vào các thùng”, bà nói.
 
Tuy nhiên, theo bà Lan, với thùng rác 3 màu được cấp này, ngăn chứa rác hữu cơ cơ bản đủ dùng, còn ngăn chứa rác tái chế hơi nhỏ. “Các chai nhựa dùng xong chiếm khá nhiều thể tích, nên chỉ vài chai là đầy, nhà tôi bán quán tạp hóa, lượng rác thải tái chế hằng ngày có lúc nhiều nên phải dùng thêm một bao để đựng rác tái chế riêng mới đủ”.
 
Theo bà Lan, mọi người trong tổ dân phố nơi đây đều hưởng ứng tích cực với chương trình phân loại rác này. “Để được sạch sẽ nhà cửa đường phố thì ai ai cũng thích chứ đâu riêng gia đình tôi”, bà nói. Theo bà, khu phố thông báo xe rác sẽ đi thu gom rác thải sinh hoạt hằng ngày, thứ Bảy thu gom rác tái chế. “Chúng tôi chỉ mong xe rác thu gom đúng giờ để gom rác thải sinh hoạt trong nhà vì nhiều gia đình có nhà nhỏ để lâu trong nhà không được vì có mùi. Tôi cũng thường bảo con cháu trong nhà không được vứt rác ra đường, bỏ rác đúng chỗ để góp phần cho một thành phố du lịch sạch đẹp”, bà Lan nói.
 
•  TRIỂN KHAI RỘNG TẠI ĐÀ LẠT 
 
Là phường trung tâm TP Đà Lạt, Phường 2 hiện có 4.068 hộ dân, trên 16 nghìn người sinh sống, đó là chưa kể số người dân đến thuê trọ, buôn bán, làm việc hằng ngày. Đây là địa phương duy nhất trong tỉnh Lâm Đồng được Tổng cục Môi trường chọn thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn với tên gọi đầy đủ của chương trình này là Dự án “Xây dựng mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy”. Chương trình được bắt đầu tại Phường 2 từ ngày 23/7/2022 và kéo dài cho đến hết tháng 12/2022 sẽ chấm dứt. 
 
Ông Bùi Tuấn Cường - Phó Chủ tịch UBND Phường 2 cho biết, chương trình đã bắt đầu triển khai trên địa bàn ngay từ tháng 3/2022. Từ tháng 3 đến tháng 6/2022, Phường đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường thuộc Tổng cục Môi trường tập huấn cho toàn bộ người dân trên địa bàn. 
 
“Toàn phường được chia thành 3 địa điểm, lần lượt mời tất cả các hộ dân trong khu vực đến tập huấn với các tập huấn viên từ Tổng cục Môi trường. Đến tháng 6/2022 cơ bản đã tập huấn xong cho toàn bộ người dân trong phường”, ông Cường cho biết.
 
Đồng thời với tập huấn, Tổng cục đã kết hợp với UBND Phường 2 để phát thùng rác cho tất cả các hộ dân trên địa bàn. Đến nay đã phát được trên 3.800 thùng rác tới các hộ dân. Cùng đó, Dự án cũng cấp 144 thùng rác loại lớn, có nắp đậy, dung tích 660 lít, đặt tại các điểm thu gom rác trên địa bàn phường. 
 
Về phía UBND phường, theo ông Cường, đã phối hợp với Mặt trận và đoàn thể tại địa phương tổ chức vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn. “Theo chỉ đạo của thành phố, phường đã thành lập tổ giám sát cộng đồng, bao gồm các tổ trưởng dân phố, trưởng các ban, ngành, đoàn thể trong phường với trên 36 người. Phường cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức cần làm gương trong phân loại rác thải tại cộng đồng”, ông Cường cho biết.
 
Thông qua công tác giám sát, kiểm tra, đến nay, người dân trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng chương trình thí điểm phân loại rác này. “Người dân thông qua tập huấn đã bày tỏ sự đồng thuận vì thấy rõ lợi ích của chương trình. Không ít nơi các tổ trưởng dân phố đã đến từng nhà dân để vận động bỏ rác đúng giờ, đúng chỗ, nên trên địa bàn phường đến nay đã sạch hơn nhiều”, ông Cường cho biết. 
 
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, chậm nhất đến 31/12/2024, các địa phương trong nước phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo nguyên tắc: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. 
 
Đồng thời với việc phân loại rác thải sinh hoạt là việc xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân. Giá dịch vụ này phải được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
 
Chính vì vậy, mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản đề nghị TP Đà Lạt quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn của Tổng cục Môi trường triển khai chương trình thí điểm hiệu quả trên địa bàn Phường 2; tích cực vận động người dân cùng tham gia, từ đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh những nội dung cần thiết để nhân rộng mô hình này trên toàn Đà Lạt một cách hiệu quả trong thời gian đến.
 
VIẾT TRỌNG