''Săn'' dơi mùa hồng

06:10, 12/10/2022
Khi những trái hồng Chín Nên, Trứng Lửa,... tại thị trấn D’ran (huyện Đơn Dương) và một số khu vực thuộc TP Đà Lạt vào chính vụ cũng là lúc loài dơi chuột bắt đầu mùa ăn trái.
 
Những chú dơi về ăn hồng chín bị dính bẫy lưới người dân mắc trong đêm
Những chú dơi về ăn hồng chín bị dính bẫy lưới người dân mắc trong đêm
 
Ông Nguyễn Văn Hào (68 tuổi), một nông dân chính hiệu tại phố núi D’ran chia sẻ, dơi rất thích ăn hồng chín, đặc biệt là loài dơi chuột. Ngay từ khi trái hồng chớm vào vụ từ đầu tháng 9 hằng năm, bắt đầu từ hồng Chín Nên, Quế Hương, Trứng Lửa, Tư Khiết, Trứng Đá,... thì lũ dơi không rõ từ đâu kéo về bắt đầu thưởng thức "bữa tiệc" của chúng. Một số người dân nơi đây còn gọi vui mùa hồng cuối vụ là mùa đuổi dơi, “săn” dơi.
 
Qua quan sát, ông Hào nhận thấy dơi về nhiều nhất là khi các vườn hồng đã thu hoạch vãn, chỉ còn lẻ tẻ vài chục vườn cuối vụ hay những vườn hồng giáp rừng. Còn các vườn hồng đầu mùa bị dơi ăn trái thì mức thiệt hại không đáng kể. 
 
"Nặng nhất là những vườn hồng cuối vụ. Năm trước có nhiều vườn bị dơi ăn trái gây hư hại, giảm tới 10-20% năng suất", ông Hào cho hay. Theo người dân địa phương, bằng kinh nghiệm trồng và chăm sóc trái hồng, khi có dấu hiệu nhiều trái hồng bị dơi về ăn, các gia đình phải tranh thủ đuổi dơi bằng máy phát tiếng hoặc bắt chúng bằng bẫy lưới. Chỉ với chiếc đèn pin, lưới vây, đài phát âm thanh hay chiếc lá thổi thu hút dơi về, người dân có thể bắt được cả chục con dơi chuột chỉ trong 1 - 2 giờ đồng hồ. Để dụ dơi bay vào lưới, một số gia đình có cả dơi mồi.
 
Theo chân anh Nguyễn Hoà, con trai cả của ông Nguyễn Văn Hào, chúng tôi đi dọc vườn hồng Chín Nên gần 200 gốc của gia đình. Vừa cầm “đồ nghề” là chiếc túi vải, đèn pin ra vườn, anh vừa kể, năm nay gia đình anh thu được khoảng 10 tấn hồng để ủ giòn bán lẻ cho thương lái 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, số hồng còn khoảng 30% quả trên cây, anh đi kiểm tra vườn đã thấy dấu hiệu dơi về ăn trái, nên bắt đầu mắc lưới 2 ngày nay. 
 
"Mỗi đàn dơi về ăn thường theo đàn 30 - 40 con. Mình dùng lưới mắt nhỏ, vừa tầm rồi căng trùng 2 đầu dài khoảng 10 m cắm ở hai hướng. Chỗ nào hồng thấp, không gian thoáng, mình cho vây lưới hai hông vườn như vậy, mỗi tối kiểu gì cũng bắt được tầm dăm con", anh Hoà cho biết.
 
Đúng như anh nói, khoảng 21 giờ, trời D’ran tối hun hút, dọc con suối nhỏ men theo vườn hồng Chín Nên lấp lóe ánh đèn pin chỉa lên xuống. Khi tới nơi đã phát hiện 3 chú dơi chuột bị dính chặt vào lưới. Vừa dùng tay có đeo găng, anh Hoà dặn bắt dơi không phải việc đơn giản vì nếu không cẩn thận sẽ bị chúng cắn chảy máu. Theo quan sát, ở những nơi bắt được dơi, thường có rất nhiều trái hồng bị chúng ăn hoặc cào xước. Khi thu hoạch, các trái hồng như vậy buộc phải bỏ đi. “Có năm, mình bắt nhiều nhất một tối được 20 con, giờ thì tầm 4 - 5 con mỗi tối. Sau mỗi lần bắt, đàn dơi sợ không dám trở lại hoặc tới ăn trái ít lại cho tới khi mình thu hoạch xong vụ hồng”, anh Hoà cho biết.
 
Một lãnh đạo UBND thị trấn D’ran (huyện Đơn Dương) xác nhận, hằng năm dơi thường kéo về ăn trái hồng, đặc biệt là vào cuối vụ hồng Vuông Đồng gây thiệt hại cho một số hộ gia đình. Có nhiều loại dơi về ăn trái nhưng nhiều nhất là loài dơi chuột thường trú ngụ tại các hang đá, các đường hầm xe lửa bỏ hoang kéo từ thị trấn D’ran qua huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận về phía Tây. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND thị trấn D’ran, do dơi vẫn được xếp vào loài động vật thuộc lớp thú sống trong tự nhiên nên cơ quan chức năng khuyến cáo bà con áp dụng các biện pháp đuổi dơi như máy phát, chuông gió,… thay vì bắt bằng lưới bẫy để giảm thiệt hại do dơi phá trái ở mức thấp nhất.
 
C.THÀNH