Di Linh vào danh sách các đường chạy địa hình “Trail” tại Lâm Đồng 

VIẾT TRỌNG 06:36, 28/03/2024

Trên 650 vận động viên (VĐV) trong nước và nước ngoài tham dự Giải Chạy địa hình Brăh Yàng Trail - 2024 lần đầu tiên được tổ chức từ việc nâng cấp Giải Việt dã leo núi cấp tỉnh của Lâm Đồng lâu nay. Qua đó, huyện Di Linh đã điền thêm tên mình vào danh sách địa phương thứ hai của Lâm Đồng có đường chạy địa hình “Trail” vốn lâu nay chỉ tổ chức ở Đà Lạt.

Trao giải cho các VĐV về đầu trong một cự ly tại Giải Địa hình Brăh Yàng Trail - 2024
Trao giải cho các VĐV về đầu trong một cự ly tại Giải Địa hình Brăh Yàng Trail - 2024

ĐƯỜNG CHẠY ĐẸP

Rất nhiều VĐV sau khi về đích đã cho chúng tôi biết rằng, Brăh Yàng Trail tại Di Linh là một cung đường chạy đầy thử thách nhưng tuyệt đẹp. Như Nguyễn Hữu Bắc, 38 tuổi, hiện đang công tác tại Công an tỉnh Lâm Đồng, người về nhất cự ly nam 25 km của Brăh Yàng Trail 2024 cho biết, đường chạy đẹp “ngoài sức tưởng tượng” của anh. “Dốc, dốc quá dốc, nhất là đoạn gần đỉnh. Nhưng đường chạy quá đẹp, chỉ xuất phát một quãng là vào rừng, rừng thông, rồi rừng nguyên sinh lá rộng xanh mướt với suối, với đá, với sương mù, với những quãng trống trên núi khi nhìn xuống dưới cả thị trấn Di Linh hiện ra”, anh Bắc nói. 

Nằm trên địa bàn Di Linh, cách không xa thị trấn Di Linh, núi Brăh Yàng cao 1.879 m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao thứ 2 ở Lâm Đồng, chỉ sau ngọn Lang Biang ở phía bắc tỉnh trên địa bàn Lạc Dương với độ cao 2.167 m. 

Tại Giải Địa hình Brăh Yàng Trail 2024 năm nay có các cự ly chạy 7 km, 15 km, 25 km và 45 km. Là người Tân Lâm, Di Linh và cũng là một người yêu thích thể thao, thích vận động ngoài trời nên anh Nguyễn Hữu Bắc không xa lạ với đường chạy trong tỉnh lẫn đường chạy phong trào quanh núi Brăh Yàng này trong các giải tỉnh tổ chức hằng năm. Nhưng đây là lần đầu tiên anh Bắc tham gia chạy địa hình trong cự ly 25 km tranh tài với rất nhiều tên tuổi chạy địa hình trong nước. “Công tác tổ chức ổn, có tiếp tế tốt với các điểm cấp nước và thức ăn cho người chạy, nhưng thức ăn theo tôi còn hơi ít và những cây số cuối đường khi ra khỏi rừng khá nắng cần thêm nước tiếp tế. Tuy nhiên, nhìn chung chạy trong rừng quá đẹp làm mình bớt mệt. Đường chạy nơi đây so với các đường chạy tại Đà Lạt như Dalat Ultra Trail hay Lâm Đồng Trail thì dốc hơn nhưng đẹp hơn rất nhiều. Tôi cũng chỉ chạy cự ly 25 km nên biết vẫn còn những cung đường rất đẹp nơi đây mà mình chưa được chạy qua. Hy vọng Ban Tổ chức giải này trong năm đến nên mở rộng thêm các cự ly” - anh Bắc cho biết.

Một VĐV khác, anh Huỳnh Công Trọng, 31 tuổi, người về nhất nam cự ly xa nhất của giải, cự ly 45 km, cũng cho rằng đây là một cung đường chạy tuyệt đẹp mà khi đăng ký tham dự giải trước đó anh không hề biết. Là người quê Bình Định, đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh, anh Trọng từng tham dự rất nhiều giải chạy địa hình trong nước những năm gần đây và cũng từng nhiều lần dẫn đầu các giải trong cự ly mình tham gia. Gần đây nhất, anh là người về đích đầu tiên cự ly 21 km của Giải Địa hình Cat Tien Jungle Paths 2023 tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Anh Trọng cho biết: “Đường chạy khá khó, đúng chất chạy địa hình, với nhiều thử thách, nhất là đoạn lên xuống đỉnh núi với nhiều dốc đứng dài chừng 5 km, khi mình xuống cứ thấy con dốc hun hút sâu trước mặt cũng gây cảm giác choáng ngợp. Nhưng phần đường còn lại quá đẹp với rừng nguyên sinh trải rộng, rất nhiều cây cổ thụ tán lá rộng mênh mông, với các suối nhỏ nhiều nước dọc đường. Chạy trên con đường núi rất đẹp này như có cảm giác mình được trở lại hòa mình với thiên nhiên hoang sơ theo đúng nghĩa”.

“Ở đoạn gần về đích, khi xuống khỏi núi, do trời nắng nóng nên Ban Tổ chức thêm các điểm tiếp nước nữa thì tốt, cùng đó, do đường dốc trong rừng nên cần thêm các mũi tên hay ký hiệu chỉ đường cho từng cự ly, vì tôi bị lạc đường 2 lần nhưng may có người nói nên quay lại. Nhưng có thể nói, đây là cung đường chạy rất nhiều ấn tượng mà tôi được dự, nếu năm sau, giải tổ chức nhất định tôi sẽ quay lại”, anh Trọng tươi cười. 

• SẼ TỔ CHỨC GIẢI HẰNG NĂM

Năm 2006, huyện Di Linh đã cho khảo sát đường leo núi Brăh Yàng. Sau đó, huyện đã bắt đầu phối hợp với các ngành chức năng tỉnh như Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng và Tỉnh Đoàn Lâm Đồng để tổ chức Giải Leo núi Brăh Yàng cấp tỉnh trong dịp tháng 3 sau Tết hằng năm. 

Trong năm 2023, UBND huyện Di Linh đã mời Công ty Đào tạo - Tư vấn - Thể thao Domingo tại TP Hồ Chí Minh cùng phối hợp với 2 đơn vị lâu nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng và Tỉnh Đoàn Lâm Đồng để nâng cấp giải đấu cấp tỉnh này thành một giải địa hình “Trail”, tổ chức theo hình thức xã hội hóa thể thao như những giải địa hình khác trong tỉnh và trong nước hiện nay. 

Với việc các VĐV trong nước và quốc tế đổ về đây dự giải, mục tiêu của UBND huyện Di Linh là giới thiệu quảng bá vùng đất Di Linh với cảnh quan tươi đẹp, một Brăh Yàng hùng vĩ với những đỉnh núi vươn thẳng đứng, với những mảng rừng nguyên sinh mây vờn trên cao, những con suối trong rừng vắng, chờ người đến khám phá theo từng bước chạy. 

Ngay dưới chân núi Brăh Yàng là hồ Ka La được xây dựng từ năm 2007, trải rộng gần 300 ha. Đây là hồ nước ngọt lớn thứ tư của Lâm Đồng, không chỉ cấp nước tưới cho cây trồng nhiều xã và cả thị trấn Di Linh, mà còn là điểm du lịch rất đẹp của Di Linh, một nơi sơn thủy hữu tình, có nhiều ưu thế trong phát triển các loại hình du lịch mao hiểm leo núi, dã ngoại.

Như một VĐV tham gia giải chạy cho biết, khi lên cao nhìn xuống có thể thấy những mảng xanh của ruộng đồng, những xóm làng người dân tộc thiểu số bản địa vương khói bếp buổi sáng, một thị trấn Di Linh xinh đẹp trải rộng trong tầm mắt với tòa nhà Dinh Tỉnh trưởng tỉnh Đồng Nai Thượng được xây dựng năm 1900 - là Dinh Tỉnh trưởng được xây dựng đầu tiên trên vùng đất Tây Nguyên.

Để chào đón các VĐV từ khắp nơi về dự giải, UBND huyện Di Linh trong dịp này đã tổ chức nhiều hoạt động như triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng đạt Chứng nhận OCOP của vùng đất Di Linh - chủ yếu là các sản phẩm cà phê, cây ăn trái tại trung tâm huyện; tổ chức Đêm hội cồng chiêng trong đêm trước khi giải diễn ra để giới thiệu văn hóa bản địa đặc sắc của vùng đất Di Linh. Huyện cũng huy động phương tiện và trên 150 tình nguyện viên là các đoàn viên, thanh niên, học sinh người dân địa phương trong huyện để hỗ trợ tích cực cho giải. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Đại - Giám đốc Công ty Domingo, dù lần đầu tiên tổ chức nhưng số lượng gần 700 VĐV tham gia như thế cũng đạt yêu cầu, toàn bộ số VĐV đều về đích, giải diễn ra một cách an toàn. “Còn nhiều điểm cần khắc phục vì đây là lần đầu tiên tổ chức nhưng trên cơ sở thành công của giải năm nay, chúng tôi sẽ phối hợp với huyện Di Linh để tổ chức tốt hơn trong những năm đến”, ông Đại khẳng định.  

Còn ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: “Chúng tôi nỗ lực tổ chức một giải thể thao với hàng nghìn người đổ về đây một lúc có thể diễn ra một cách tốt đẹp và an toàn nhất”. Vì giải tổ chức trong mùa khô, nên theo ông Nhuần, huyện đã chuẩn bị kỹ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và huy động lực lượng chức năng huyện phụ trách công tác này, cùng đó là việc hỗ trợ công tác hậu cần tốt nhất cho giải. “Khó nhất là cơ sở lưu trú tại khu vực hồ Ka La còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ cho VĐV đến đây dự giải nên chúng tôi đã có giải pháp tìm chỗ nghỉ nhà dân trong vùng cũng như tổ chức các chuyến xe trung chuyển từ thị trấn vào đây; tổ chức các điểm cắm trại qua đêm dành cho VĐV. Trong năm đến, chúng tôi sẽ mở rộng thêm các cự ly thi đấu xa hơn để thu hút VĐV dự giải, đồng thời, có kế hoạch cụ thể để có thể đón tiếp một lúc từ 1.500 - 2.000 VĐV đến tham dự giải.