Một năm khó khăn đối với doanh nghiệp và thu hút đầu tư

KHẢI NHIÊN  06:29, 25/12/2023

Năm 2023, không chỉ khó khăn trong thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công mà đối với hoạt động doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình cảnh khó khăn tương tự. 

Rà soát các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Diễm Thương
Rà soát các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Diễm Thương

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 11 tháng năm 2023, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là thu ngân sách nhà nước, giải ngân đầu tư công gặp nhiều khó khăn - nguyên nhân do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án đầu tư công còn chậm; một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Không chỉ khó khăn trong thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công mà đối với hoạt động doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư cũng rơi vào tình cảnh khó khăn tương tự mặc dù UBND tỉnh hàng tháng đều tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải. 

Tuy nhiên, chỉ tính riêng tháng 11 năm 2023, tình hình hoạt động doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn so với những tháng trước đó. Tổng cộng trong tháng có 111 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 771,4 tỷ đồng, giảm 10% về số doanh nghiệp và giảm 2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trong khi đó có 20 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 5,3%, 16 doanh nghiệp giải thể, giảm 27,3% và 15 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 36,4% so với cùng kỳ. 

Nếu gộp chung hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 11 tháng năm 2023 sẽ nhìn được bức tranh cận cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thống kê cho biết, lũy kế 11 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 1.242 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 9.012 tỷ đồng, giảm 10,5% về số doanh nghiệp và giảm 47,2% về vốn đăng ký. Đi cùng với số doanh nghiệp đăng ký thành lập có tới 610 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 19,6%; 279 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 13,1% và 212 doanh nghiệp giải thể, tăng 0,5% so với cùng kỳ.

Tương tự, về thu hút vốn đầu tư cũng giảm cả về số lượng dự án lẫn vốn đầu tư so với cùng kỳ. Trong tháng 11, có 4 dự án được quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.899 tỷ đồng, quy mô diện tích 170,9 ha. 

Tính đến ngày 27/11/2023, toàn tỉnh có 13 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.443,2 tỷ đồng, quy mô diện tích 113,1 ha. So với cùng kỳ năm 2022, số dự án cấp mới giảm 13 dự án, vốn đăng ký đầu tư giảm 16.812,9 tỷ đồng, quy mô diện tích giảm 256,1 ha. Ngoài ra, có 57 dự án được điều chỉnh nội dung dự án đầu tư, trong đó tổng vốn điều chỉnh tăng 835,1 tỷ đồng, tổng quy mô diện tích tăng 32,2 ha; 8 dự án bị thu hồi, chấm dứt hoạt động với số vốn đăng ký đầu tư 1.268,6 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi 192,1 ha.

Để giải quyết những tồn tại trong hoạt động doanh nghiệp và thu hút đầu tư, UBND tỉnh đề ra giải pháp không chỉ cho thời gian tới của năm kế hoạch 2023 mà còn thể hiện cho cả năm mới tới đây. Đó là tập trung hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết và Thiết kế đô thị khu vực Trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt; quy hoạch chung thị trấn Liên Nghĩa (mở rộng); các đồ án quy hoạch vùng huyện (Bảo Lâm, Di Linh, Lạc Dương, Đơn Dương) và các đồ án quy hoạch phân khu, chi tiết làm cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu và tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách. Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa; đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước. Triển khai các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra...



Liên kết hữu ích