Di Linh: Bước “đột phá” nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

XUÂN TRUNG 06:45, 28/09/2023

Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Di Linh lần thứ XV cho thấy, tính đến giữa nhiệm kỳ đại hội, hầu hết các chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra đều thực hiện đảm bảo tiến độ và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Đáng chú ý, trong đó có một số chỉ tiêu đến nay đã hoàn thành mà nổi bật nhất đó là chỉ tiêu giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích cach tác của huyện. 

Nông dân tiêu biểu tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất cà phê tại Di Linh. Ảnh: Văn Việt
Nông dân tiêu biểu tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất cà phê tại Di Linh. Ảnh: Văn Việt

Theo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ huyện Di Linh, trong tổng số 20 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV đề ra đến nay đã có tới 7 chỉ tiêu dự ước đã đạt và vượt. Cụ thể, đó là các chỉ tiêu về giá trị sản phẩm/ha canh tác, môi trường; sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo, số bác sỹ/vạn dân và văn hóa.

Tuy nhiên, nổi trội nhất theo đánh giá của huyện, ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiện đại. Qua đó đã phát huy lợi thế, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao, trong đó tập trung đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh gắn với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Điều đó được chứng minh bởi mức tăng trưởng khu vực nông nghiệp bình quân 3 năm qua đạt 6,1%, mang lại giá trị sản phẩm/ha canh tác năm 2023 này đạt 164 triệu đồng, tăng 26% so với đầu nhiệm kỳ. 

Thống kê của huyện cho hay, diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 63.654 ha, tăng 7,7% so với năm 2020. Cụ thể bao gồm: Cây hàng năm 5.464,6 ha; cây chè 505,6 ha (diện tích kinh doanh 501 ha, năng suất 123 tạ/ha, sản lượng 6.162,3 tấn, tăng 2,27% so với năm 2020); cây dâu tằm 706,25 ha tăng 15% so với năm 2020 (sản lượng lá dâu năm 2022 đạt 21.968 tấn, tăng 43,5% so với năm 2020) và diện tích cây cà phê 45.636 ha, năng suất đạt 35,5 tạ/ha, tăng 9% so với năm 2020 (sản lượng 157.000 tấn, tăng 13,5% so với năm 2020). Cây ăn trái trồng xen (bơ, sầu riêng, mắc ca...) là 10.060 ha, tăng 48% so với năm 2020. 

Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất cây trồng, huyện còn chú trọng vào phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Diện tích áp dụng một số khâu trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ước đến hết năm 2023 đạt 960 ha. Nhiều hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn huyện đã và đang chuyển dần từ phương thức canh tác cà phê truyền thống sang sản xuất cà phê theo quy trình hữu cơ (ogarnic), góp phần xây dựng thương hiệu, lan tỏa trên thị trường trong nước và thế giới. Triển khai thực hiện việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nông dân, nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, tăng quy mô sản xuất hàng hóa. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với mục tiêu tiếp tục xây dựng phát triển sản phẩm nông sản có thương hiệu, giá trị, kết nối sâu rộng với thị trường để giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương.

Theo tính toán, đặc biệt đối với vùng chuyên canh cà phê như huyện Di Linh, dự ước đến năm 2025 trên 40% diện tích (trong tổng số 45.636 ha) cà phê của huyện đảm bảo điều kiện thâm canh cao, năng suất bình quân ổn định lên tới 36 - 40 tạ/ha. Còn diện tích trồng xen cây ăn trái toàn huyện đạt 16.000 ha, tăng khoảng 5.400 ha vào năm 2025. Qua đây cho thấy, với sản lượng và chất lượng cây trồng tiếp tục nâng cao đồng nghĩa với việc Di Linh tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên một đơn vị diện tích trong thời gian 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện. 

Có lẽ chính vì thế mà tại Kết luận số 654 - KL/HU về nội dung Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 16 do Bí thư Huyện ủy Di Linh Đinh Văn Tuấn ký ban hành, một trong những nội dung quan trọng được đề cập đó là: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của địa phương, đồng thời, bảo vệ và phát triển, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đã có thương hiệu. Tập trung rà soát, đánh giá lại kỹ lợi thế phát triển nông nghiệp chung của huyện và từng xã, trên cơ sở đó định hướng phát triển các tiểu vùng sản xuất và thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao đối với từng địa bàn xã… theo đúng tinh thần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao.