Nhà lãnh đạo xuất sắc, tấm gương trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng

06:09, 05/09/2022
Mùa hè năm 2022 này, tại tỉnh Nghệ An và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tri ân công lao cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí. Đặc biệt, Khu di tích quốc gia Lịch sử - Văn hóa Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại tỉnh Nghệ An càng trở nên thiêng liêng bởi tấm lòng thành kính của nhiều quan khách và đồng bào thập phương viếng thăm.
 
Bàn thờ đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
Bàn thờ đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
 
•  TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN VÌ NƯỚC, VÌ DÂN
 
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong lúc nhỏ tên là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902, tại thôn Đông, làng Thông Lãng, tổng Phù Long (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên). Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1920, khi đang làm công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy. Tháng 1/1924, đồng chí xuất dương tìm đường cứu nước, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn tham gia lớp huấn luyện chính trị đặc biệt và gửi đi học tại nhiều nơi như: Trường Quân sự Hoàng Phố, Trung Quốc (1924), Trường Đào tạo phi công quân sự ở Liên Xô (1927), Trường Đại học Phương Đông (1928)...
 
Tháng 3/1934, đồng chí Lê Hồng Phong làm Thư ký Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3/1935, tại Đại hội I của Đảng Cộng sản Đông Dương, Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư, dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mátxcơva và vinh dự trúng Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.
 
Năm 1937, Lê Hồng Phong trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng và đến năm 1939 thì bị bắt. Mặc dù ngày đêm bị mật thám theo dõi nhưng Lê Hồng Phong vẫn không từ bỏ ý chí cách mạng, thường xuyên liên lạc với các tổ chức của Đảng. Tháng 1/1940, đồng chí bị bắt lần thứ 2 và bị đày đi Côn Đảo. Trong lao tù, đồng chí luôn tìm cách tuyên truyền cách mạng, đấu tranh chống lại chế độ hà khắc, tàn bạo của nhà tù thực dân. Trưa ngày 6/9/1942, Lê Hồng Phong đã anh dũng hy sinh tại xà lim số 5, Banh II, Nhà tù Côn Đảo. 
 
Với 40 năm tuổi đời, 20 năm hoạt động liên tục và sôi nổi, Lê Hồng Phong đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, là gương sáng ngời cho các thế hệ tiếp bước noi theo. 
 
Nhà tưởng niệm
Nhà tưởng niệm
Khu tưởng niệm rất rộng và tôn nghiêm
Khu tưởng niệm rất rộng và tôn nghiêm
 
•  “ĐỊA CHỈ ĐỎ” GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
 
Năm 1988, hai ngôi nhà tranh của gia đình Tổng Bí thư Lê Hồng Phong được phục hồi. Năm 2009, dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích Tổng Bí thư Lê Hồng Phong được khởi công và hoàn thành năm 2012 với tổng diện tích 31.229 m2. Khu di tích chia làm 2 khu vực chính: Khu lưu niệm và Khu Tưởng niệm cùng các công trình phụ trợ. Ngày 13/3/1990, Bộ Văn hóa có Quyết định xếp hạng Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. 
 
Khu di tích Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nằm trên quê hương, cách thành phố Vinh khoảng 10 km về hướng Tây Nam và trung tâm huyện Hưng Nguyên 5 km về phía Đông Nam. Khu lưu niệm là không gian chan chứa bình dị văn hóa thôn quê đồng bằng xứ Nghệ. Nhiều cây xanh nở hoa và kết trái. Trong không gian dịu vợi ấy điểm nhấn là ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái, đòn tay tre, mái tranh vách nứa… và bên cạnh là nhà ngang. Những hiện vật gắn với tuổi thơ Lê Hồng Phong mộc mạc và gần gũi giúp người xem được trở về xưa xa nền văn minh lúa nước. Đó là bàn và trường kỷ; phản nằm và chạn; chõng tre; tủ gỗ; võng tre; cối xay lúa; chày giã gạo; thúng, mủng, dần, sàng… Nếp nhà bên cạnh là “Phụ mẫu từ đường” thờ phụng cha mẹ Lê Hồng Phong; kế bên là “Lạc thiện đàn” thờ Mẫu, cũng là nơi Lê Hồng Phong cùng nhiều đồng chí được truyền bá tư tưởng yêu nước và tiến bộ…
 
Đi qua các thảm cỏ và cây xanh là đến Khu tưởng niệm bên tay phải. Không gian khoáng đạt, trên đó những kiến trúc bề thế, tôn nghiêm, nhà bằng gỗ, mái ngói đỏ tươi và cong vút như mái chùa. Vị trí trung tâm là nhà tưởng niệm bằng gỗ 5 gian, hai bên là tả vu, hữu vu xây theo lối lồi phòng 2 đầu. Theo giới thiệu của hướng dẫn viên Lê Thị Thu, chúng tôi bước vào nhà tưởng niệm, trung tâm trang trọng bàn thờ Lê Hồng Phong. Cùng bức tượng Lê Hồng Phong là đồ thờ bằng đồng (đỉnh trầm, lư hương, bình hoa, khay đựng, đèn, bệ nến, hạc và rùa…). Trên bức tượng tấm gỗ đục lọng kỳ công và trích lời của Lê Hồng Phong: “... Tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Hai bên là câu đối ốp cột gỗ: “Gương ái quốc tiếng vang lừng đất Việt/Chí anh hùng danh rạng ngút trời Nam”. 
 
Trong tả vu, hữu vu trưng bày rất nhiều tư liệu và hiện vật quý về cuộc đời hoạt động cách mạng của Lê Hồng Phong. Đó là bức ảnh Khám Lớn - Sài Gòn nơi từng giam cầm Lê Hồng Phong; Lệnh truy nã Lê Hồng Phong của Sở Mật thám Pháp; Thẻ căn cước của Lê Hồng Phong; Danh sách Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản được bầu chính thức tại Đại hội VII (có tên Lê Hồng Phong); ống nhòm Lê Hồng Phong sử dụng thời gian học ở Trường Quân sự Hoàng Phố...
 
Đó còn là trích câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp, của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”. 
 
Ống nhòm của đồng chí Lê Hồng Phong lúc học tập ở Trung Quốc
Ống nhòm của đồng chí Lê Hồng Phong lúc học tập ở Trung Quốc
 
•  NHIỀU HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH 
 
Năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có hướng dẫn đến tất cả các địa phương, các ban, ngành, tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong. Thực hiện chỉ đạo này, trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa trên toàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đồng thời tổ chức các đoàn dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo; thăm và chúc sức khỏe bà Lê Nguyễn Hồng Minh - con gái của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức Lễ tưởng niệm 80 năm Ngày mất Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Nghệ An; tổ chức hội thảo khoa học; trưng bày triển lãm chuyên đề tái hiện lịch sử Nhà tù Côn Đảo; viếng mộ Lê Hồng Phong ở Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo; phối hợp bổ sung tư liệu mới phim tài liệu về Lê Hồng Phong...
 
Các hoạt động tổ chức kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn, quan trọng của nhà lãnh đạo xuất sắc, tấm gương trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng... Mặt khác, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...
 
MINH ĐẠO