Bộ nhồng-ôi và jrong-kơ-lừng trong lễ cúng mừng lúa mới của người K'Ho Srê

06:08, 25/08/2022
Nhồng-ôi và Jrong-kơ-lừng là vật trang trí không thể thiếu trong lễ cúng mừng lúa mới tại nhà của đồng bào K’Ho Srê ở vùng Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Bộ nhồng-ôi và jrong-kơ-lừng thường được dựng ở nơi trang trọng nhất trong nhà, nơi trung tâm của nhà sàn cạnh giàn chiêng, chóe quý.
 
Cây nhồng-ôi vắt đầy thổ cẩm trong nhà của người K’Ho Srê
Cây nhồng-ôi vắt đầy thổ cẩm trong nhà của người K’Ho Srê
 
Khi mùa màng đã thu hoạch xong, lúa đã về đong đầy các cót thóc trong kho của mọi nhà, đây cũng là thời điểm bà con trong buôn làng chọn ngày để cúng mừng lúa mới. Tùy vào kết quả thu hoạch của mùa màng năm đó nhiều hay ít mà lễ được tổ chức lớn hay nhỏ. Để cho mọi người trong buôn làng tiện sắp xếp và không trùng nhau, sau khi đã bàn bạc thống nhất trong gia đình, chủ nhà sẽ tới báo với già làng thông báo tới các thành viên trong cộng đồng. 
 
Lúc này để chuẩn bị cho lễ cúng mừng lúa mới, ngoài các vật dụng, đồ cúng, lương thực và thực phẩm, điều chủ nhà quan tâm nhất đó là làm và trang trí cho bộ nhồng-ôi và jrong-kơ-lừng để trong nhà và cây nêu dựng ngoài sân nơi diễn ra lễ hội.
 
Thông thường, trước khi tổ chức lễ mừng lúa mới khoảng một tuần, chủ nhà đã nhờ những người trong dòng tộc tới giúp vào rừng chọn lấy cây về làm và vẽ hoa văn trang trí cho bộ nhồng-ôi và cột jrong-kơ-lừng của nhà mình. Đây là một việc khá quan trọng, đòi hỏi phải chọn những người có kinh nghiệm và khéo léo để thực hiện từ khâu chọn cây cho đến trang trí. Cây chọn làm nhồng-ôi và jrong-kơ-lừng phải là loại không bị mối mọt, ván không cong, vanh khi khô, không quá cứng để khắc vạch và dễ thẩm thấu màu các họa tiết hoa văn.
 
Hoa văn trang trí trên bộ nhồng-ôi và jrong-kơ-lừng chủ yếu là hoa văn hình kỷ hà (hình học) và một loại hoa đồng nội 5 cánh được trang trí theo từng băng. Trong đó có trang trí cả hoa văn hình mắt chim công (mac-brạ), hình mặt trời,... Tất cả đều được khắc hoặc vẽ một cách tỉ mỉ, công phu với hai màu chủ đạo: đỏ, đen. Theo quan niệm của người K’Ho thì màu đỏ tượng trưng cho máu của con vật được hiến sinh, nói lên sự sống của con người và các loài vật. Màu đen của than củi muốn nói tới cuộc sống sinh hoạt thường ngày của con người. Trước đây người K’Ho thường dùng than, đá màu và rễ, củ cây rừng để tạo màu vẽ nhưng về sau để tiện lợi họ sử dụng bột màu công nghiệp sẵn có trên thị trường để pha vẽ. 
 
Jrong-kơ-lừng là một cột gỗ được tạo dáng vuông, cao khoảng 1,8 m, có 4 cạnh vuông, kích thước mỗi cạnh khoảng 8 cm đến 10 cm. Trên thân cột jrong-kơ-lừng, phần giữa gần đỉnh, người ta đẽo tạo ra một mâm gỗ tròn gắn chặt ôm quanh thân cột, đây là nơi để trấu, lấy từ chóe rượu cần cúng Yàng và lông gà cùng bát tiết gà (vật hiến sinh trong lễ cúng tại nhà của gia chủ) trong quá trình tiến hành thủ tục lễ cúng.
 
Thanh nhồng-ôi có dáng hình chữ nhật, thường có bản rộng 15 cm đến 20 cm và dài từ 3,2 m đến 3,5 m. Tùy thuộc vào khoảng cách giữa hai cột ở gian chính trong ngôi nhà của từng gia chủ mà người tạo tác điều chỉnh độ lớn nhỏ, dài, ngắn của thanh nhồng-ôi cho phù hợp và hài hòa với không gian xung quanh. Một đầu thanh nhồng-ôi để phẳng, không trang trí được gắn vào thân cột jrong-kơ-lừng, đầu kia được đẽo gọt tạo dáng cong cuộn giống sừng trâu. Ngoài ra, đi theo cột jrong-kơ-lừng còn có một bảng gỗ vuông có khung bao quanh với hai cột nhỏ hai bên được tạo dáng và vẽ trang trí hoa văn rất cầu kỳ. Bảng gỗ này thường được gắn vào phía dưới của cột jrong-kơ-lừng.
 
Bộ nhồng-ôi và jrong-kơ-lừng sau khi hoàn chỉnh được dựng dựa chặt vào hai cột trước vách của gian chính trong nhà, phía dưới bàn thờ cùng với giàn chiêng, chóe quí. Trên cây nhồng-ôi lúc này được vắt đầy những tấm đắp, tấm ùi, khăn choàng đẹp nhất cùng với những con vật gần gũi với mùa màng như con ếch, con chim, con chuồn chuồn được đan kết tỉ mỉ bằng những cật tre hoặc lồ ô vát mỏng, chúng được cột vào dây mây treo đong đưa phía đầu được trang trí của thanh nhồng-ôi. Người K’Ho Srê vốn làm kinh tế ruộng nước nên họ rất chú ý đến việc tạo tác những con vật gắn với đồng ruộng để dâng cúng thần linh bên cạnh những lễ vật quý khác.
 
Theo quan niệm của đồng bào K’Ho thì bộ nhồng-ôi và jrong-kơ-lừng ngoài việc phục vụ cho lễ cúng Yàng Kòi (thần lúa), mừng lúa mới được trang trọng thì nó còn là niềm tự hào của gia chủ. Bởi đây cũng là một dịp được khoe của công khai của chủ nhà với khách. Thường sau khi làm lễ cúng Yàng, chủ nhà sẽ dùng lông gà chấm máu gà (con vật hiến sinh) bôi lên trán các vị khách được mời. Khách sẽ lần lượt tiến tới trước cây nhồng-ôi và jrong-kơ-lừng lấy một ít trấu và lông gà đến gắn vào giàn chóe quí, đây là một thủ tục để tạ ơn và và cầu chúc cho gia đình gia chủ sức khỏe, mùa màng năm sau được bội thu hơn.
 
Vì vậy, đối với họ, bộ nhồng-ôi và jrong-kơ-lừng càng lớn, được trang trí đẹp, công phu và vắt nhiều thổ cẩm như: tấm đắp, tấm choàng, khố, ùi đẹp là niềm tự hào, hãnh diện về sự giàu có của gia chủ với người trong làng và khách quý, bạn bè từ các buôn làng khác về dự lễ hội mừng lúa mới.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ