Giảm nghèo từ sự chủ động của người dân

06:06, 23/06/2020

Trong những năm qua, cùng với chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm và các nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước cho phát triển sản xuất, cũng như sự thay đổi trong chính tư duy của người dân mà đời sống Nhân dân xã Pró (huyện Đơn Dương) ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Trong những năm qua, cùng với chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm và các nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước cho phát triển sản xuất, cũng như sự thay đổi trong chính tư duy của người dân mà đời sống Nhân dân xã Pró (huyện Đơn Dương) ngày càng được cải thiện và nâng cao.
 
Thay vì trồng lúa, những nông dân trẻ như gia đình chị Nai Trinh chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường
Thay vì trồng lúa, những nông dân trẻ như gia đình chị Nai Trinh chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường
 
Công tác giảm nghèo là chương trình trọng tâm của xã Pró, được triển khai và quan tâm thực hiện hàng năm. Theo lãnh đạo UBND xã, điều thuận lợi cho công tác giảm nghèo tại địa phương là nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ngoài vốn, người dân còn được hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, khoa học kỹ thuật,... Đây là động lực để thúc đẩy người dân đầu tư, phát triển kinh tế. Riêng trong năm 2019, xã Pró đã giải ngân 3 chương trình với tổng số vốn đầu tư trên 1,47 tỉ đồng. Bao gồm Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững với số vốn được phân bổ 1,2 tỉ đồng cho 121 hộ dân; Chương trình Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn (Chương trình 135 năm 2019) với tổng số vốn 71,5 triệu đồng cho 8 hộ tại thôn Pró Ngó và Hamanhai I; Chương trình Hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất cho hợp tác xã (HTX) Sơn Uyên với số tiền 200 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 - 2018, tổng số kinh phí được hỗ trợ nằm trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cho xã Pró là trên 1,4 tỷ đồng. Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ từ chương trình đa dạng hóa sinh kế ngoài Chương trình 30a, 135 đã sử dụng vốn có hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với cơ chế thị trường, lựa chọn các giống cây trồng cho năng suất cao,…
 
Xã Pró có tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 61%. Đây là một khó khăn lớn trong công tác giảm nghèo, bởi tâm lý trông chờ, ỷ lại từ lâu đã in sâu trong đời sống của người dân nơi đây. Thế nên, việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức của bà con nhân dân được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn bộ hệ thống chính trị. Bởi “số hộ nghèo có thể giảm nhanh, nhưng có giảm bền vững hay không, tất cả đều phụ thuộc vào chính ý thức và tính chủ động của người dân” - ông Trần Thiện Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Pró khẳng định. Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc học hỏi kinh nghiệm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của bà con nhân dân.
 
Trên diện tích 2 ha đất sản xuất, trước đây, ông Ya Tho (58 tuổi, thôn Pró Trong) chỉ trồng lúa, rau màu, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Hai năm trở lại đây, ông trồng thêm củ năng, mang lại thu nhập gấp 3 lần cây lúa. Vụ củ năng năm nay gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước, nên năng suất dự kiến sẽ giảm hơn năm ngoái, nhưng ông vẫn tin tưởng vào nguồn thu nhập tương đối mà củ năng mang lại. Trong ngôi nhà khang trang được xây cách đây 3 năm, Ya Tho phấn khởi chia sẻ: “Bây giờ, chúng tôi làm cái gì cũng có kỹ thuật hỗ trợ nên năng suất, sản lượng cây trồng đều thu được cao hơn. Cuộc sống không còn lo thiếu ăn thiếu mặc, không còn sợ đói như trước. Tự mình kiếm tiền, tự mình trồng cây rau, củ bán ra để có tiền xây nhà xây cửa, góp với Nhà nước xây đường sá”.
 
Gia đình ông Ya Tho có 4 cô con gái. Cũng chỉ vì những ngày còn nghèo đói mà chỉ có Nai Trinh là được ăn học đến nơi đến chốn, nay là cô giáo của Trường Mầm non Pró. Nai Trinh vừa đi dạy, vừa phụ chồng trồng cà tím, đậu leo, khoai tây,... trên 6 sào đất. Bước trong khu vườn đậu leo đang trổ bông, chị kể về những ngày gia đình khó khăn để lo miếng ăn miếng mặc cho 4 chị em gái, đường sá lầy lội, con đường theo cái chữ nhọc nhằn. Bây giờ thì cuộc sống đã khác rất nhiều. Cái đói không còn là nỗi ám ảnh, con chị cũng được đến trường học chữ đầy đủ và thuận lợi hơn. Nhiều người trẻ như vợ chồng chị không còn bám theo cây lúa mà chuyển sang trồng rau củ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
 
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao được người dân xã Pró đẩy mạnh thực hiện trong những năm qua. Giống cây trồng đưa vào sản xuất ngày càng phong phú, đa dạng và có chọn lọc, đa số nông dân sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao. Diện tích gieo trồng trong nhà kính, nhà lưới toàn xã đến cuối năm 2019 đạt 185 ha, 2.120 ha trồng rau các loại. Diện tích chuyển đổi cây lúa sang cây củ năng đạt trên 300 ha.
 
Toàn xã có 3 tổ hợp tác và 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, HTX Sơn Uyên bao gồm 8 thành viên tự nguyện góp vốn và thành lập với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. HTX củ năng xã Pró gồm 7 thành viên tự nguyện góp vốn và thành lập với vốn điều lệ 800 triệu đồng. Mục tiêu của HTX là thực hiện và cung cấp củ năng, cũng như các mặt hàng rau củ quả cho thị trường.
 
Nếu cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã Pró chiếm 35%, thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ này giảm còn 1,99% với 30 hộ. Trong đó, có 19 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Hộ cận nghèo 107 hộ, chiếm 7,11%, 76 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 17 triệu đồng, thì đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 49 triệu đồng. Cùng với sự cải thiện về thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, năm 2018, xã Pró đạt chuẩn xã Nông thôn mới.
 
Để đảm bảo thoát nghèo bền vững, trong thời gian tới, Pró tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch; hình thành và phát triển những vùng sản xuất giống chất lượng cao, chuyên sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản. “Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến khích người dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh để hạn chế rủi ro” - ông Trần Thiện Tiến cho hay.
 
VIỆT QUỲNH