Sống ở thị trấn vẫn phải tự mắc đường điện

05:06, 22/06/2020

Theo phản ánh của người dân tổ dân phố B'Nông Rết (Đinh Văn - Lâm Hà), mặc dù sống giữa thị trấn, nhưng từ trước đến nay gần 90 hộ dân trong thôn vẫn phải chịu cảnh "bắc nhờ" điện...

Theo phản ánh của người dân tổ dân phố B’Nông Rết (Đinh Văn - Lâm Hà), mặc dù sống giữa thị trấn, nhưng từ trước đến nay gần 90 hộ dân trong thôn vẫn phải chịu cảnh “bắc nhờ” điện. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, sinh hoạt, học tập của người dân và con em địa phương.
 
Đường dây điện Xóm 4 với tay là có thể kéo xuống được
Đường dây điện Xóm 4 với tay là có thể kéo xuống được
 
Là một tổ dân phố (TDP) có đông đồng bào DTTS sinh sống (trên 90%) với 385 dân, 1.900 nhân khẩu, đời sống bà con đa phần dựa vào sản xuất nông nghiệp. Theo Tổ trưởng TDP B’Nông Rết, ông Kơ Dơng Ha Sia thì có đến gần 90 hộ dân tự mắc đường điện ở 2 xóm là Xóm 3, Xóm 4 của TDP. 
 
Ba anh em nhà ông Ha Tưn ở Xóm 3 là những người đầu tiên tự mắc đường điện khi năm 2.000 họ tự bỏ tiền túi để mua dây điện, cột sắt xin “bắc nhờ” đường điện. Kể từ đó, các hộ dân mua thêm dây, cột sắt để đưa điện về nhà. Đến nay, đường điện ở Xóm 3 đã xuống cấp, dây điện xuống cấp, cột điện thì bị gỉ sét, có nhiều đoạn dây điện sà sát xuống đường đi, gây nguy hiểm cho người dân trong xóm, nhất là mùa mưa bão. Mỗi lúc trời mưa gió là cả xóm lại lo lắng nguy cơ bị chập điện vì dây điện đã cũ và gió ru dây như đưa võng. 
 
Không chỉ nguy hiểm, hệ thống lưới điện tự mắc nên thường xuyên chập chờn và điện yếu, khó có thể đưa các loại máy móc phục vụ nông nghiệp vào sản xuất. Ngay bản thân gia đình ông Ha Tưn có vài con bò nuôi nhốt, nhận thấy việc chăn thả ngay tại thị trấn là không thể, ông đã đầu tư chiếc máy cắt cỏ voi chừng 3 triệu đồng để giảm sức lao động. Ngờ đâu, điện yếu thế là đành bỏ máy vào một góc hiên nhà cho mưa nắng, còn bán đi thì theo ông “lỡ” mai này điện mạnh đi mua lại thì cũng tốn lắm.
 
Còn nhà Ha Bông thì cũng sắm được vài thiết bị cơ bản cho sinh hoạt gia đình như: ti vi, máy bơm nước, quạt điện, nồi cơm điện, dàn Karaoke… nhưng nếu mở cái này thì mất cái kia, đi làm đồng về muốn nấu cơm thì khỏi bơm nước, mà bơm nước thì khỏi xem ti vi. Con cái học hành thì mình phải tắt cả để bóng đèn không chập chờn, hại mắt lắm.
 
Còn tại Xóm 4, nhiều đoạn đường dây điện đã sà xuống đường đến mức người lớn với tay là có thể kéo xuống. Trước nhà của Ha Tư là một cái “thòng lọng” dây điện chuyên “đơm” xe tải. Đến nỗi Ha Tư phải là người thường xuyên nâng dây điện cho xe tải qua. Ha Tư kể: Tài xế mà không biết là bị vướng ngay, nguy hiểm lắm, nghe tiếng xe là mình chạy ra liền, giúp họ mà giúp mình luôn; vì nguy hiểm cho người đi lại, xe cộ; va vào đường dây thì bà con mất điện, ảnh hưởng sinh hoạt sản xuất và phải mất công, mất tiền sửa chữa nữa. Mà nâng nó lên cố định lại không được, dây cũ lắm rồi, căng ra là đứt luôn, chắc vài ngày tới mình cũng phải vận động bà con nâng cấp đoạn này chứ nguy hiểm quá. 
 
Mang nỗi niềm của bà con Xóm 3, Xóm 4 (TDP B’Nông Rết) gặp đại diện chính quyền thị trấn Đinh Văn, ông Đinh Văn Khương - Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, bà con phản ánh là đúng, nhưng không đến mức độ gần 90 hộ như bà con phản ánh mà chừng 20 đến 30 hộ bị ảnh hưởng thôi. Còn điện yếu có giờ của nó, yếu lúc cao điểm thôi, còn lúc không cao điểm thì không yếu”.
 
Ông Khương thông tin thêm, trên địa bàn xã hiện còn một vài xóm dùng điện tự mắc nữa chứ không phải chỉ riêng Xóm 3, Xóm 4 ở TDP B’Nông Rết. Chính quyền địa phương đã tập hợp ý kiến kiến nghị của bà con mỗi lần tiếp xúc cử tri và kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn không có vốn để thực hiện.
 
Vấn đề này đã được người dân nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Cụ thể, năm 2018, trong báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri với đại biểu HĐND huyện, đại biểu HĐND thị trấn về điện thì cử tri TDP B’Nông Rết kiến nghị đường điện nhánh vào khu dân cư chằng chịt gây mất an toàn, vẫn còn phải dùng đồng hồ chung. Tháng 6/2019, bà con vẫn kiến nghị vậy tại báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri với đại biểu HĐND huyện, đại biểu HĐND thị trấn. Tháng 11/2019, bà con vẫn kiến nghị vậy tại báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, huyện, đại biểu HĐND thị trấn... 
 
Năm 2017, thị trấn Đinh Văn đạt chuẩn văn minh đô thị. Mặc dù vậy, theo UBND thị trấn Đinh Văn thì hiện tại vẫn còn một số TDP chưa có hội trường, trong đó có TDP B’Nông Rết vì chưa thể tìm vốn đối ứng.
 
ĐỨC TÚ