Tất cả vì dân

06:08, 09/08/2019

Với thân hình nhỏ nhắn, nhưng toát lên sức mạnh của lòng quyết tâm, tất cả vì dân, ông Lê Phi Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm đã và đang là điểm sáng trong việc học tập và làm theo Bác ở huyện Đạ Tẻh. 

Với thân hình nhỏ nhắn, nhưng toát lên sức mạnh của lòng quyết tâm, tất cả vì dân, ông Lê Phi Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm đã và đang là điểm sáng trong việc học tập và làm theo Bác ở huyện Đạ Tẻh. 
 
Niềm vui của ông Lê Phi Hùng bên đồi tre tầm vông của gia đình. Ảnh NTT
Niềm vui của ông Lê Phi Hùng bên đồi tre tầm vông của gia đình. Ảnh NTT
 
Bí thư Lê Phi Hùng sinh năm 1961 tại Hương Thủy, một huyện trung du nằm về phía tây tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đúng vào cái tuổi “Mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, tháng 2/1978, anh xung phong vào xây dựng kinh tế mới tại Hương Lâm, huyện Đạ Tẻh với cương vị tập đoàn phó, phụ trách kế hoạch.
 
Tám năm lăn lộn trên vùng đất còn muôn vàn khó khăn, ước mơ làm giàu cho gia đình, cho quê hương mới của anh tạm gác lại. Tháng 2/1986, anh lên đường nhập ngũ, công tác tại Tiểu đoàn 719, một đơn vị huấn luyện thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng. 
 
Ba năm sáu tháng hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, tháng 12/1989, Lê Phi Hùng trở lại Hương Lâm và được giao ngay công tác với cương vị xã đội trưởng. Với tác phong “Bộ đội Cụ Hồ”, nhiệm vụ quân sự địa phương do anh vừa phụ trách vừa làm tham mưu năm nào cũng hoàn thành xuất sắc và năm 1993, Hùng vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Lê Phi Hùng đã trải qua nhiều công việc: Phó Trưởng công an, chuyên viên Tư pháp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Phó Bí thư Đảng ủy. Từ 2015 đến nay, anh là Bí thư Đảng ủy ở một đảng bộ có mười một chi bộ và gần chín mươi đảng viên. Anh chia sẻ: Mình từ một huyện nghèo của Huế, vào đây làm kinh tế chỉ mong cho dân giàu có… vậy mà, phải sau bốn mươi mốt năm - một thời gian khá dài, bây giờ ước muốn của mình mới trở thành hiện thực. Những năm tám mươi của thế kỷ trước, thu nhập bình quân đầu người một năm chỉ vẻn vẹn từ 8 đến 9 triệu đồng. Thế mà cuối năm 2018, con số đó đã tăng lên 39,4 triệu đồng.
 
Tôi hỏi: Con người Cố đô thì cần cù, chịu khó. Nhưng đất Hương Lâm ở đây đâu dễ làm ăn. Có cách nào? 
 
Lê Phi Hùng bỗng trở lên sôi nổi, miệng nói, mắt cười, hai tay vung lên theo cảm hứng của câu chuyện: Anh ạ, mình là người đứng đầu một xã với gần sáu trăm hộ, trên hai ngàn năm trăm nhân khẩu, tôi chọn cách “nói ít, làm nhiều”.
 
Thế rồi anh hăng say kể về phương cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với đất này. Trồng cây gì nhanh làm giàu cho nông dân? Những năm qua, Hương Lâm xuất hiện một số mô hình sản xuất kinh doanh rất hiệu quả. Như cây bưởi da xanh, cây sầu riêng và tre tầm vông. Bí thư Hùng suy nghĩ: Trồng bưởi, trồng sầu riêng lợi nhuận cao nhưng công sức, tiền của bỏ ra khá lớn. Không phải gia đình nào cũng làm được. Ở thôn Hương Thủy cùng xã có gia đình cụ Ngô Tuất trồng tre tầm vông, công sức, tiền của bỏ ra ít, mới vài ba năm đã cho thu hoạch, giá trị kinh tế khá cao. Đúng là cây của người nghèo. Anh sang ngay gặp cụ. Cụ chỉ cho anh đi Tây Ninh tìm hiểu tốt hơn. Thế là, Hùng thành lập một tổ công tác, lên đường ngay để học tập kinh nghiệm về triển khai trong toàn xã.
 
Đến nay, Hương Lâm đã có 46 hộ trồng tre tầm vông với tổng diện tích gần 100 ha. Riêng nhà anh Hùng có cả một vườn đồi tre tầm vông rộng 1,2 ha. Bí thư Hùng nói thêm: Lúc đầu nông dân cũng chưa mặn mà với tre tầm vông. Tôi cùng các đoàn thể trong xã đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động, thuyết phục. Bản thân anh trồng trước, tre lớn lên từng ngày. Nhiều người đến xem, thấy tận mắt, cầm tận tay rồi về mới làm theo.
 
Ông Lại Văn Doanh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, đảng viên 45 tuổi Đảng không giấu nổi niềm vui, khoe: Cây tầm vông rất dễ trồng, vốn đầu tư ban đầu rất thấp, chỉ cần từ 10-15 triệu đồng trên một ha. Đặc biệt, tầm vông ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, có thể trồng trên mọi loại đất, nhất là chịu hạn rất tốt. Hiện nay, trung bình một cây tầm vông có giá từ 25.000 - 30.000 đồng. Mỗi ha một năm cho thu hoạch bình quân từ 80 đến 100 triệu đồng. Hơn nữa thời gian thu hoạch lại tập trung chỉ 5 đến 7 ngày, không kéo dài như cây tiêu, cây điều. Thật là “Trồng chơi ăn thật”. Ông nói thêm: Vườn tre nhà Bí thư Hùng đã cho thu hoạch từ năm 2014. Với 1,2 ha, mỗi năm thu về từ 120 đến 140 triệu đồng. Chi phí chỉ hết khoảng 10%. Lãi ròng trên 100 triệu đồng, một khoản thu đáng kể.
 
Bây giờ về Hương Lâm, gia đình nào, hội nghị nào cũng nói chuyện tre tầm vông. Cụ Ngô Tuất, đã ngoài bảy mươi tuổi, người đầu tiên trồng tre tầm vông ở Hương Lâm, kể: Có làm mới biết. Trồng cây này như bắn một mũi tên mà trúng tới năm đích. Này nhé, trước hết nó tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Hai là mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ba là góp phần bảo vệ đất, chống xói mòn. Bốn là góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, giảm tác hại của giông bão, cải thiện môi trường... Cuối cùng là bộ rễ tầm vông phân hủy sẽ cung cấp dưỡng chất giúp đất tơi xốp, màu mỡ hơn. Thế rồi, cụ cất giọng ngân nga:
 
“Rễ sinh không ngại đất nghèo,
 
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”.
 
Nhưng… ngừng một lát, như để lựa chữ, lựa lời cho một điều gì quan trọng, cụ rành mạch từng tiếng: Hương Lâm được như ngày nay, cũng nhờ công của Bí thư Đảng ủy xã Lê Phi Hùng. Nông dân mình nên đổi tên tre tầm vông là “Tre ông Hùng!”.
 
Đúng vậy. Hương Lâm là vùng đất khó. Cây trồng chủ yếu những năm qua cứ quanh quẩn ba loại: mỳ - tiêu - điều. Đời sống nông dân không khá lên được. Từ vài năm lại đây, nhờ kiên trì và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà đã có của ăn của để. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hương Lâm lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 do Lê Phi Hùng chắp bút, có đoạn nhấn mạnh: “Đến cuối nhiệm kỳ 2020, nâng tổng diện tích cây tre tầm vông từ 100 ha lên 250 ha. Lập đề án xây dựng Hợp tác xã sản xuất thủ công mỹ nghệ từ tre tầm vông, tạo nguồn hàng xuất khẩu. Qua đó, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người lên 50 triệu đồng trên một năm...”.
 
Ông Ngô Văn Tố - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm cho tôi thêm một chi tiết hay. Trong một lần cùng đi mua tre giống cho địa phương, Hùng tâm sự: “Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, một hình ảnh quen thuộc, thân thương từ Thừa Thiên - Huế, sông Hương, núi Ngự, thực lòng mình muốn ở Hương Lâm này có nhiều những bụi tre làng. Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê mộc mạc, con người thanh cao, giản dị mà chí khí”. Kể rồi, ông Ngô Văn Tố nhận xét rất chí lý: “Đúng là một ý tưởng nhân văn trong phát triển kinh tế của đồng chí Bí thư”.
 
Đã 41 năm gắn bó với vùng đất bên kia dốc “Mạ ơi” của huyện Đạ Tẻh, từ một chàng trai xứ Huế, thân hình nhỏ nhắn, nhưng toát lên sức mạnh của lòng quyết tâm, tất cả vì dân, Lê Phi Hùng luôn được Đảng tin, dân mến. Trong ngôi nhà nhỏ ngay dưới chân dốc Mạ ơi, chìm trong hàng ngàn cây tre tầm vông, tôi nhìn lên tấm Bằng khen của Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng Lê Phi Hùng vì thành tích xuất sắc 5 năm liền trong công tác, càng thấy ở anh một người cán bộ luôn vì dân, yêu dân mà chăm lo cho dân.
 
Bác Hồ đã dạy: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; vì vậy, cán bộ Ðảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân”. Tôi thấy, Lê Phi Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm, huyện Đạ Tẻh là người cán bộ đã và đang làm theo lời Bác dạy một cách thiết thực, hiệu quả.
 
NGUYỄN THƯỢNG THIÊM