Nghị quyết của lòng dân

ĐỨC TÚ 06:11, 05/03/2024

Với những tác động mạnh mẽ, sâu rộng từ quá trình thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, giờ đây, nông nghiệp Đạ Huoai chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững và hiện đại, tiếp tục khẳng định và giữ vững cơ cấu cây trồng chủ lực đối với cây sầu riêng. 

Một vùng đất trù phú với bạt ngàn sầu riêng từ thành công của việc triển khai Nghị quyết chuyên đề 01 của Huyện ủy Đạ Huoai
Một vùng đất trù phú với bạt ngàn sầu riêng từ thành công của việc triển khai Nghị quyết chuyên đề 01 của Huyện ủy Đạ Huoai

Sau khi thực hiện nghị quyết chuyên đề giai đoạn 2016-2020 với nhiều kết quả trong sản xuất nông nghiệp; trên cơ sở đó, trong nhiệm kỳ 2021-2025, nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy Đạ Huoai về việc “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương” tiếp tục được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân.

Chỉ riêng mùa sầu riêng năm 2023, xã Hà Lâm đã có trên 300 hộ thu nhập tiền tỷ. Hà Lâm có diện tích trồng cây ăn quả lớn, khoảng 1.849 ha, trong đó cây sầu riêng là 1.651 ha, diện tích cho thu hoạch hơn 1.258 ha, sản lượng đạt 20,1 nghìn tấn. Xác định đây là cây trồng chủ lực giúp thay đổi đời sống của bà con Nhân dân, khẳng định thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”; Đảng ủy xã Hà Lâm đã đề ra kế hoạch đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn và xây dựng mã vùng trồng.

Trên cơ sở triển khai Nghị quyết chuyên đề số 01 của Huyện ủy Đạ Huoai về “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương giai đoạn 2021-2025”; Đảng ủy xã đã thành lập ban chỉ đạo, do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, các thôn trên địa bàn thành lập tổ vận động do đồng chí bí thư chi bộ thôn làm tổ trưởng.

Hay như tại xã Phước Lộc, quán triệt sâu sắc nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy Đạ Huoai, Đảng ủy, UBND xã đã tăng cường thực hiện việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào từng khâu cụ thể của sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản để nâng cao chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn của trong nước và tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài. Mục tiêu cụ thể của địa phương là phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 160-180 triệu đồng/ha, riêng 350 ha sầu riêng phải đạt giá trị từ 500 triệu đồng/ha trở lên, phấn đấu 45% tổng diện tích cây trồng chủ lực của xã ứng dụng công nghệ, quy trình thâm canh. Xây dựng thành công chuỗi giá trị sầu riêng, hạt điều, bảo vệ và quảng bá nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”...

Đoàn Kết là một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy, đặc biệt là phát triển cây sầu riêng. Đảng viên K’Cúc là một gương điển hình về sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Diện tích khoảng 2 ha cây điều già cỗi đã được anh chuyển đổi thành công, bước đầu cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm. Anh K’Cúc chia sẻ: “Chuyển đổi sang cây sầu riêng cho thu nhập đáng kể hơn, do sầu riêng mới cho thu hoạch nên vụ sau thu nhập có thể cao hơn. Nhiều bà con thấy mình làm hiệu quả, có lợi nhuận nên đến tận vườn để học hỏi kinh nghiệm. Trải qua các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức, có được kinh nghiệm, kiến thức gì là mình sẵn sàng chia sẻ cho bà con”.

Theo đánh giá của huyện Đạ Huoai, trên lĩnh vực nông nghiệp đã dần thể hiện tính bền vững, phát triển theo hướng hàng hóa, diện tích sản xuất công nghệ cao ngày càng được mở rộng đã góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích, cuối năm 2023 ước đạt 140,5 triệu đồng/ha, tăng 48 triệu đồng so năm 2020. Diện tích các loại cây trồng chủ lực tiếp tục được giữ vững, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao được mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tăng mạnh với gần 1.000 ha, tăng khoảng 800 ha so với năm 2020. Liên kết sản xuất, xây dựng mã vùng trồng, mã đóng gói sầu riêng được quan tâm, đã triển khai đăng ký mã vùng trồng với tổng diện tích trên 2.189 ha. Việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được chú trọng. Tiếp tục triển khai Đề án Truy xuất nguồn gốc sầu riêng Đạ Huoai; việc xây dựng các sản phẩm OCOP tiếp tục được triển khai theo kế hoạch.

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà trọng tâm là thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/HU của Huyện ủy về “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương giai đoạn 2021-2025”; huyện Đạ Huoai đã đạt được những kết quả quan trọng, vượt bậc trong việc khôi phục và phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã), xây dựng mã vùng trồng; đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sầu riêng Đạ Huoai. 

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 01 của Huyện ủy, Chương trình hành động số 58-CTr/HU, Thực hiện Nghị quyết 21 -NQ/TU của Tỉnh ủy về "Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030"; Kế hoạch số 63-KH/HU, của Huyện ủy về triển khai Chương trình hành động 40-CTR/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 19 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trên địa bàn huyện Đạ Huoai.

Tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để gia tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, phấn đấu năm 2025, giá trị sản xuất bình quân đạt trên 160 triệu đồng/ha; Định hướng phát triển sầu riêng, cây ăn quả ở những nơi phù hợp hình thành vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Phấn đấu năm 2025, diện tích ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật thâm canh vào sản xuất đạt khoảng 5.000 ha, trong đó có khoảng trên 3.000 ha sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã vùng trồng. Vận động người dân tích cực tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tiếp tục thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đối với một số sản phẩm nông nghiệp có ưu thế của địa phương như: sầu riêng, hạt điều, trà hoa vàng...