Giữ gìn môi trường mạng xã hội trong sạch

HUỲNH ANH 17:22, 04/03/2024

(LĐ online) - Với đặc điểm mở về không gian và thời gian, mạng xã hội dường như không giới hạn độc giả đối với những bài viết, hình ảnh được chia sẻ công khai. Do đó, việc giữ gìn môi trường mạng xã hội trong sạch không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan hữu quan mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng mạng.

Đáng tiếc, nhiều phần tử thiếu trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội không ngừng đăng tải những thông tin xấu độc, sai trái, thông tin bịa đặt... tác động tiêu cực lên đời sống xã hội, họ thực sự là những kẻ “gây ô nhiễm” không gian mạng.

Lướt một lượt qua các fanpage của Việt Tân, Người Buôn Gió, RFA, RFI, BBC, thongluan-rdp, baoquocdan..., độc giả dễ dàng nhận thấy một bầu “không khí” xám xịt đến ngạt thở với những tin tức, bài viết đầy tính “độc tố” với những thông tin tiêu cực, sai trái. Trong khi chuẩn mực của những nhà báo chân chính có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp luôn là người bảo vệ công lý và lẽ phải, không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, định hướng đi tới những giá trị sống tích cực, cao đẹp... thì một số trang mạng nêu trên và những kẻ chống đối chính quyền thường xuyên đăng tải những tin bài với những giọng điệu tiêu cực, oán trách, phê phán thái quá, thậm chí bịa đặt về đời sống chính trị của đất nước, vẽ ra một bức tranh vô cùng lệch lạc về đất nước, kéo lùi sự phát triển và thành tựu của đất nước trong tiến trình phát triển chung của nhân loại. Cụ thể, họ triệt để lợi dụng những sai phạm của một số cán bộ, đảng viên để quy chụp thành tình trạng sai phạm của cả hệ thống chính trị. Thay vì nhìn nhận những tín hiệu tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, những thành tựu, kết quả đạt được trong công tác này được đông đảo các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao thì họ lại xem đó là “đấu đá nội bộ”, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thậm chí xuyên tạc “Đảng Cộng sản Việt Nam là lò đào tạo sâu dân mọt nước”.

Thời gian vừa qua, khi Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh công cuộc chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ, trong đó có những cán bộ giữ chức vụ cao, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị khoác áo dân chủ nhân quyền lại đăng các bài viết, bài nói xuyên tạc công tác cán bộ của Đảng. Họ quy chụp: thực chất công tác cán bộ của Đảng là sai lầm nên mới sinh ra “nhiều cán bộ hư hỏng” như vậy. Họ cho rằng việc lựa chọn cán bộ của Đảng chủ yếu là theo “cánh hầu”, “phe nhóm”, “con ông cháu cha” mà đưa lên chứ không phải vì tài năng hay đạo đức. Các quan điểm sai trái, xuyên tạc ấy cho rằng để khắc phục tình trạng sai lầm này thì Đảng Cộng sản Việt Nam hãy để cho mọi người tranh cử công khai và không cần Đảng phải thực hiện công tác cán bộ... Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số bài viết bút danh Trà My với những bài viết có nội dung xuyên tạc, bịa đặt đến mức láo xược, hèn hạ. Về công tác cán bộ của Đảng, kẻ này tung tin giật tite: “Đánh đổ chế độ phong kiến để thiết lập cơ chế “con vua thì lại làm vua”, tổng Trọng hãy trả lời?”; “Tình trạng “con anh Sáu cháu anh Năm” kéo dài và đã trở thành vấn đề mặc nhiên được thừa nhận”...

Họ lợi dụng mọi tin tức về điều tra, truy tố, bắt giam cán bộ trong hệ thống chính trị để xuyên tạc, đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Người đọc đủ tin tức, nhận thức và khả năng phân tích thì sẽ dễ dàng nhận thấy tầm nhìn hạn hẹp, lệch lạc của các trang mạng nêu trên và những kẻ chống đối, nhưng không phải độc giả nào cũng có khả năng nắm bắt thông tin đa chiều, dễ bị tin tức của những kẻ chống đối đất nước chèo lái, dẫn đến nhận thức sai về sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, Chính phủ. Có thể thấy, mỗi một bài viết trên các trang mạng không chính thống của các thế lực thù địch là một liều thuốc độc được thả vào không gian mạng, làm “ô nhiễm” môi trường mạng xã hội.

Vì vậy, để giữ gìn môi trường mạng xã hội trong sạch đòi hỏi mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội có trách nhiệm và tuân thủ những quy định sau:

Một là, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý mạng xã hội; nhất là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đối tượng thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tuyệt đối không được lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Hai là, tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.

Ba là, tôn trọng những người tham gia mạng xã hội, có thái độ ứng xử văn hóa, đúng chuẩn mực đạo đức, phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bốn là, nâng cao ý thức học tập và rèn luyện cách ứng xử trên mạng xã hội. Biết quan tâm, lắng nghe, biết chia sẻ với người khác. Khi đưa ra những lời nhận xét, bình luận phải khách quan và tế nhị; tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp. Không nói xấu nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Không đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc có ác ý.

Năm là, suy nghĩ thật kỹ lưỡng, lựa chọn, kiểm chứng thông tin chính xác trước khi đăng lên mạng xã hội, có trách nhiệm với những thông tin mình cung cấp, chia sẻ. Khuyến khích đưa những thông tin tích cực trên mạng xã hội. Không đăng thông tin, hình ảnh không đúng quy định pháp luật, hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức của người Việt Nam.

Sáu là, tìm hiểu rõ nguồn gốc của thông tin trước khi đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội, phân biệt tin thật, tin giả, tin xấu độc; thường xuyên tiếp cận những thông tin chính thống, tích cực; không lập hội, nhóm để chia sẻ, nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội.