Cậu sinh viên đam mê sinh học và giải thưởng của Hiệp hội Thu hải đường Hoa Kỳ

TUẤN HƯƠNG 06:56, 02/05/2023

Với niềm đam mê sinh học và các loài thực vật thuộc họ thu hải đường, cậu sinh viên Đỗ Văn Dương - Lớp CSK43, Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt đã tìm tòi, nghiên cứu về giống cây này và xuất sắc đạt được Giải thưởng của Quỹ Tài trợ sinh viên Hiệp hội Thu hải đường Hoa Kỳ.

Đỗ Văn Dương với chậu thu hải đường hoang dại được nhân giống
Đỗ Văn Dương với chậu thu hải đường hoang dại được nhân giống

Đầu tháng 4 vừa qua, tin vui đến không chỉ với Đỗ Văn Dương mà còn là niềm tự hào của Khoa Sinh học và Trường Đại học Đà Lạt khi cậu sinh viên này đạt được giải thưởng của Quỹ Tài trợ sinh viên Hiệp hội Thu hải đường Hoa Kỳ qua đề tài bảo tồn và nghiên cứu khoa học về thu hải đường ở Việt Nam. Đây là phần thưởng xứng đáng cho Dương bởi quá trình tìm hiểu, mày mò đến đam mê và nghiên cứu về các loài thực vật thuộc họ thu hải đường.

Từ miền sông nước Cần Thơ, vì yêu thiên nhiên của thành phố hoa nên Dương chọn Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt để học tập. Hiện là sinh viên năm thứ 4 nhưng Dương đã tìm hiểu về giống cây thu hải đường từ năm học thứ nhất qua sự “truyền lửa” của Tiến sĩ Hoàng Thị Bình - giảng viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt. 

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ từ Nhật về, sau các chuyến khảo sát thực địa ở các vườn quốc gia từ Bắc vào Nam, Tiến sĩ Hoàng Thị Bình đã thu thập một số loài thu hải đường hoang dại mang về Đà Lạt để trồng. Nhận thấy Việt Nam có tài nguyên về các loài thu hải đường nên Tiến sĩ Bình đã liên hệ với các thành viên ở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam để nhờ thu mẫu trong các chuyến đi khảo sát. 

Nhóm sinh viên của Dương và Tiến sĩ Hoàng Thị Bình với niềm vui khi đạt giải dự án khởi nghiệp về thu hải đường hoang dại
Nhóm sinh viên của Dương và Tiến sĩ Hoàng Thị Bình với niềm vui khi đạt giải dự án khởi nghiệp về thu hải đường hoang dại

“Thấy Dương từ khi học năm thứ nhất đã thích và tìm hiểu về các loài thu hải đường, tôi đã định hướng cho em thành lập 1 nhóm nghiên cứu để chăm sóc và duy trì các loài thu hải đường đã thu thập về Đà Lạt trồng. Đồng thời, hỗ trợ nhóm sinh viên do Dương làm trưởng nhóm đăng ký thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường về nhân giống dinh dưỡng và nhân giống invitro loài thu hải đường. Đầu năm 2023, khi nghe đồng nghiệp Viện Nghiên cứu Lâm sinh nói về chương trình tài trợ cho sinh viên của Hiệp hội Thu hải đường Hoa Kỳ, tôi đã giới thiệu và hướng dẫn Dương liên hệ, làm các thủ tục để xin tài trợ từ quỹ này”, Tiến sĩ Bình chia sẻ.

Được sự hỗ trợ và động viên của Tiến sĩ Bình, nhóm của Dương đã thu thập và nhân giống mỗi loài thu hải đường hoang dại lên hàng chục, có loài hơn 200 cây. Với bộ sưu tập Begonias in Vietnam, nhóm của Dương đã tham gia dự án khởi nghiệp về thu hải đường hoang dại và đạt giải Ba của trường. Hiện nay các loài thu hải đường hoang dại - Bộ sưu tập Begonias in Vietnam đang được bảo tồn tại nhà kính Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt. “Trên thị trường có những loại thu hải đường lai được nhập nội chủ yếu chơi hoa, riêng những loài trong bộ sưu tập Begonias in Vietnam là thu hải đường hoang dại có lá với họa tiết bắt mắt, hình dạng đặc sắc nên được dùng làm kiểng lá. Không chỉ để làm kiểng, thu hải đường của Việt Nam với hơn 100 loài trong đó nhiều loài còn có thể làm dược liệu. Vì vậy, em muốn sưu tập để bảo tồn nguồn gene và phát huy giá trị sẵn có của đất nước”, Dương cho hay.

Hiệp hội Thu hải đường Hoa Kỳ (American Begonia Society) là một hiệp hội chuyên quảng bá và nghiên cứu về các loài thực vật thuộc họ thu hải đường (Begoniaceae). Chi thu hải đường (Begonia L.) là một trong những chi thực vật có hoa lớn nhất với hơn hơn 2.050 loài và hơn 10.000 giống lai. Thu hải đường được biết đến và yêu thích vì những đặc điểm đa dạng và vẻ đẹp của lá, hoa và kích thước của chúng. Hàng năm, Quỹ Tài trợ sinh viên của Hiệp hội Thu hải đường Hoa Kỳ (ABS Student Convention Grant) sẽ tài trợ trên cơ sở cạnh tranh cho những sinh viên quan tâm hoặc tích cực nghiên cứu về họ thực vật Begoniaceae. Khoản tài trợ được thành lập để thúc đẩy sự tham gia của sinh viên và các nhà nghiên cứu tương lai để khuyến khích nghiên cứu mới về họ thu hải đường.

Trước những kết quả ban đầu từ việc tìm tòi, nghiên cứu về thu hải đường của Dương, qua sự giới thiệu của Tiến sĩ Hoàng Thị Bình - Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt và Thạc sĩ Hoàng Thanh Sơn - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cùng sự giúp đỡ của Giáo sư Stephen Maciejewski - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thu hải đường Hoa Kỳ, Dương đã nỗ lực để thực hiện đề tài bảo tồn và nghiên cứu khoa học về thu hải đường ở Việt Nam và xuất sắc đạt giải thưởng của Quỹ Tài trợ sinh viên Hiệp hội Thu hải đường Hoa Kỳ. Đây cũng là cơ hội để Dương tiếp tục theo đuổi và phát triển thêm đam mê của bản thân đối với giống cây thu hải đường cũng như ngành Sinh học. 

Với Giải thưởng từ Quỹ Tài trợ sinh viên của Hiệp hội Thu hải đường Hoa Kỳ, Dương được tham gia Hiệp hội với tư cách thành viên. Hàng năm, Hiệp hội Thu hải đường Hoa Kỳ tổ chức hội nghị thường niên để tìm hiểu về các loài thu hải đường và công việc thực địa cũng như trồng giống cây này thông qua các bài thuyết trình được nghiên cứu gần đây. Vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên chỉ có một bài thuyết trình trực tiếp và năm bài thuyết trình được ghi hình trước sẽ được trình chiếu tại hội nghị thường niên năm 2023 tổ chức tại bang Texas trong tháng 5 này. Tại hội nghị này, bài thuyết trình về chủ đề “Begonias in Vietnam: Conservation and scientific research” của Dương sẽ được trình chiếu. Với chủ đề này, Dương trình bày về tình trạng bảo tồn một số loài Thu hải đường hoang dại và tình hình nghiên cứu khoa học về các loài thu hải đường ở Việt Nam. Bên cạnh đó, bộ sưu tập thu hải đường Việt Nam - Begonias in Vietnam cũng được giới thiệu đến bạn bè quốc tế. 

“Dương là sinh viên đầu tiên của khoa cũng như của trường đạt được Giải thưởng của Quỹ Tài trợ sinh viên Hiệp hội Thu hải đường Hoa Kỳ. Em là tấm gương cho các sinh viên, học sinh có thêm động lực để tham gia vào ngành Sinh học trong tương lai, đặc biệt là sinh học bảo tồn trong bối cảnh đa dạng sinh học ngày càng bị suy giảm hiện nay. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung, Trường Đại học Đà Lạt nói riêng ra thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về thực vật, đặc biệt là công tác bảo tồn, ứng dụng các loài thực vật hoang dã vào đời sống”, Tiến sĩ Hoàng Thị Bình cho biết.