Tham gia giao thông an toàn không phải vì chính bản thân mình

NGUYỄN NGHĨA 06:27, 12/12/2023

Giao thông đang trở thành một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của xã hội hiện đại. Với sự phát triển nhanh chóng của số lượng phương tiện di chuyển, dân số, văn hóa giao thông trở thành một yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn và sự thuận lợi trong việc di chuyển. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện văn hóa giao thông, nhưng có thể thấy rằng các số liệu về an toàn giao thông (ATGT) vẫn chưa đạt đến mức độ bền vững.

CSGT tuyên truyền, hướng dẫn ATGT cho học sinh
CSGT tuyên truyền, hướng dẫn ATGT cho học sinh

Văn hóa giao thông phản ánh tư duy và hành vi của người dân khi tham gia giao thông hàng ngày. Điều này bao gồm sự tôn trọng quy tắc giao thông, ý thức về an toàn và sự chia sẻ khi tham gia điều khiển các phương tiện trên đường. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thường chứng kiến nhiều hành vi vi phạm quy tắc giao thông và thiếu ý thức từ phía người tham gia giao thông như tranh thủ phóng nhanh khi đèn xanh chỉ còn 1 giây, hay khi đèn vàng; chạy tạt đầu xe để giành đường…

Có thể thấy rằng, nguyên nhân chính của hành vi thiếu văn hóa giao thông là do người điều khiển phương tiện di chuyển tập trung vào lợi ích cá nhân. Họ chỉ quan tâm đến việc làm sao để cá nhân mình di chuyển được một cách nhanh chóng nhất mà không quan tâm đến hậu quả mà họ có thể gây ra cho người khác. Hành vi vi phạm, như vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, vượt ẩu và không nhường đường theo hướng ưu tiên đã trở thành chuyện thường ngày gây ra những áp lực và căng thẳng trong giao thông, đặc biệt là ở các tuyến quốc lộ đông đúc và khu vực đô thị.

Một thực tế nữa, công tác đào tạo lái xe, đặc biệt là kiến thức về giao thông như đọc và hiểu các biển báo, các mũi tên, vạch kẻ trên đường; kiến thức di chuyển khi tham gia giao thông như phần đường, làn đường nào được ưu tiên khi vào vòng xoay, khi đi qua giao lộ, khi di chuyển trên đường,… còn hạn chế nhất định. Người điều khiển phương tiện chỉ chủ yếu trang bị cho mình những kỹ năng sử dụng xe dẫn đến đa số người dân không có đầy đủ kiến thức về quy tắc giao thông, chưa hiểu biển báo và cách thức ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Điều này dẫn đến khi điều khiển phương tiện đã đưa ra những quyết định không đúng, không an toàn, không nhường hướng, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. 

Chị Phương Uyên (bán nước giải khát ở Bảo Lộc) cho biết: Nhà tôi ở ngay mặt tiền đường Trần Phú, mỗi ngày đều chứng kiến một số trường hợp tham gia giao thông với ý thức kém vì sự ích kỷ của cá nhân mà lấn làn, vượt xe, nhấn ga phóng nhanh để vượt đèn vàng... Và hầu hết các vụ tai nạn tôi chứng kiến đều gây ra bởi sự thiếu ý thức và ích kỷ như vậy. Theo chị Phương Uyên, để xây dựng văn hóa giao thông bền vững, cần có sự đồng lòng và hợp tác từ tất cả các bên liên quan. Chị cũng cho rằng, công tác đào tạo lái xe đối với tất cả các loại hình phương tiện như xe gắn máy và các loại ô tô trong điều kiện ngày càng nhiều phương tiện trên đường phố như hiện nay cần tăng cường quản lý, chú trọng hơn nữa đến đào tạo lý thuyết và thực hành thi hành quy tắc giao thông chặt chẽ, nghiêm túc. 

Chia sẻ với phóng viên, các cán bộ làm công tác tuyên truyền của Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Để xây dựng một văn hóa giao thông bền vững, cần thay đổi tư duy và hành vi cá nhân. Mỗi người dân cần nhận thức rằng việc tham gia giao thông an toàn không chỉ là vì lợi ích cá nhân mà còn vì an toàn và trật tự của cộng đồng. Văn hoá giao thông chỉ thật sự được hình thành và bền vững khi người dân nhìn thấy rằng việc tuân thủ quy tắc giao thông và đối xử tôn trọng với người khác là cách để góp phần xây dựng một xã hội văn minh và an toàn hơn cho không chỉ bản thân mà với tất cả những người xung quanh.

Để xây dựng một văn hóa giao thông bền vững, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh, huyện và các thành viên của Ban ATGT cũng đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền tập trung vào việc thay đổi tư duy và hành vi cá nhân, tăng cường giáo dục và thông tin về ATGT, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, tạo ra một môi trường tăng cường ý thức cộng đồng và trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, các hoạt động tuyên truyền trên thực tế vẫn chưa thể phổ biến được rộng rãi đến mọi tầng lớp Nhân dân, dẫn đến ý thức giao thông đúng luật chưa bám sâu vào tư duy và ý thức của người dân. 

Theo số liệu thống kê, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong 11 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến này tiếp tục đặt ra yêu cầu về việc cần thiết phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát, quản lý giao thông và đặc biệt là công tác tuyên truyền, làm sao để văn hoá giao thông thấm sâu vào từng người dân. Và điều này, cần sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức của người dân vì chỉ khi tất cả chúng ta đóng góp và hợp tác với nhau, mới có thể xây dựng một văn hóa giao thông bền vững và đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.