Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

AN NHIÊN 16:41, 30/05/2023

* Khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc

(LĐ online) - Ngày 30/5, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm, ngăn ngừa tử vong do thực phẩm gây ra.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số tổ chức, cá nhân chưa đảm bảo các điều kiện ATTP song vẫn hoạt động gây nguy cơ rất lớn mất ATTP, còn xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa, quả rừng)… ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
 Đặc biệt, ngộ độc thực phẩm liên quan bữa ăn tiệc cưới được tổ chức tại huyện Di Linh, ngộ độc do ăn quả cây ngô đồng tại huyện Bảo Lâm và ăn nấm hái trên rừng tại huyện Di Linh, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị.
Để chủ động bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên, đặc biệt do nấm độc và các loại hoa, quả rừng…, UBND tỉnh yêu cầu các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP theo phân công, phân cấp tại Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 28/4/2020 của UBND tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các vi phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm, đột xuất, giải quyết các sự cố mất, xảy ra ngộ độc ATTP, kịp thời ngăn chặn, không để thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP, thực phẩm có chứa chất cấm lưu hành đến tay người tiêu dùng… Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng tăng cường tuyên truyền về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng, khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây, củ, quả rừng lạ...; hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.
UBND các huyện, thành phố chủ động tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm bảo đảm ATTP trên địa bàn. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP của cơ quan Nhà nước cấp dưới. Kiểm soát tốt các hoạt động từ thiện, nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng. Khuyến cáo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây, củ, quả rừng lạ...