Lâm Hà: Liên kết những cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã

NHẬT QUỲNH 05:50, 23/05/2023

Tiếp nối thành công của Mô hình Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân cựu chiến binh (CCB), CCB làm kinh tế tỉnh và CLB CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, Hội CCB Lâm Hà đã ra mắt các CLB CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã nhằm tạo sân chơi cho hội viên trao đổi kinh nghiệm, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong làm kinh tế. Với tính thực tiễn của CLB, Hội kỳ vọng đây sẽ là bước đệm để phát triển Phong trào CCB làm kinh tế giỏi trên địa bàn. 

CLB CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã đáp ứng nhu cầu học hỏi, phát triển kinh tế của hội viên
CLB CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã đáp ứng nhu cầu học hỏi, phát triển kinh tế của hội viên

Theo ông Nguyễn Ngọc Phi - Chủ tịch Hội CCB huyện Lâm Hà, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 02 Phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, giai đoạn 2022-2027, của Hội CCB tỉnh và từ hiệu quả của các mô hình CLB phát triển kinh tế cấp tỉnh và cấp huyện thời gian qua, Hội nhận thấy việc mở rộng mô hình này ở cấp cơ sở là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Theo đó, CLB CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã tập hợp những CCB làm kinh tế giỏi và những CCB có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh; là nơi để các CCB trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau, liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để việc triển khai mô hình được hiệu quả, các Hội CCB cấp xã trên địa bàn được chia làm ba cụm. Cụm 1 gồm 5 xã, thị trấn: Đinh Văn, Tân Văn, Đạ Đờn, Phi Tô và Phú Sơn; cụm 2 gồm 6 xã: Tân Hà, Liên Hà, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng và Tân Thanh; cụm 3 gồm 5 xã, thị trấn: Nam Ban, Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, Nam Hà. Cuối tháng 4 vừa qua, tại cụm 1 và cụm 2, Hội huyện chọn xã Phú Sơn, Tân Hà làm điểm để thành lập, ra mắt 2 CLB CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã; riêng mô hình điểm ở xã Gia Lâm, tại cụm 3, sẽ dự kiến ra mắt trong tháng 5.

Đây là những tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính, công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các thành viên. Theo ông Nguyễn Tấn Chơi - Chủ tịch Hội CCB xã Phú Sơn, kiêm Chủ nhiệm CLB CCB sản xuất, kinh doanh giỏi xã, CLB ở Phú Sơn hiện có 32 thành viên - đều là những CCB làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã. Các thành viên của CLB hiện đang tham gia hoạt động tại các tổ hợp tác như trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi bò thịt, trồng chuối Laba, trồng tiêu. Mặc dù mới thành lập nhưng sức hút CLB là khá lớn; nhiều CCB có kinh nghiệm phát triển kinh tế chủ động tham gia CLB để liên kết, mở rộng sản xuất, kinh doanh, cũng như trao đổi kinh nghiệm.

Tham gia CLB, hai tháng một lần, tùy theo nhu cầu chuyển đổi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, các thành viên sẽ được đi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các điển hình, mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong và ngoài địa bàn huyện. Định kỳ hàng quý, CLB sẽ họp mặt báo cáo, trao đổi, nắm bắt tình hình cũng như tâm tư, nguyện vọng của hội viên; từ đó, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động phù hợp với thực tế. Ngoài ra, dựa trên những mối quan hệ, liên kết với các cơ quan chuyên môn, các đơn vị chuyển giao khoa học - kỹ thuật, CLB sẽ tổ chức các buổi giới thiệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối Laba, sầu riêng, mắc ca... cho hội viên có nhu cầu. Mặt khác, ngoài việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, CLB cũng đặc biệt quan tâm đến việc giúp đỡ, hỗ trợ các CCB khó khăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tương tự, CLB CCB sản xuất, kinh doanh xã Tân Hà cũng đã tập hợp được 15 thành viên tham gia hoạt động, phần lớn là các hộ trồng cà phê, mắc ca, dâu tằm, sầu riêng với tổng diện tích hơn 25 ha. “Đây đều là các hộ có kinh nghiệm sản xuất lâu năm, có hiệu quả kinh tế, có nhu cầu mở rộng, liên kết sản xuất, phối hợp tìm kiếm đầu ra ổn định”, ông Nguyễn Văn Bằng - Chủ tịch Hội CCB xã Tân Hà cho biết. Thời điểm này, CLB tập trung khảo sát nhu cầu của thành viên, phân loại ngành nghề sản xuất, tham gia các buổi tập huấn kinh tế tập thể do tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, CLB sẽ tổ chức các buổi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu mô hình sản xuất - kinh doanh trong và ngoài xã; đồng thời, thiết lập các mối quan hệ với các doanh nghiệp, ban, ngành và các cơ quan chuyên môn... để chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.

Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng sự ra đời của các CLB CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã đã đáp ứng kịp thời mong mỏi của đông đảo CCB trên địa bàn huyện, giúp các CCB có điều kiện để được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau cũng như góp phần tạo không khí thi đua sản xuất, kinh doanh sôi nổi trong CCB. Vì vậy, theo ông Phi, thời gian tới, Hội sẽ kiện toàn bộ máy, kế hoạch, chương trình hoạt động của các CLB điểm; theo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các CLB, nhận biết những vướng mắc, hạn chế trong quá trình hoạt động để kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Nếu các CLB điểm đảm bảo tính hiệu quả, Hội sẽ nhân rộng sang các xã khác. Cùng với đó, thời gian này, Hội CCB huyện sẽ tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp hội viên CCB nhận thức rõ vai trò, lợi ích tham gia CLB.