Trùng tu, cải tạo Di tích Trường Cao đẳng Đà Lạt đảm bảo sự hài hòa trong tổng thể kiến trúc

QUỲNH UYỂN 16:46, 04/01/2024

(LĐ online) - Dự án cải tạo, sửa chữa trụ sở chính Trường Cao đẳng Đà Lạt đã được UBND tỉnh thống nhất với 11 hạng mục cải tạo, sửa chữa theo đề xuất của Trường Cao đẳng Đà Lạt.

Với kiến trúc độc đáo, Trường Cao đẳng Đà Lạt là một trong 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ XX

Trong đó, 2/11 hạng mục là Hội trường A và Hành lang nội bộ kết nối giữa các khối nhà có trong hồ sơ di tích quốc gia Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (nay là trụ sở chính của Trường Cao đẳng Đà Lạt) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích quốc gia ngày 28/12/2001. Tuy nhiên 2 hạng mục này đã xuống cấp cần được tu sửa, phục hồi cấp thiết. Việc sửa chữa không làm thay đổi yếu tố gốc của di tích.

Với vẻ đẹp kiến trúc, Trường Cao đẳng Đà Lạt như một không gian nghệ thuật rộng lớn

Bên cạnh đó, 9/11 hạng mục không nằm trong hồ sơ di tích quốc gia được công nhận: nhà đa năng; khối nhà ký thúc xá A; khối nhà ký thúc xá B; khối nhà thư viện; khối nhà thực hành du lịch; khối phòng học; cổng, hàng rào; hệ thống phòng cháy, chữa cháy; nâng cấp sân, đường nội bộ, hệ thống mương thoát nước, hệ thống cấp nước…

Việc tu sửa, cải tạo là cần thiết nhằm đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy của 3 trường sau khi sáp nhập. Đây là hoạt động sửa chữa mang tính cấp thiết giúp gia cố, gia cường để ngăn chặn nguy cơ xuống cấp, bảo tồn di tích; góp phần tôn tạo cảnh quan, kiến trúc, tạo môi trường an toàn, lành mạnh, phục vụ cho công tác giảng dạy đối với nhà trường.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã đề nghị chủ đầu tư thực hiện một số nội dung cụ thể: Thành lập Hội đồng đánh giá di tích, ban hành quy chế làm việc của Hội đồng (thành viên gồm chủ đầu tư; đại diện tổ chức lập dự án, lập thiết kế bản kẽ thi công, giám sát thi công; đại diện các sở, ngành liên quan); hạn chế tối đa việc san gạt, đào lấp làm thay đổi hiện trạng mặt bằng, làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan của di tích.

Nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu tương đồng với vật liệu cũ, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và tương đồng về màu sắc để tránh phá vỡ cảnh quan chung của tổng thể công trình; đặc biệt là đối với hạng mục Hội trường A và hạng mục Hành lang đường nội bộ kết nối giữa các khối nhà.