Sức sống Phong trào Văn nghệ quần chúng ở Lâm Hà

QUỲNH UYỂN 06:24, 12/12/2023

Nhiều năm qua, sức hấp dẫn của văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu ở các tổ dân phố, thôn, xã, thị trấn của huyện Lâm Hà. Qua đó thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo sân chơi lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các CLB văn hóa văn nghệ quần chúng huyện Lâm Hà biểu diễn trên sân khấu
liên hoan cấp huyện, cấp tỉnh
Các CLB văn hóa văn nghệ quần chúng huyện Lâm Hà biểu diễn trên sân khấu liên hoan cấp huyện, cấp tỉnh

Mỗi buổi tối, không khí nhà văn hóa tổ dân phố Chi Lăng 3 (Nam Ban) lại sôi động bởi lời ca, tiếng hát rộn ràng hòa cùng những bước nhảy, điệu múa uyển chuyển. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt rạng rỡ của các thành viên trong CLB Dân ca quan họ. Được hình thành từ năm 2010, CLB không ngừng phát triển nhờ nguồn kinh phí đóng góp của các thành viên. Với niềm đam mê, tình yêu dành cho di sản văn hóa dân tộc, những làn điệu quan họ không ngừng được sưu tầm, luyện tập, trang phục biểu diễn, nhạc cụ được mua sắm. Các thế hệ liền anh, liền chị vừa gìn giữ làm sống lại những bài dân ca quan họ cổ, đặt lời mới ngợi ca quê mới, vừa truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếp nối. CLB là lực lượng chính biểu diễn văn hóa, văn nghệ phục vụ Nhân dân vào dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị của thôn, xã.

Được đánh giá là địa phương có phong trào văn nghệ, quần chúng phát triển mạnh, xã Tân Hà có nhiều CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng dành cho mọi lứa tuổi. 11/11 thôn đều có CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được thành lập hoạt động thường xuyên và hiệu quả, như: CLB Liên thế hệ thôn Đan Phượng, CLB thôn Phúc Thọ 1, CLB Dưỡng sinh thôn Phúc Hưng, CLB Hát chèo, CLB Thơ, ca xã Tân Hà, CLB bóng đá, bóng chuyền... thu hút đông đảo người dân trên địa bàn xã tham gia. Trong đó nổi bật nhất là CLB Hát chèo với những giọng hát chuyên nghiệp. 

Anh Trần Văn Tuynh - cán bộ văn hóa xã Tân Hà chia sẻ: “Để đảm bảo cho các CLB hoạt động thường xuyên và hiệu quả, UBND xã đã ban hành các quyết định thành lập CLB, quyết định kiện toàn ban chủ nhiệm CLB, ban hành quy chế hoạt động CLB đúng theo quy định. Ngoài việc luyện tập đều đặn, các CLB đều xây dựng kế hoạch luyện tập cụ thể theo từng thời điểm, để biểu diễn nhân các dịp lễ hội, ngày kỷ niệm; các đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn phục vụ bà con Nhân dân trong xã, chúng tôi lựa chọn những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu để tham gia thi các hội diễn văn nghệ của huyện, của tỉnh. Qua đó, các nét đẹp văn hóa của các vùng, miền, các dân tộc nhất là nét văn hóa của người Hà Nội được giữ vững và phát huy mạnh mẽ”.

Xã Tân Văn có 14 thôn thì có đến 16 CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT hoạt động thường xuyên, hiệu quả; gồm 1 CLB Dân ca 3 thế hệ, 1 CLB Thơ và 14 CLB Gia đình văn hóa. Tại Đông Thanh, toàn xã có 7/7 thôn có CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Chỉ riêng xã Nam Hà đã có đến 3 CLB văn nghệ quần chúng cấp xã, ở các thôn đều có CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT hoạt động sôi nổi...

Dù trong những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, khai hoang mở đất, hay những ngày phải thắt lưng buộc bụng xây dựng cuộc sống, nhưng những cư dân từ nhiều miền quê trên mọi miền đất nước tụ hội về Lâm Hà vẫn luôn lưu giữ, ấp ủ những làn điệu dân ca, coi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu, động viên mọi người hăng say lao động sản xuất. Những lúc nông nhàn lại cùng nhau hát, để khi cuộc sống đổi thay, những CLB lần lượt ra đời, cùng hát cho nhau nghe, đem lời ca tiếng hát phục vụ Nhân dân trong những sự kiện trọng đại của thôn xóm, buôn làng, của xã, của huyện.

Huyện Lâm Hà hiện đang duy trì gần 200 CLB, đội văn hóa, văn nghệ TDTT tại 170/170 thôn, khu phố với đủ loại hình CLB dân ca 3 miền, CLB quan họ, CLB hát chèo, CLB dân ca dân vũ, CLB cải lương, CLB hát then đàn tính, CLB thơ nhạc... hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Ở các kỳ liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng của huyện, người xem ấn tượng về một miền đất hội tụ nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc qua các CLB: cải lương của Phú Sơn, chèo Tân Hà, Đan Phượng, Nam Ban, chầu văn của Tân Văn, Quan họ Nam Ban, Đan Phượng, hát then đàn tính Tân Thanh, Phi Tô, CLB Ví giặm Nam Ban, Cồng chiêng Đinh Văn, Đạ Đờn... 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đội văn nghệ quần chúng phát triển, hoạt động có hiệu quả, huyện Lâm Hà đã tăng cường cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp. 16/16 xã, thị trấn đều có nhà văn hóa được xây dựng khang trang. Hầu hết 170 thôn, tổ dân phố đều có nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhiều hội thi, liên hoan văn nghệ được tổ chức từ huyện đến cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, từ đó phát hiện hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt của phong trào. Đồng thời, đóng góp tích cực vào việc duy trì, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống và nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại các địa phương.

Theo bà Chế Phương Nam - Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lâm Hà: Để tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và khuyến khích các CLB, tổ, đội nhóm văn hóa, văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả. Có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn nghệ quần chúng, tạo nguồn lực để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.