Ghi nhận từ Hội thi Kể chuyện theo sách

NHẬT MINH 06:06, 21/03/2023

Với lối kể chuyện sinh động, truyền cảm và hấp dẫn cùng với sự đầu tư công phu, các thí sinh tham gia Hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Những trang sách đi cùng năm tháng” do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Đức Trọng phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo và Huyện Đoàn tổ chức vào cuối tuần qua đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả.

Một câu chuyện được kể tại hội thi
Một câu chuyện được kể tại hội thi

• MỖI MỘT CÂU CHUYỆN MANG MỘT BÀI HỌC Ý NGHĨA

Hội thi đã thu hút các em học sinh đến từ 44 trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Đức Trọng. Các thí sinh tham gia hội thi kể về một câu chuyện đã được xuất bản và phát hành trên sách, báo, tạp chí. Nội dung ca ngợi quê hương đất nước; gương các anh hùng, liệt sĩ, gương người tốt, việc tốt ở lứa tuổi thiếu nhi, các danh nhân của đất nước, kỹ năng sống; sự kính trọng, lễ phép đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô, những câu chuyện cổ tích, thần thoại... 

Tại hội thi, những câu chuyện kể về Bác Hồ như: Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Tình yêu Bác Hồ dành cho những khúc dân ca... đã cuốn hút người nghe. Bên cạnh đó, hội thi còn mang đến nhiều câu chuyện kể xúc động, bi tráng về chủ đề chiến tranh, tình yêu quê hương, đất nước, tình mẫu tử, bảo vệ chủ quyền biển, đảo như: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Túi gạo của mẹ, Sự tích cây vú sữa...

Em Nguyễn Vũ Mai Khôi - học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Ninh Loan, cho biết: “Từ khi biết đọc chữ, em đã yêu thích đọc sách và em luôn dành thời gian rảnh trong ngày để lên thư viện của trường tìm sách đọc. Với em, qua mỗi câu chuyện, em đều rút ra cho mình một bài học ý nghĩa khác nhau. Và với câu chuyện Túi gạo của mẹ em chọn kể tại hội thi hôm nay, em muốn nhắn nhủ tới các bạn nhỏ rằng, phải biết yêu thương cha mẹ nhiều hơn, phải cố gắng học hành để không phụ lòng cha mẹ, vì cha mẹ là người lo lắng, yêu thương mình nhiều nhất”.

Mỗi câu chuyện mang một ý nghĩa, màu sắc khác nhau nhưng đọng lại trong lòng khán, thính giả qua hội thi lần này chính là phần diễn xuất tự tin của các thí sinh. Ngoài giọng kể chuyện truyền cảm, mỗi thí sinh còn chọn cho mình một cách minh họa khác nhau để tạo thêm sức hấp dẫn, sự sinh động cho câu chuyện, để người nghe cảm thụ tốt hơn, cảm nhận sâu sắc hơn về những bài học, thông điệp mà câu chuyện các em muốn nói.

• GÓP PHẦN LAN TỎA VĂN HÓA ĐỌC

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo - nhân viên thư viện Trường Tiểu học Ninh Loan chia sẻ: “Vào giờ chào cờ đầu tuần, tôi đều giới thiệu sách đến với các em học sinh; riêng trong các lớp đều có thư viện góc lớp, ở đó, các em học sinh cũng thường xuyên luân chuyển sách để cho nhau cùng đọc. Đối với một trường thuộc vùng sâu, vùng xa như Ninh Loan, việc đi lại khá khó khăn, các em học sinh chủ yếu học một buổi, còn đối với những giờ học tăng buổi như Anh văn, Tin học, giờ ra chơi, các em đều tham gia đọc sách trong phòng thư viện, thư viện xanh và thư viện góc lớp. Hàng năm, vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 12, trường cũng tổ chức hội thi kể chuyện theo sách cấp trường. Và những hội thi kể chuyện theo sách như thế này, tôi thấy thật sự rất ý nghĩa, bản thân tôi vừa trau dồi thêm cho mình và cũng phát hiện ra những bạn học sinh có năng khiếu kể chuyện, để từ đó, trau dồi cho các bạn thêm, để tình yêu đọc sách của các bạn càng được nhân lên. Đồng thời, cũng sẽ giúp các em rút ra cho mình những bài học quý giá, ý nghĩa từ những câu chuyện kể, để càng yêu thêm quê hương, đất nước, gia đình...”.

Đánh giá về Hội thi Kể chuyển theo sách lần này, bà Phạm Thị Mai - Phụ trách Thư viện huyện Đức Trọng, cho biết: “Đến với hội thi lần này, các đơn vị đã có sự đầu tư công phu, bài bản hơn hẳn so với các năm trước đây. Các thí sinh cũng đã bám sát chủ đề hội thi; với giọng kể mạch lạc, truyền cảm, hấp dẫn phù hợp với lứa tuổi của mình. Đặc biệt, phần minh họa đã được dàn dựng công phu, tỉ mỉ cùng với các trang phục hấp dẫn, lạ mắt. Và thông qua việc tổ chức hội thi 2 năm/lần, chúng tôi mong muốn xây dựng và phát triển phong trào đọc sách đối với thanh, thiếu niên và nhi đồng trong toàn huyện. Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục truyền thống, vun đắp cho các em tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm đạo đức cao đẹp về Bác Hồ, những gương anh hùng dân tộc; những phẩm chất, giá trị cao đẹp của ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè; ý thức tập thể, tinh thần tương thân, tương ái; giáo dục các em về gương người tốt, việc tốt, tránh các thói hư, tật xấu, cũng như rèn kỹ năng sống... từ những bài học được rút ra từ các câu chuyện kể”.