Khát vọng cồng chiêng

PHAN MINH ĐẠO 07:44, 21/01/2023

Âm sắc cồng chiêng mê hoặc hồn người, vang vọng đại ngàn, giữ vòng xoang quanh hoa lửa thiêng và hương nồng rượu cần… Cồng chiêng là hiện thân của truyền khẩu, làm trụ cột cho không gian văn hóa đặc sắc, góp phần tạo nên văn hóa để “thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Cùng vòng xoang quanh cây nêu và bên nhà sàn
Cùng vòng xoang quanh cây nêu và bên nhà sàn

CHẤT CHỨA NHỮNG KHÁT VỌNG

Dải khăn quấn đầu, tấm choàng chéo vai màu trắng hay thổ cẩm sặc sỡ sắc họa tiết thiên nhiên của người Churu, K’Ho, Mạ, M’nông, Răglay, S’Tiêng là trang phục của đồng bào Nam Tây Nguyên trong các lễ hội truyền thống. Những lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng đưa con người neo với đại ngàn, tìm đồng vọng thân thiết để trải lòng yêu thương… “Hãy đánh những chiêng có âm thanh hay nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất, đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà, vòng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mải mê nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột, sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ…”. Đó là khát vọng của đồng bào Ê Đê trong bộ sử thi Đăm Săn - “Klei khan Y Đam San” (Bài ca chàng Đam San), cũng là khát vọng của các tộc người sống dọc dãy núi Trường Sơn Đông. 

Chiêng Tha của người Brâu, chiêng Kuanh của người Mơ Nông, chiêng A ráp của người Gia Rai, chiêng Dlăng dăng, chiêng Kớt n’rat, chiêng Knah của người Ê Đê, chiêng Goong của người BaNa… Chiêng 6 được định danh, là trật tự của diễn tấu là thứ tự của phân âm giữ nhịp, hòa âm sắc: K’Nah Di (chị đầu), H’liang (chị thứ 2), Khơk (con trai lớn), H’liang (chị thứ 3), H’luê Khơk (con trai thứ 2) và H’luê Khơk điêt (con trai út). Cùng hòa âm làm nên những giai điệu quyến rũ, cuốn hút còn có chiêng Cêhar (chiêng ông), Ana (chiêng mẹ), M’đuêh (chiêng bố), Mong (chiêng ông cậu)… Bộ 6 chiêng bằng của người K’Ho, Mạ (cing droòng) được chỉ dấu: Vàng (mẹ), Rđơm (cha), Dơn (anh đầu), Thoòng (anh thứ 2), Thơ (anh thứ 3) và Thê (em út). 

Cồng chiêng là nhạc cụ, là phương tiện biểu đạt ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thế giới siêu nhiên. “Chiêng thiêng” mang những bản sắc của mỗi dân tộc làm nên những bản tấu riêng - tiếng nói riêng về tiết tấu, điệu thức, tầng bậc phối âm và phương thức khai âm, giữ âm, truyền âm... Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành “kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào tháng 11/2005.

Sơn nữ cùng đánh chiêng và múa
Sơn nữ cùng đánh chiêng và múa

MONG CHO TIẾNG CHIÊNG NGÂN MÃI 

Năm tỉnh Tây Nguyên hiện có 17 dân tộc thiểu số bản địa thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (Austro-Asian) và Nam đảo (Austronesian). Ở tỉnh Lâm Đồng có các dân tộc K’Ho, Mạ, Churu, M’Nông, Răglay và S’Tiêng, chiếm khoảng 17% dân số. Cũng như các dân tộc gốc Tây Nguyên, quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội và tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của các cộng đồng. Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - GS.TSKH Tô Ngọc Thanh nhận xét: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một rất lớn. Việc gìn giữ và chuyển giao các tri thức và bí quyết về cồng chiêng lại cho thế hệ tương lai gặp rất nhiều khó khăn. Phần vì nhiều nghệ nhân nắm giữ bí quyết qua đời, nhiều người không còn biết hết các nghi lễ truyền thống, thế hệ trẻ ít hoặc không quan tâm đến cồng chiêng do sức hút mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại và văn hóa du nhập. Ở nhiều nơi, cồng chiêng bị tước khỏi ý nghĩa nguyên bản và không gian văn hóa linh thiêng. Cồng chiêng trở thành những vật buôn bán trao đổi, tái chế phục vụ cho các mục đích khác”. 

Có mặt tại các lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số Lâm Đồng, chúng tôi gặp gỡ những chủ nhân văn hóa cồng chiêng. Nghệ nhân ưu tú BiO, dân tộc Churu nói: “Mình mong muốn thường xuyên tổ chức những ngày hội như thế này để bà con đồng bào các dân tộc Tây Nguyên học hỏi lẫn nhau để bảo tồn gìn giữ được cái quý giá của cha ông để lại cho chúng ta. Với cá nhân tôi sẽ cố gắng hết mình truyền đạt cho các em trẻ để cùng phát triển”. Chị Điểu Thị B’rơt, dân tộc Mạ bày tỏ: “Là nơi xa nhất tỉnh Lâm Đồng (xã Đồng Nai Thượng), được tham gia ngày hội văn hóa như này, bà con mình rất vui vì được dịp thể hiện bản sắc văn hóa của mình và học hỏi thêm của các bạn khác”. Anh Ja Cha Bu Bảo huyện Di Linh cũng chia sẻ: “Mọi người trong đoàn rất vui là được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để tiếp thu cùng gìn giữ bản sắc văn hóa cho anh em”. Còn anh K’Mak, phụ trách văn hóa của Trung tâm Văn hóa huyện Đạ Huoai nói: “Việc tổ chức như này là có ý nghĩa để bảo tồn văn hóa. Nó không phải là văn hóa hiện đại nhưng gắn bó với đời sống của bà con. Tôi mong các cơ quan chức năng có thể mở rộng lễ hội rộng ra như mời một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác của Tây Nguyên để có dịp bà con Lâm Đồng hiểu biết và học hỏi. Đối với lớp trẻ, tôi rất mong các em cần học hỏi để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là cồng chiêng rất cần phải giữ gìn, không nên để mờ đi trong văn hóa hiện đại”. Với Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, ông Liêng Hót Ha Hai bày tỏ: “Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cần được bảo tồn và phát huy. Nếu không có sự quan tâm bài bản, có cơ chế và chính sách hợp lý thì văn hóa sẽ mai một. Việc tổ chức lễ hội như thế này mới có dịp để thể hiện những tiềm năng văn hóa của đồng bào. Không được bộc lộ, không được thể hiện thì sẽ mất dần và không phát huy nó…”. 

 

Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng lần thứ V - năm 2022, ông Đặng Trí Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: “Thời gian qua, các nhà nghiên cứu đã tốn khá nhiều thời gian, công sức và giấy mực để nói cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc của cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, cồng chiêng Nam Tây Nguyên nói riêng; với chúng ta, Ngày hội năm 2022 là một dịp minh chứng sống động nhất cho những giá trị văn hóa đó”.

 

GIỮ GÌN, TRÂN TRỌNG VÀ PHÁT HUY BÁU VẬT

Cồng chiêng như mạch nước ngầm thấm đẫm hơi thở cuộc sống của cư dân. Khôi phục các giá trị truyền thống, trả lại cho cồng chiêng linh hồn và cuộc sống đích thực của nó cần chung tay của ngành chức năng và cộng đồng. Việc tổ chức thường xuyên các lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên là một giải pháp có ý nghĩa để bảo tồn văn hóa. Tiến sĩ Bùi Trọng Hiền, nhà nghiên cứu của Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Bây giờ chúng ta bảo tồn cồng chiêng trong không gian văn hóa của nó rất khó. Mà nghệ thuật cồng chiêng đã xác định rất rõ là giá trị đỉnh cao của nhân loại”. Theo ông, “tách nó ra khỏi cộng đồng, đưa nó vào cuộc thi mà thực chất của cuộc thi là liên hoan để khích lệ, khuyến khích tình yêu của lớp trẻ với cồng chiêng Tây Nguyên”. 

Để chấn hưng và phát triển văn hoá, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, một trong những giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả thời gian tới là: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại. Đó là tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, Cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy”. 

Ngày 20/11/2022, tại Đà Lạt đã diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. “Thể chế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nên các địa phương Tây Nguyên phải chủ động đề xuất”, Thủ tướng nói. Sau Hội nghị này, tại buổi làm việc của Thủ tướng với tỉnh Lâm Đồng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng kiến nghị tỉnh quan tâm triển khai chính sách dân tộc trong tình hình mới. Phát huy, bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng.