Bỏ qua đi, sắp Tết rồi…

Truyện ngắn: NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN 06:38, 12/01/2023
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Gần Tết, chỗ nào cũng chộn rộn, ai nấy rất khẩn trương nhưng vẫn rất vui vẻ. Tôi thích cảnh này, và tôi ước giá cuộc sống có nhiều ngày cuối năm như thế, dù mệt nhọc, người ta vẫn giòn giã nói cười và dễ dàng tha thứ. 

Hôm ấy, sau buổi dạy, tôi lại lóc cóc ra đường nhựa chờ xe buýt.

Xe dừng, tôi bước lên xe và lớ ngớ vì không tìm được chỗ ngồi. Qua cua, mọi người trên xe đều ngã người lắc lư. Đoạn đường từ núi về phố, hết lên dốc lại qua cua, ổ gà, ổ voi liểng xiểng, xe chòng chành, khách nào có cơ địa yếu thì tàn tạ - giá có chỗ ngồi dưới sàn chắc tôi đã ngồi bệt xuống cho yên thân. Thôi, đành đu vào tay nắm. Tết mà, năm nào cũng vậy, những chuyến xe cuối năm luôn nhốn nháo. Đông, chật, nhưng vui. Nên tôi không lấy làm khó chịu nếu phải đứng gần mấy chục cây số.

Làm khách ruột mấy năm liền của xe buýt, tôi gần như thuộc luôn lượng khách và tâm lí khách hàng theo mùa. Xe buýt cuối năm có công năng kiến thiết cuộc hạnh ngộ của những người xa lạ. Không quen nhưng những ngày này, khách ngồi trên xe dễ dàng nói chuyện với nhau và không để ý đến chuyện giồng, lắc, không nhăn mặt bịt mũi vì mùi xăng như mọi lần. Người ta dễ dàng kết nối nhau, chủ đề Tết trở thành chiếc cầu nối. Người ta hỏi thăm cô giáo chừng nào được nghỉ Tết, đã mua sắm gì chưa, có về kịp để sửa sang nhà cửa và chia sẻ nỗi vất vả khi phải đi dạy xa, thức khuya, dậy sớm và vân vân… Những lời thăm hỏi như vậy cho tôi cảm giác có một luồng nước ấm đang chảy tràn vào tim. Cực kì dễ chịu. Ngày thường ngồi thu vào một góc trên xe buýt, mùa nắng nheo mắt nhìn qua cửa kính, rỉ rê hát “trời chang chang nắng, tôi về héo khô…”, mùa mưa nhìn ra cửa sổ, lòng cũng muốn bật mưa. Nhưng những ngày cuối năm, tôi có cảm giác mình được “tri ân” nên được an ủi nhiều. Đó là lí do tôi thích những chuyến xe cuối năm.

Trưa Hai lăm tháng Chạp.

Tôi bước lên xe, đập ngay vào đôi mắt nhược thị của tôi là cô gái ngồi sỗ sàng, đối diện với cửa đi (không biết là cố ý tạo phong cách hay vô ý tứ hay đang tỏ vẻ bất cần mà không thèm ngồi khép góc). Nhìn là biết “khách Vip”. Áo cánh dơi thùng thình, quần legging đã bó sát lại đi ngồi kiểu hai chân hình chữ V. Hay nàng đang nhầm lẫn giữa tự tin và tự tiện rồi vô duyên như thế. Không có ý soi nhưng bất ngờ mắt tôi đưa vào phần dưới bụng của cô, tôi cám cảnh vì tự dưng có cảm giác thứ cần che lại đang “hiện nguyên hình”. Cũng là phụ nữ, tôi bất giác đỏ mặt vì chuyến xe trưa nay phần lớn là nam khách.

Xe trườn lên dốc, qua cua, lại lết qua đoạn có nhiều ổ voi, cô gái hét:

- Ông kia, đang lái hay đang lắc vậy? Lái vầy cho chết hành khách luôn hửng hở?

Mọi cặp mắt đổ dồn về phía đôi môi màu mận chín. Đôi môi ấy nếu biết phát ra những lời êm ái có lẽ đã đủ sức mê hoặc hết thảy những đấng mày râu trên xe. Sau câu hét đinh tai đó thì cũng vừa lúc có mấy giọt nước trên trần xe nhỏ tong tong xuống mái tóc vàng, ở dưới sàn cũng bắn lên một vòi nước nhỏ. Tôi cá là bạn sẽ phải bụm miệng cười khi “người đẹp” giãy đành đạch như con cá đang nằm trên thớt hoảng hốt chờ cạo vi, cô gái la toáng:

- Trời ơi, xe buýt nhà quê chỗ nào cũng có nước… 

Vừa nói vừa đạp mạnh chân bành bạch xuống sàn theo cái cách ăn vạ của một đứa trẻ nhà giàu, bất ngờ lại một vòi nước phun lên, mạnh hơn lúc nãy - như đáp trả, cô lại oai oái như người đi đêm gặp quỷ:

- Ôi bà mẹ ơi, nước ở đâu bắn ra nữa vầy trời?

- Chị lấy chân chặn dùm vết nứt lại cái! - soát vé nói.

- Mầy lại giậm chớ biểu ai, thằng nhãi?! - Giọng cô gái từ bực tức chuyển sang giọng “sàng chị”.

Đang lúc ai cũng chú tâm vào cô gái và vòi nước thì bất ngờ nghe tiếng hét:

- Cháy rồi, xe cháy rồi! 

Sau câu báo động thì khói tràn đen xe, mọi người đứng dậy chao chát, còn tôi thì lập tức phóng ra cửa xe, mặc kệ trời đang mưa tầm tã. (Cửa xe mở cho bác tài xuống kiểm tra sự cố thì tôi đã bay xuống trước). Tôi đứng dưới mưa khấn thầm: Ông Trời ơi, sắp Tết rồi, con trai còn nhỏ lắm, con chưa chết được đâu… 

Sau một hồi kiểm tra, tài xế bảo, không sao đâu, vậy là xe lại bon bon.

- Thôi, thôi, dừng dùm tui cái! Quỷ tha ma bắt cái đồ xe buýt ho lao… Cho tui xuống đi tắc - xi. 

Tài xế long mắt lên:

- Xe mới đề mày kêu dừng. Muốn xuống sao hồi nãy không xuống luôn?

- Nãy chưa muốn nhưng giờ muốn? Ông dám không dừng?

- Mày tin tao bộp tai hông con kia?

 Tôi sau lưng tài xế, can:

- Thôi anh, Tết nhứt tới nơi rồi, chấp nê chi con nít để chuốc bực vào người, anh dừng cho nàng xuống là xong mà.

Cô gái nửa vùng vằng nửa uốn éo bước xuống xe, miệng lải bải, cuối năm còn xui xẻo. Tôi nghe thì nghĩ, hên là xe chưa nổ một phát banh chành, mình còn được ăn Tết là may đó cô bé. Nghĩ vậy rồi mỉm cười, rồi khẽ hát “... mùa xuân ơi, ta nghe mùa xuân hát bên kia trời, từ núi xanh ngời…”.

Trưa Hai sáu tháng Chạp.

Đang lơ mơ nhìn nắng ngoài cửa xe thì tôi bị quẳng ra khỏi ghế. Đúng là tay lái lụa. Cua gắt, thắng gấp đến… chóng mặt. Đang tưởng có sự cố gì mà dừng gấp như thế. Ai dè bắt khách. Lại là một cô nương “dị nhân”. Bác tài hét:

- Bữa sau đứng đón ngay cua thì khỏi nghen!

Cô gái dường như không nghĩ tài xế đang nói mình, nàng khinh khỉnh bước lên rồi nằm ào xuống ghế dài như chiếc giường ở nhà, nghe nhạc rồi lim dim mắt. Tôi thấy mà hoảng, bữa trước tôi bị xỉu trên xe (một dạng động kinh sau chấn thương sọ não), khi toàn thân mềm nhũn, tôi bèn ngã ra ghế dài thì bị hét đến bùng nhĩ. Nhớ vụ bị hét lần trước tôi còn nhá đom đóm nên nhắc: “Em, xe buýt không cho nằm đâu”. Tôi nói vừa xong thì xe lại dừng. Khách lên lấp hết các ghế ngồi, còn hai người phải đứng. Soát vé hét: “Bà chị kia, ngồi dậy dùm cái, khách đang đứng nè…” Không có một biểu hiện nào chứng tỏ cô gái đã nghe. Soát vé hét to hơn nữa, cô vẫn cứ nằm im.

Bây giờ thì cả xe buýt đều tập trung ánh mắt về nơi đang phát ra tiếng hét (trừ tài xế). Hiệu ứng dây chuyền, một người rồi nhiều người nói: “Nhìn tướng là biết sàng chị rồi”. Một người đứng tuổi phán: “Sàng anh sàng chị là ở dưới đất, lên xe mà anh với chị, cốt bứt đầu...”. Một anh thanh niên chừng ba lăm tuổi tếu: “Tuột quần xem ả có ngồi dậy không?”. Cô gái vẫn nằm im như chết, còn chuyển từ nằm nghiêng sang nằm ngửa như trêu ngươi. Khách lại lên xe, lại đứng. Cả xe buýt bức xúc, láo nháo cả lên.

Xe bất ngờ dừng cái rét. Ủa. Không có khách mà. Chắc tài xế tranh thủ ghé đám mía “giải quyết nỗi buồn” như mọi lần. Ồ không, chú đi thẳng về phía cô gái, cầm chùm tóc mai kéo ngược.

- Ngồi dậy dùm…

- Đ.M! Đứa nào dám động vô tao đấy? Muốn chết hả?

Cô gái nói và giơ cao chiếc điện thoại to bằng nửa quyển vở lên như muốn cốt cho vỡ đầu cái người vừa đụng vô tóc mình. Tài xế thấy bộ dạng thách thức thì “giải thích”:

- Muốn nằm thì làm ơn đi mua vé xe giường nằm chứ xe buýt chỉ ngồi và đứng!

- “Đ.M”- cô gái xổ ra tràng tràng những từ bẩn thỉu và vung chân về phía tài xế, chốt một câu: “Được rồi, xuống phố xe dừng thì mầy biết tay bà…”.

Một vị khách đang đứng phía sau bỗng lách người bước tới dậm trúng chân tôi, anh bước vội trong tâm thế “cứu hộ”. Tôi ngước nhìn, ra là anh Tấn, nhà ở gần trường học, đã chuyển về Nha Trang sống mấy năm rồi, chắc là cuối năm về vùng kinh tế mới tảo mộ rồi tức tốc vô lại phố. Anh có tướng tá chắc nụi và một khuôn mặt “đàn anh”. Trước nghe kể cũng có “kì tích” ra tù vào khám mấy bận. Bước tới “hiện trường”, anh Tấn nện năm ngón tay lên đầu cô cái “cốc”, không hét nhưng nói to rõ từng từ, như người cha đang nói với đứa con phạm lỗi:

- Những người trên xe đáng vai cha, vai chú mà dám hỗn hào xấc láo như vậy hả nhóc?

- Ông là ai mà dám lên mặt dạy đời tui? Ông về đánh mấy đứa con mất dạy ở nhà í…

- Ê, cái bà nhỏ này. Có biết tui mới ra tù vì tội đánh người sém chết hông?

- Kệ cha ông chớ, nói tui chi. Ông có tin, thày bói nói tôi sẽ đi tù vì tội đánh chết một ông già không biết trời cao đất dày không?

Anh Tấn mặt đỏ phừng phừng, giơ tay lên, nhào người về phía cô gái với tư thế đấm một quả cho chí mạng, miệng hét:
- Mất dạy dữ! Không ai dạy thì để ông đây dạy cho…

Tôi thấy anh định làm thiệt chứ không phải hù thì hơi hoảng. Đời tôi kị nhất chuyện đàn ông đánh phụ nữ (mặc kệ ai đúng ai sai, giơ tay đánh phụ nữ là kẻ yếu). Càng kị hơn là không muốn chứng kiến cảnh đánh đấm. Chẳng biết làm sao, tôi vội đưa tay chụp tà áo sau của anh năn nỉ:

- Con nít đua đòi, tưởng láo xược là lẫm liệt đó anh. Thôi, anh hù vậy chắc nhỏ sợ té đái rồi…

- Mất dạy quen, để anh đập cho chừa!

- Thôi anh, tha cho cô bé đi, ăn Tết xong mà còn láo thì em để anh xử đẹp luôn!

Câu năn nỉ vui vui lại có tác dụng ngoài mong muốn. Anh lại ngồi xuống ghế, lầm bầm câu gì không rõ rồi móc túi lấy tai phôn ra nghe nhạc. Vừa lúc đó cô gái cũng xuống xe, vừa đi vừa rủa: “Cuối năm xui xẻo, gặp người gì đâu hung hăng như quỷ…”. Mọi người trên xe đều cười méo mó, như vừa chứng kiến một tiểu phẩm bi hài.

Còn tôi, cảm thấy vui vui vì cuối năm làm được việc tốt nho nhỏ nên lúc xuống xe có ghé lại bên đường mua một chậu nghinh xuân đang nở hoa, tự thưởng cho mình sau những ngày chênh chao trên xe buýt.