''Thuyền trưởng'' Trường THCS-THPT Tây Sơn

05:10, 17/10/2022
Có thể gặp Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trai hầu hết các buổi dạy học trong tuần từ sáng sớm đến cuối chiều tại Trường THCS-THPT Tây Sơn (Đà Lạt) trừ khi anh đi họp. Nhưng quan trọng hơn, “Người giỏi không phải là người làm tất cả” như cuốn sách nổi tiếng của Tiến sĩ Tâm lý học Donna M. Genett, vị “thuyền trưởng” ấy biết phát huy tổng lực từ tập thể. 
 
Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trai
Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trai
 
Tôi biết thầy giáo Nguyễn Văn Trai hơn 20 năm trước khi anh đang là tổ trưởng môn Toán rồi Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thăng Long. Tháng 4/2011, thầy Trai về Trường THCS-THPT Tây Sơn và mấy tháng sau đảm nhận chức vụ hiệu trưởng. Năm học 2022 - 2023 này, anh tiếp tục là bí thư đảng bộ có trên 50 đảng viên, hiệu trưởng của trên 120 người lao động và gần 2.400 học sinh 2 cấp. Kết thúc năm học, nhà giáo Nguyễn Văn Trai sẽ được nghỉ hưu theo chế độ khi đã ngoài 61 tuổi. 
 
Trò chuyện bên ly trà nơi phòng làm việc tuy khá hẹp nhưng tôi cảm nhận được sự tự tại, thông minh và niềm tin yêu mãnh liệt công việc toát lên ở vị hiệu trưởng này. Tìm hiểu thành tích của Trường THCS-THPT Tây Sơn đủ để tôi xác tín vững tin sự cảm nhận. Từ năm học 2012-2013 đến nay: 4 Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích hoàn thành xuất sắc Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học; 2 Cờ thi đua của UBND tỉnh dẫn đầu khối THPT về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học; 2 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và các bằng khen, giấy khen các cấp, ngành… Cá nhân thầy giáo Nguyễn Văn Trai, từ năm học 2011-2012 đến nay đã vinh dự nhận 11 bằng khen các cấp: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh. Là Nhà giáo tiêu biểu năm 2018 và đề cử năm 2022… 
 
Tôi không nêu thêm những danh hiệu thi đua, những thành tích rất nổi bật khác của các tổ chức nhà trường như Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên… mà dẫn mấy số liệu về chất lượng dạy và học. Vốn là trường bán công nay là trường công lập nhưng công bằng thì đầu vào tuyển sinh của Trường THCS-THPT Tây Sơn luôn là tuyến 2 trên địa bàn TP Đà Lạt, nhất là bậc THPT. Mặt khác, cơ sở vật chất trường học còn thua thiệt so với nhiều trường bởi khuôn viên chật hẹp. Thế nhưng Trường THCS-THPT Tây Sơn nhiều năm nay đều mạnh về chất lượng cả 2 mặt rèn luyện và học lực, cả giáo dục toàn diện, trong đó có giáo dục mũi nhọn, giáo dục văn, thể, mĩ... Ngoài tỷ lệ 100% học sinh tốt nghiệp THPT nhiều năm học, hàng năm trường đạt hàng chục giải học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 và nhiều giải các cuộc thi khác… Đơn cử năm học 2021-2022, có 37/66 học sinh giỏi THCS cấp thành phố, 25 học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi cấp tỉnh; 18/25 học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh; 13/33 học sinh giỏi THPT cấp tỉnh; 3 giải Hội thi KHKT cấp tỉnh; 22 huy chương cấp thành phố và 11 huy chương cấp tỉnh về thể thao… Trung bình mỗi năm, nhà trường có 35-40 học sinh đậu vào Trường THPT Chuyên Thăng Long… Kết quả này đã chứng minh sự đam mê, linh hoạt, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học, trong đó chú trọng đúng mức đối với 2 lớp cuối cấp. 
 
Những “quả ngọt” trên có dấu ấn chỉ đạo, lãnh đạo của Bí thư, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trai. Điều tôi quan tâm nhất là phương pháp quản trị trường học của anh. Quá trình quản lý, tâm huyết cũng là những bài học kinh nghiệm của thầy Trai là phát huy được năng lực của mỗi cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên và kể cả học sinh. Đó là những ưu thế, những nguồn lực, tài lực cần tạo điều kiện tối đa có thể để phát huy. Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm hiện thực hóa trong mỗi hoạt động cụ thể và duy trì thường xuyên. Tâm nguyện mãnh liệt của người “thuyền trưởng” là động viên, khích lệ và truyền cảm hứng cho mọi người tự tin vươn lên, vượt qua tâm lý “trường bán công” trước đó, trong đó người thầy thực thụ là tấm gương sáng của tri thức và của tình thương. Khi có sức mạnh tổng hợp thì đồng thuận, đoàn kết, năng lực sáng tạo được chuyển hóa thành nguồn năng lượng tích cực xây dựng nhà trường. Không chỉ phát triển toàn diện mà cùng chung tay khắc phục những điều kiện khó khăn như cơ sở vật chất chẳng hạn, nói theo thầy Trai đó là “biết khéo co”. “Cùng với sự nỗ lực và niềm đam mê của anh em đồng nghiệp, sự đồng lòng của hội đồng nhà trường, sự phối kết hợp đồng bộ của các tổ chức; và chú trọng hiệu quả giảng dạy, học tập, lấy chất lượng giáo dục làm thước đo, Trường THCS-THPT Tây Sơn ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc cha mẹ học sinh” - đó là sự trải lòng của nhà giáo Nguyễn Văn Trai đã và đang tìm được tiếng nói chung của nhịp sống học đường từ tập thể. 
 
MINH ĐẠO