Chở nước sạch tặng người dân

04:05, 14/05/2020

(LĐ online) - Trước tình cảnh nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt, một vài người đã tình nguyện chở nước sạch đem tặng dân.

(LĐ online) - Trước tình cảnh nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt, một vài người đã tình nguyện chở nước sạch đem tặng dân.
 
Niềm vui của người dân khi được nhận nước sạch miễn phí
Niềm vui của người dân khi được nhận nước sạch miễn phí
 
Xe nước lưu động miễn phí
 
Hiểu được nỗi vất vả của bà con, anh Nguyễn Hồng Thạnh (tổ dân phố Hòa Bình) và anh Đặng Minh Khoa (tổ dân phố Phú Thuận, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương) đã bàn nhau dùng xe tải chở nước sạch, cung cấp miễn phí cho bà con. “Chúng tôi cũng là dân lao động, làm vườn cả thôi nhưng thấy người dân thiếu nước khổ quá, nhà mình có giếng khoan sâu còn nước nên anh em bảo nhau lấy xe của nhà, mỗi người bỏ ra một ít chi phí mua dầu, mua thùng đựng nước rồi chở đến cho những ai cần. Ban đầu có 2 xe nhưng giờ phải 6, 7 xe hoạt động mỗi chiều mới đủ. Thấy bà con có nước xải như vậy là vui rồi” - anh Thạnh chia sẻ. 
 
Chỉ cần nhận được điện thoại của người dân, các anh cũng đều cho xe tới tận nơi. Xe tải nhỏ chở 1 khối, chở vào các hẻm nhỏ, còn xe lớn thì chở 2 khối, đi dọc các đường lớn, có thêm xe ben chở 3 khối đậu ở các ngã 3, ngã tư. Ai cần đều có thể đến lấy. 
 
Ngày đầu tiên anh Thạnh và anh Khoa chở được 4 khối nước nhưng chưa đi hết 1 vòng đã không còn giọt nào. Thấy vậy, các anh kêu gọi bạn bè, chia sẻ trên facebook để tìm thêm ‘đồng minh” vào cuộc giúp đỡ, thế là các xe chở nước lại tỏa đi khắp các con đường của thị trấn. Bản thân các anh cũng là những người làm vườn, kết thúc một ngày lao động mới về nhà tranh thủ lấy xe, bơm nước rồi chở vào khu vực trung tâm thị trấn đến khi nào hết nước mới quay về.
 
“Có người tưởng mình đi bán nước nên đưa tiền nhưng mình không lấy, giúp người thì giúp cho trót thôi. Cùng là dân lao động cả, sẻ chia cho nhau được là vui rồi. Tất cả đều miễn phí, mỗi người lấy một chút, nhường cho người khác nữa. Hết hôm nay, ngày mai lại có nữa, bà con cứ yên tâm. Mình sẽ tiếp tục làm đến khi nào không có ai cần nữa mới thôi” - anh Thạnh tâm sự.
 
Nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung hoạt động cầm chừng do đã xây dựng từ lâu, xuống cấp
Nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung hoạt động cầm chừng do đã xây dựng từ lâu, xuống cấp
 
Công trình nước sạch không đáp ứng đủ
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Long - Phó chủ tịch UBND thị trấn D’ran (huyện Đơn Dương), từ 5 năm trở lại đây, khoảng 60% người dân thị trấn sử dụng nước từ nhà máy nước sạch. Tuy nhiên, do tình trạng khô hạn kéo dài, lượng nước có hạn đã không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu về nước sạch của người dân. Đã khoảng 10 ngày nay, nhà máy đã ngừng cung cấp nước trên địa bàn nên gây không ít khó khăn cho đời sống người dân. 
 
“Trưa nắng 30 - 32 độ thế này mà trong nhà lại không còn giọt nước nào. Giếng sau nhà mình đã cạn rồi nên sáng, chiều mình phải xin 3 can 20 lít về dùng. Tính ra mỗi ngày cả gia đình chỉ có hơn 100 lít nước thôi nên chủ yếu dành cho ăn uống, đến tắm còn chả dám” - ông K’Long Ba - Bí thư Chi bộ thôn Ta Ly 2 (xã Ka Đô, huyện Đơn Dương) chia sẻ.
 
Ông K’Long Ba cho biết, từ trước đến nay, bà con thôn Ta Ly 2 chủ yếu sử dụng nước hợp vệ sinh từ các giếng đào, giếng khoan. Tuy nhiên, nửa tháng trở lại đây, nhiều giếng đã cạn, các gia đình phải mang can đi xin từng giọt nước. Cả thôn Ta Ly 2 có 117 hộ, thì có khoảng 50% phải xách từng can đi qua nhà hàng xóm xin nước. Gần thì vài chục mét, xa thì cả mấy trăm mét. Tình trạng người dân phải đi xin nước chỉ xuất hiện 1, 2 năm nay bởi các năm trước, mùa khô hạn thường không kéo dài quá lâu. Năm nay, giếng đào đã trơ đáy, chỉ có các giếng khoan sâu 70 - 80 mét là còn nước.
 
Còn ở xã Lạc Lâm, công trình nước tự chảy được đưa vào sử dụng từ năm 2002. Theo ông Trương Quang Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, địa phương cũng tiến hành duy tu, sửa chữa hàng năm. Đã nhiều năm nay, người dân Lạc Lâm mong đập Mơ Răng được đầu tư, nâng cấp để có thể trữ nước vào mùa khô. Năm nay, hạn hán kéo dài, nước ở đầu nguồn về ít, mực nước ở đập Mơ Răng xuống thấp nên khoảng 30% người dân các thôn Tân Lập, Mơ Răng, Lạc Sơn, Hải Hưng, Hải Dương thường xuyên thiếu nước, gây không ít khó khăn cho bà con.
 
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đơn Dương, hiện nay trên địa bàn huyện có 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn; trong đó, có 16 giếng khoan, 7 công trình nước tự chảy. Hiện tại, có 2 giếng khoan ngừng hoạt động, 2 giếng khoan cần khắc phục, sửa chữa; 3 công trình nước tự chảy đã xuống cấp, không thể hoạt động tối đa công suất thiết kế. Đơn vị đã thường xuyên tiến hành kiểm tra, bố trí sửa chữa những hư hỏng nhỏ, đề xuất phương án sửa chữa trình UBND tỉnh, Sở Nông Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đối với những công trình xuống cấp, hư hỏng. Tổng kinh phí đề xuất là 7,55 tỉ đồng. 
 
HÀ THANH