Điểm mới 'kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ''

NGUYỆT THU 05:53, 04/08/2023

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định có nhiều điểm mới và cho thấy tinh thần quyết liệt của Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ giai đoạn hiện nay. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến quán triệt Quy định 114 của Bộ chính trị
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến quán triệt Quy định 114 của Bộ chính trị

Quy định gồm 5 chương, 16 điều; trong đó quy định những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; xử lý vi phạm…

Quy định 114 ra đời trong thời điểm này là rất cần thiết, nhận được sự đồng tình rất cao từ đông đảo các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Quy định 114 vì vậy có những điểm mới so với Quy định 205 trước đây.

Trước hết về phạm vi điều chỉnh: Quy định 114 đã mở rộng phạm vi hơn so với Quy định 205 đó là: "Quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm".

Trong Quy định 205, đối tượng áp dụng là “tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ” thì với Quy định 114, đối tượng áp dụng được bổ sung là “tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ”. Quy định 114 đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác cán bộ.

Về hành vi tham nhũng: Quy định số 114 dành hẳn 1 chương (chương II) với 3 điều (Điều 3, 4, 5) để giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Cũng theo Quy định 114, hành vi chạy chức, chạy quyền là trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi. Đó là những nội dung mới, sát thực tiễn và được đông đảo các tầng lớp Nhân dân rất quan tâm. 

Quy định số 114 nêu rõ 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ. Các hành vi cơ bản kế thừa một số hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền được quy định tại Điều 11, Quy định 205. Nhưng tại Quy định 114 đã bổ sung một số hành vi mới đó là: lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định; khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Kế thừa hành vi chạy chức, chạy quyền được quy định trong Quy định 205, Quy định 114 bổ sung thêm các hành vi chạy chức, chạy quyền như: chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi. 

Ngoài ra, kế thừa một số nội dung phù hợp tại Quy định 205, Quy định 114 bổ sung thêm một số hành vi tiêu cực khác như: thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền xử lý; làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ; báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực; trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ…

Đặc biệt, khoản 5, Điều 6, Quy định 114 quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: “Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương”.

Nhiều chuyên gia, nhà phân tích lý luận cho rằng Quy định 114 lần này của Bộ Chính trị đã chỉ ra cụ thể những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Có thể nói, một trong những biểu hiện thường xảy ra và khá phổ biến về công tác cán bộ, như dư luận xã hội thường nói đó là “lộng quyền, lạm quyền, vượt quyền”. Ví dụ như, công tác cán bộ phải đưa ra tập thể thảo luận và quyết định theo đa số nhưng cán bộ với tư cách người đứng đầu đã quyết định, tức là đã vượt quyền, lộng quyền; hay mình chỉ là cấp dưới nhưng mình quyết định, thế là tiếm quyền, vượt quyền, lộng quyền. Thứ hai, là làm thiếu trách nhiệm, đáng lẽ quy định là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm và quyết định nhưng lại đùn đẩy lên cấp trên, hoặc dựa dẫm, không dám chịu trách nhiệm, không làm cũng là vi phạm. Có cả trường hợp bỏ quyền, thực chất là thiếu trách nhiệm.

Quy định số 114 nêu rõ các biện pháp xử lý của cấp có thẩm quyền khi có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có kết luận vi phạm sẽ chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định.