Vài tháng qua, nhiều địa phương đã mạnh dạn tái đàn ngay sau khi hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đến nay, một số địa phương được xem là ít gặp tổn thất từ dịch bệnh đã đảm bảo đạt 90% số lượng lợn so với trước khi có dịch.
![]() |
Mô hình nuôi heo công nghệ chuồng lạnh của gia đình anh Vũ Quang Thành (Thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) đã giúp anh thành công khi đi “ngược dòng” giữa tâm DTLCP. Ảnh: Hồng Thắm |
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và các địa phương tập trung đẩy nhanh hơn quá trình tái đàn lợn, tuy nhiên phải đảm bảo bền vững vì nguy cơ dịch bệnh này quay trở lại rất cao. Theo đó, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu, đến cuối năm 2020, đàn lợn được khôi phục bằng lúc trước dịch. Và theo lộ trình tái đàn, đến quý 4 năm nay, số đầu lợn sẽ đạt 31 triệu con, ngang bằng thời điểm chưa bị dịch.
Tại tỉnh Lâm Đồng, DTLCP đã được khống chế, song việc tái đàn đang được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện một cách thận trọng với những điều kiện khắt khe nhằm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay là việc mua lợn giống để tái đàn không chỉ giá rất cao mà còn đang thiếu hụt so với nhu cầu khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn.
Qua khảo sát tại một số địa phương và trang trại, lợn giống có trọng lượng từ 6 - 7 kg hiện tại trên thị trường có giá dao động từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/con (tùy loại), đắt gấp 2 - 3 lần so với trước đây. Nhiều người chăn nuôi lợn thương phẩm khẳng định đây là mức giá con giống cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Chính điều này đã khiến nhiều nông hộ lưỡng lự giữa tái đàn và không tái đàn lúc này. Bởi, nếu mua con giống với giá cao như hiện nay, sau từ 3 - 4 tháng thả nuôi, khi xuất chuồng nếu giá lợn hơi vẫn nằm ở mức cao như hiện nay thì nông dân còn có lãi, nhưng nếu giá lợn xuống thấp thì nông hộ coi như công cốc.
Thực tế này khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mạnh dạn tái đàn, không ít hộ chỉ tái đàn "cầm chừng" vừa thăm dò thị trường. Đơn cử như tại huyện Lâm Hà, địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất trong tỉnh, công tác tái đàn cũng đang được các ngành chức năng quan tâm trong thời gian vừa qua. Đến thời điểm hiện tại, tổng đàn lợn trên toàn huyện Lâm Hà ước đạt 82.300 con/128.920 con theo kế hoạch, đạt tỷ lệ tái đàn 63,8%, bằng 74,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trương Quốc Khánh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cho biết: Mặc dù số lượng lợn tái đàn trên địa bàn huyện chưa đạt theo kế hoạch, tuy nhiên một tín hiệu lạc quan là việc tái đàn đa số thuộc về nông hộ, trang trại chăn nuôi theo quy mô vừa và lớn. Những hộ chăn nuôi này đã có ý thức, trình độ chăn nuôi khá cao từ việc xây dựng chuồng nuôi, trang trại đến khâu kiểm soát con giống, đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch bệnh.
Hiện địa phương đang tiếp tục lên kế hoạch tái đàn lợn theo định hướng của ngành nông nghiệp trong tỉnh. Phương châm của địa phương là không tái đàn một cách ồ ạt, số lượng lớn, thay vào đó việc tái đàn được thực hiện chậm nhưng chắc, đảm bảo các yếu tố an toàn sinh học. Đồng thời khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, tránh tâm lý nóng vội tái đàn mà mua giống lợn trôi nổi, chưa qua kiểm soát - ông Khánh cho hay.
Ông Phạm Phi Long - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Lâm Đồng chia sẻ: Thời gian vừa qua, công tác tái đàn trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách thận trọng. Đảm bảo an toàn, có sự kiểm soát của chính quyền địa phương, cán bộ thú y, người chăn nuôi và thực hiện có lộ trình phù hợp với từng địa phương, cơ sở chăn nuôi.
Hiện, tổng đàn heo trên toàn tỉnh ước đạt hơn 350.000 con/460.000 con theo kế hoạch năm 2020.
Đối với việc tái đàn heo hiện nay, ngành chăn nuôi coi trọng chất lượng hơn số lượng, bởi mối lo DTLCP phát sinh vẫn luôn còn tiềm ẩn.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi - Thú y, sau đợt dịch vừa qua người dân đã tự nâng cao ý thức hơn trong công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh, lên kế hoạch tái đàn có nghiên cứu, thường xuyên trao đổi, lắng nghe khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn.
Đối với các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi chưa bị dịch, tiếp tục thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhất là đàn lợn nái để cung cấp con giống phục vụ nhu cầu tái đàn trên địa bàn tỉnh. Những nông hộ, trang trại từng bị dịch, muốn tái đàn, cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch, đảm bảo yếu tố an toàn sinh học trước khi tái đàn, thiết lập hệ thống tiêu độc, khử trùng nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển sang các vật nuôi khác, duy trì sản xuất - ông Long cho hay.
NGÂN GIANG