Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP

QUỲNH UYỂN 07:04, 10/04/2024

Nhằm nâng cao giá trị của các sản phẩm OCOP, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất đăng ký bảo hộ và quản lý hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, thương hiệu của các sản phẩm OCOP được duy trì và phát triển, đã tiếp cận ngày càng gần hơn với người tiêu dùng.

Xây dựng nhãn hiệu Mắc ca Lâm Đồng
Xây dựng nhãn hiệu "Mắc ca Lâm Đồng"

Có thể nói, Chương trình OCOP đã cho thấy sự phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo thống kê, sau 5 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, đến nay, Lâm Đồng có 198 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao. Các sản phẩm OCOP là sản phẩm nông thôn tiêu biểu, là nông sản đặc trưng thế mạnh của địa phương, mỗi sản phẩm được coi như một đại sứ du lịch, nên việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP cũng giống như xác định tên gọi, định danh cho “đại sứ du lịch”.

Để nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã rất quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP, hỗ trợ các đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng sản phẩm; đảm bảo thủ tục pháp lý như chứng nhận đủ điều kiện an toàn sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng; xây dựng và bảo hộ logo, bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng website, bao bì, tem nhãn… Đến nay, toàn tỉnh đã có 56/84 chủ thể đơn vị đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP của mình.

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP đã thúc đẩy hoạt động quảng bá thương mại cho sản phẩm. Qua đó, đến Đam Rông người ta nhớ đến chuối Laba Đạ K’nàng, dứa mật Rô Men, trà dây leo Liêng S'rônh; tới Cát Tiên nhớ đến hạt điều rang muối, rượu cần Buôn Go và các sản phẩm làm từ gạo (tinh bột cám gạo, tinh bột gạo nứt); đến Đạ Tẻh nhớ nếp quýt, bánh bột lọc, bưởi da xanh; đến Đơn Dương nhớ đến củ năng, các sản phẩm dược liệu từ đương quy, tương ớt, bột cần tây, hồng sấy dẻo; đến Bảo Lâm là biết nơi đây có Bơ 034… Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm OCOP được quan tâm tạo lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cộng đồng mang tên địa danh có ý nghĩa thương mại lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã xác lập 37 nhãn hiệu cộng đồng như “Rau Đà Lạt”, “Trà B’lao”, “Nếp quýt Đạ Tẻh”, “Lúa gạo Cát Tiên”, “Tơ lụa Bảo Lộc”, “Cà phê Di Linh”, "Sầu riêng Đạ Huoai”, “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, sắp tới là các nhãn hiệu đang xây dựng “Mắc ca Lâm Đồng”, “Măng cụt Bảo Lộc”.

Điển hình nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được cấp bảo hộ năm 2017, đến nay, UBND TP Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 768 tổ chức, cá nhân, chủ yếu là sản xuất rau, hoa, cà phê, trong đó có các sản phẩm OCOP đã sử dụng nhãn hiệu chung. Giá trị thương mại của sản phẩm sử dụng nhãn hiệu ngày càng cao và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” được cấp bằng bảo hộ năm 2015, đến nay, đã có 397 hộ nông dân với diện tích sản xuất 507,7 ha theo tiêu chuẩn VietGAP được UBND huyện Đạ Huoai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, nhiều sản phẩm sầu riêng chế biến sâu cấp đông được công nhận sản phẩm OCOP cũng được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”. Các đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu đã tổ chức tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, hình thành chuỗi giá trị, đảm bảo khối lượng đúng chất lượng cam kết. Sản phẩm được dán tem “Sầu riêng Đạ Huoai” đã được thị trường và người tiêu dùng đón nhận, có giá bán cao hơn 15 - 20% so với sầu riêng chưa được dán nhãn, trở thành nông sản chủ lực của huyện. Dễ dàng nhận thấy, sản phẩm OCOP sau khi được xác lập nhãn hiệu cộng đồng mang tên địa danh trên sản phẩm đã có ý nghĩa rất lớn, thương hiệu mang tính bền vững cao, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, tạo lòng tin với người tiêu dùng.

Thực hiện Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai các nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm ở nhiều địa phương trong tỉnh. Sở tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giống cây trồng; hỗ trợ các đơn vị, cá nhân sản xuất sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, trong đó có các sản phẩm OCOP.