Mắc ca tiềm năng 5 sao ở Lâm Hà

VĂN VIỆT 05:59, 29/03/2024

Sau nhiều năm rời công việc ở một doanh nghiệp lớn từ phương Nam, cựu sinh viên công nghệ sinh học Trần Quốc Chính (sinh năm 1985) đã trở về xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà khởi nghiệp vượt qua  từng giai đoạn khó khăn, thử thách để thăng hạng giá trị hạt mắc ca OCOP 4 sao tỉnh Lâm Đồng tiềm năng lên OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Vàng Macca chế biến, tiêu thụ trong nước 
và xuất khẩu 60 tấn thành phẩm mắc ca mỗi năm
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Vàng Macca chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu 60 tấn thành phẩm mắc ca mỗi năm

Gặp Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Vàng Macca Trần Quốc Chính tại hội thảo “Tạo lập nhãn hiệu Chứng nhận Mắc ca Lâm Đồng” vào ngày 20/3 vừa qua, phóng viên mới hay các sản phẩm mắc ca thương hiệu “Macca Sao Vàng” sản xuất, chế biến từ xã Hoài Đức và các xã khác thuộc vùng nông nghiệp huyện Lâm Hà đã hoàn tất hồ sơ xếp hạng OCOP 5 sao cấp quốc gia. Hơn 8 năm chế biến mắc ca từ phương pháp bán thủ công sang kỹ thuật, dây chuyền thiết bị tự động, Giám đốc Chính cho rằng, vùng đất Lâm Hà nhiệt độ trung bình 21 - 22 độ C, phù hợp cho cây mắc ca sinh trưởng, thu hoạch và đưa vào chế biến các dòng sản phẩm với hương vị giòn, bùi, béo, thơm riêng biệt, ngày càng thu hút khá nhiều người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu chọn lựa sử dụng. “Mắc ca, một loại hạt tốt nhất thế giới bởi hương vị thơm ngon, hấp dẫn với hơn 20 dưỡng chất vô cùng quý giá cho sức khỏe. Với lợi thế về thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu thuận lợi ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, loại “cây tỷ đô” này qua kỹ thuật, kinh nghiệm thâm canh của nhà nông đã cho ra đời sản phẩm 100% thành phần dinh dưỡng sánh ngang với các loại hạt mắc ca khác trên thế giới...”, anh Chính nhận định. 

Theo đó, từ năm 2016, cử nhân công nghệ sinh học Trần Quốc Chính từ phương Nam về lại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà làm điểm xuất phát với khát vọng đưa hạt mắc ca địa phương đến các vùng, miền trong nước và từng bước xuất khẩu. Khởi đầu, anh Chính đến các vườn gần nhất để mua hạt mắc ca tươi về dùng ống nước tách vỏ, phơi khô và đưa vào lò nướng gia dụng khoảng 10 phút, thành phẩm khoảng 1 kg sấy nứt dùng ăn thử cho cả gia đình. Qua đó, anh Chính thấy rằng hương vị mắc ca Lâm Hà đậm đà như hạt mắc ca Úc mà mình thường hay thưởng thức trong thời gian làm việc tại một doanh nghiệp công nghệ sinh học từ phương Nam. Tiếp tục đưa xuống đồng nghiệp ở phương Nam đều cảm nhận chất lượng mắc ca Lâm Hà, Lâm Đồng ngang bằng với mắc ca sản xuất và chế biến từ nước ngoài. Từ đây, anh chính thức khởi động hành trình chế biến mắc ca thương phẩm của mình. 

Thị trường đầu tiên anh Chính ký gửi bán sản phẩm mắc ca sấy của mình đến một số cửa hàng đặc sản trong thành phố du lịch Đà Lạt, mỗi tuần vài chục ký, tự tin báo giá cao hơn thị trương 10 - 15%. Kết quả gần như mong đợi, hàng tuần, các cửa hàng đặc sản này không có đủ sản phẩm mắc ca của anh Chính bán ra theo nhu cầu tìm mua của khách hàng địa phương và khách du lịch. Bởi vậy, anh Chính quyết định đầu tư hệ thống máy móc sấy mắc ca tự động với công suất bình quân 20 kg thành phẩm/10 phút. Sản phẩm từ dây chuyền mới rất hút hàng bởi độ giòn thơm, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ 50%; tỷ lệ 50% còn lại phần lớn cháy đen hoặc chín không đồng đều, phải hủy bỏ. Đến năm 2017, anh Chính mới chọn mua được hệ thống máy móc sấy mắc ca phù hợp, khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống máy cũ vừa nêu. Thời điểm này, anh Chính thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Vàng Macca do chính mình làm giám đốc. Công suất chế biến và tiêu thụ tăng lên gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước, thị trường mở rộng thêm nhiều khu vực trong TP Đà Lạt. 

“Ngay lúc vừa thành lập, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Vàng Macca tham gia xúc tiến thương mại khu vực các tỉnh, thành phía Nam, gặp cơ hội kết nối giao thương với đối tác Hàn Quốc. Sau đó, đưa đối tác Hàn Quốc về tham quan vùng nguyên liệu mắc ca huyện Lâm Hà, đánh giá cảm quan sản phẩm mắc ca tại nhà xưởng và mua 100 kg về nước cho khách hàng dùng thử. Một tuần sau, công ty nhận thư đặt hàng chính thức từ Hàn Quốc với 100 kg mắc ca sấy. Nhiều lần sau, công ty vẫn xuất hàng sang Hàn Quốc đều đặn mỗi lần 100 kg mắc ca sấy cho đến năm 2020 dịch COVID-19 bùng phát mới ngưng tiêu thụ đến nay…”, Giám đốc Trần Quốc Chính cho biết.  

Đến năm 2022, cũng tham gia xúc tiến thương mại tại khu vực tỉnh, thành phía Nam, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Vàng Macca với sản phẩm OCOP vừa xếp hạng 4 sao tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, công ty gặp đối tác Nhật Bản và đưa về nhà xưởng diện tích 400 m2, tham quan dây chuyền chế biến đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm HACCP, tìm hiểu vùng trồng mắc ca huyện Lâm Hà, lấy mẫu về nước phân tích. Kết quả trong 2 năm vừa qua, mỗi năm, Nhật Bản mua mắc ca của công ty 5 - 6 lần, mỗi lần 1 - 2 tấn sản phẩm…

Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Vàng Macca liên kết sản xuất, tiêu thụ mắc ca với hơn 20 nông hộ trong huyện Lâm Hà, mỗi hộ trồng từ 1 - 2 ha. Tính riêng trong năm 2023 vừa qua, công ty thu mua khoảng 100 tấn mắc ca tươi, chế biến 60 tấn thành phẩm, tỷ lệ tiêu thụ thị trường trong nước đạt 80%, xuất khẩu đạt 20%. “Năm 2024, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Vàng Macca tiếp tục nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền máy móc chế biến sâu các dòng sản phẩm mắc ca huyện Lâm Hà đạt giá trị kinh tế cao hơn nữa cho cả phía sản xuất và phía chế biến sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao và tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước”, Giám đốc Trần Quốc Chính chia sẻ.