Đầu tư và phát triển doanh nghiệp một năm gặp khó

KHẢI NHIÊN 06:35, 31/01/2024

Mức tăng trưởng GRDP của Lâm Đồng năm 2023 chỉ đạt 5,63% thấp hơn mục tiêu đề ra là 7,5% có một phần do thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Sản xuất lan vũ nữ theo chuỗi liên kết thu nhập cao giữa nhà doanh nghiệp với nhà nông tại huyện Di Linh. Ảnh: Văn Việt
Sản xuất lan vũ nữ theo chuỗi liên kết thu nhập cao giữa nhà doanh nghiệp với nhà nông tại huyện Di Linh. Ảnh: Văn Việt

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng sản phẩm trong nước năm 2023 của Lâm Đồng (GRDP - giá so sánh 2010) tăng 5,63%; quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt 115.834,9 tỷ đồng (kế hoạch GRDP tăng 7,5-8,5%). Với mức tăng trưởng 5,63% này nếu so với chỉ tiêu đề ra thì thấp hơn 1,87 điểm và so với mục tiêu phấn đấu thấp hơn 2,87 điểm phần trăm. Và điều này đã được tỉnh nhận định, đánh giá rằng: Kinh tế duy trì tăng trưởng nhưng chưa thật sự ổn định và bền vững; mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt thấp hơn kế hoạch đề ra do công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 6,15% so với kế hoạch tăng 10,6-13,1% và dịch vụ tăng 5,79% so với kế hoạch tăng 9,2-9,8% bởi một số nguyên nhân chính đó là thị trường bất động sản chưa phục hồi; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do áp lực lạm phát, chi phí nguyên vật liệu tăng cao...

Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng tháng cuối năm 2023, mặc dù hoạt động của doanh nghiệp cơ bản tăng 35% về vốn đăng ký, nhưng đi cùng đó có tới 23 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 76,9%; 16 doanh nghiệp giải thể, tăng 60%. Trong khi đó chỉ có 9 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm tới 55% so với cùng kỳ. Nhìn rộng hơn cả năm 2023, toàn tỉnh có 1.301 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 11,9%; 291 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 15,2%. 

Điều đáng nói là số doanh nghiệp thành lập mới vừa giảm so với cùng kỳ năm trước trên hai con số cho thấy mức độ phát triển doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn. Đặt bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới thì có tới 634 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 20,8% và số doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp giải thể, tăng 4,9% so với cùng kỳ để thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người dân thực sự gặp phải một năm nhiều thách thức. 

Nhìn chung, năm 2023, doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh giảm 11,9%, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 15,2%; trong khi doanh nghiệp giải thể tăng 4,9%; doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng tăng 20,8% so với cùng kỳ, ảnh hưởng tới sự phát triển công nghiệp, dịch vụ của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh kinh tế tư nhân thì tình hình kinh tế tập thể tiếp tục hoạt động ổn định, số lượng hợp tác xã thành lập mới, thành viên hợp tác xã tăng so với cùng kỳ; các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, gắn với chuỗi liên kết cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023, toàn tỉnh có 5 liên hiệp hợp tác xã, 539 hợp tác xã với trên 73.500 thành viên, tổng vốn điều lệ khoảng 1.155 tỷ đồng và 456 tổ hợp tác. Song quy mô sản xuất, kinh doanh của khối kinh tế tập thể còn thấp cả về vốn lẫn sản phẩm. 

Mặt khác, nội trong tháng 12/2023, toàn tỉnh thu hút được 13 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, vốn đăng ký 2.443,2 tỷ đồng, quy mô diện tích 113,1 ha; một số dự án lớn hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động. Và lũy kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 973 dự án đang còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 143.143 tỷ đồng. Việc thu hút đầu tư vào các dự án và các dự án được triển khai, dự án hoàn thành đi vào hoạt động không những gia tăng tổng mức đầu tư toàn xã hội mà còn đóng góp thu ngân sách và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Trong năm qua Lâm Đồng tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư quy mô lớn trong một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt là tổ chức các hội nghị hợp tác kinh doanh, đầu tư với các đối tác nước ngoài mà điển hình là Hội nghị Hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ khảo sát một số dự án Lâm Đồng đang kêu gọi đầu tư, đồng thời tiến hành ký kết 50 Biên bản ghi nhớ và Hợp đồng nguyên tắc dự án kêu gọi đầu tư và các trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin tại tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển biến chậm. Mặt khác, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số PCI năm 2022 tuy tăng điểm số nhưng giảm thứ bậc, cụ thể giảm 2 bậc so với năm 2021; chỉ số PAPI, SIPAS đều giảm điểm số và thứ hạng so với năm 2021 (chỉ số PAPI giảm 2,84 điểm, giảm 31 bậc; chỉ số SIPAS giảm 9,02 điểm, giảm 18 bậc).

Với những kết quả đạt được trong năm qua, bước vào năm 2024, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương cần tập trung xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024. Việc triển khai thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là khởi công Dự án đường Cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương cũng như Dự án Hồ chứa nước Kazam và một số công trình trọng điểm khác góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Đồng thời, rà soát, chủ động cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, giảm tối đa thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Vận động, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp qua mạng điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo quy định. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể về số lượng và củng cố chất lượng; xây dựng mô hình hợp tác xã có quy mô liên xã, liên huyện gắn với sản phẩm đặc trưng từng địa phương; mô hình hợp tác xã kiểu mới, đa dạng loại hình dịch vụ; mô hình hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, duy trì và nâng cao thứ hạng chỉ số PCI ở nhóm điều hành tốt; ưu tiên đối với các dự án đầu tư phát triển các ngành kinh tế động lực, các ngành khai thác các lợi thế so sánh của tỉnh...

Với cách tiếp cận nêu trên, hy vọng năm 2024, Lâm Đồng sẽ gia tăng thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển.